Góc nhìn khác về truyền thống tặng quà cuối năm của người Nhật

Minh Hương

(Dân trí) - Oseibo - tục tặng quà cuối năm - là truyền thống bám rễ sâu trong văn hóa xứ Phù Tang. Nhưng tập tục này cũng cho thấy sự bất bình đẳng trong phân bổ các nguồn lực xã hội tại Nhật Bản.

Người Nhật có truyền thống tặng quà cho đối tác kinh doanh, khách hàng, đồng nghiệp, bạn bè để cảm ơn một năm hợp tác vào tháng 12. Dịp này được biết đến với tên gọi mùa tặng quà oseibo. Vào tháng 7, người Nhật có dịp tặng quà khác vào mùa hè có tên ochugen. Những món quà được tặng trong cả hai dịp gồm các loại thực phẩm đắt tiền, như các loại hoa quả, nori - một loại tảo biển, phi lê cá...

Michiyo Nakamoto là nhà báo làm việc tại Tokyo. Mỗi mùa oseibo, gia đình bà nhận được số thực phẩm quà tặng nhiều hơn khả năng tiêu thụ của gia đình. Nhiều thực phẩm trong số đó cuối cùng không được gia đình sử dụng. Nhiều bạn bè của Nakamoto cho biết họ nhận được số quà dịp oseibo nhiều tới mức chất đầy một căn phòng.

Góc nhìn khác về truyền thống tặng quà cuối năm của người Nhật - 1

Trái cây là loại quà tặng oseibo phổ biến. Ảnh: Livejapan

Đặt trong thực trạng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngày càng nhiều gia đình Nhật Bản gặp khó khăn trong việc cung cấp đủ lượng thực phẩm cho gia đình, lượng quà tặng quá lớn dịp oseibo cho thấy tình trạng lãng phí thực phẩm. Thậm chí trước khi đại dịch xảy ra, nhiều gia đình Nhật Bản, đặc biệt là các gia đình có cha mẹ đơn thân, gặp khó khăn trong việc cung cấp đủ thực phẩm cho cả nhà.

Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), 16% dân số Nhật Bản có thu nhập thuộc hạng nghèo năm 2018. Tỷ lệ trẻ em nghèo tại Nhật Bản là 13,7%, cao hơn mức trung bình của OECD là 12,4%. Một khảo sát năm 2017 cho thấy 19,4% các hộ gia đình có cha mẹ đơn thân gồm hai thế hệ cùng sinh sống tại Nhật Bản từng lâm vào cảnh thiếu ăn. Trong khi đó, khoảng 27,6 triệu tấn thực phẩm bị thải bỏ trên toàn quốc gia này năm 2016.

Không thể phủ nhận lợi ích kinh tế to lớn của hai mùa tặng quà trong năm oseibo và ochugen. Thị trường oseibo ước tính có doanh số bán lẻ trị giá 910 tỷ yen (8,8 tỷ USD). Con số tương ứng với mùa tặng quà mùa hè ochugen là 730 tỷ yen. Tuy nhiên, hai mùa tặng quà trong năm này phần nào cho thấy sự bất bình đẳng trong phân bổ các nguồn lực xã hội tại Nhật Bản khi nhiều người nhận được số thực phẩm dịp oseibo và ochugen vượt quá mức họ có thể tiêu thụ trong khi những người khác vẫn tiếp tục thiếu ăn.

Các ngân hàng thực phẩm để hỗ trợ người nghèo tại Nhật có quy mô hoạt động tương đối nhỏ và do đó, chưa thực sự hiệu quả trong việc phân phối thực phẩm được quyên góp với tay người có nhu cầu. Nhiều ngân hàng thực phẩm địa phương có tiêu chuẩn nghiêm ngặt và không tiếp nhận nhiều loại quà tặng dịp oseibo do người dân quyên góp.

Truyền thống tặng quà là văn hóa đẹp của người Nhật Bản, thể hiện sự trân trọng, biết ơn những đơn vị, tập thể đã giúp đỡ việc kinh doanh của công ty, cá nhân trong năm qua cũng như là một phương thức giao tiếp, kết nối xã hội và thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên, nhìn từ khía cạnh khác, Nhật Bản cần hệ thống và cơ sở hạ tầng để tập tục tặng quà mang đúng tinh thần "cho đi" qua việc giúp những người thực sự cần có một cuối năm và năm mới no đủ.