Giải quyết dứt điểm nạn "bóp méo" quy hoạch: Triệt nguồn lợi ích bất chính

Theo GS Đặng Hùng Võ, đối với các dự án vi phạm Luật Đất đai, xây sai quy hoạch cần xác định rõ đối tượng hưởng lợi để xử lý nghiêm, mạnh tay mới ngăn chặn vi phạm mới phát sinh.

Qua kiểm toán Chuyên đề việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017 - 2020, thực hiện năm 2021, Kiểm toán Nhà nước khu vực I đã chỉ rõ nhiều sai phạm liên quan đến công tác quy hoạch và "bóp méo" quy hoạch tại một số địa phương.

Giải quyết dứt điểm nạn bóp méo quy hoạch: Triệt nguồn lợi ích bất chính - 1

GS Đặng Hùng Võ.

Theo GS Võ, bất kỳ hành động nào cũng sẽ có mục đích, ở đây việc vi phạm pháp luật về đất đai, để dự án "treo" hay thậm chí là xây dựng công trình sai quy hoạch được duyệt như vượt tầng, tăng mật độ, xây nhà trên đất được quy hoạch làm mục đích khác đều có nguyên nhân sâu xa là để thu lợi bất chính. Như vậy, chỉ cần "đánh" mạnh vào cái lợi ích bất chính đó thì hẳn nhiên các dự án, các doanh nghiệp cũng sẽ mất đi động cơ để phát sinh những vi phạm mới trong tương lai.

- Nhưng những dự án đã xây dựng hoàn thiện rồi thì sao, thưa ông?

Đây đúng là câu hỏi chưa có câu trả lời rốt ráo. Theo tôi, nếu dự án đã hình thành, dù có vi phạm, nếu phá bỏ sẽ lãng phí nguồn lực xã hội thông qua chủ đầu tư đã bỏ vào. Phương án nên tính đến là công trình nào vi phạm, xây dựng sai quy hoạch sử dụng đất nhà nước sẽ kiên quyết thu hồi.

Tất nhiên khi đó nhà nước sẽ xác định các chi phí đã xây dựng và thanh toán cho chủ đầu tư theo đơn giá theo quy định của nhà nước. Việc sử dụng, kinh doanh, vận hành công trình về sau sẽ do nhà nước quyết định, có thể qua đấu thầu, đấu giá… Nếu kiên quyết làm được như vậy sẽ chặt đứt triệt để được động cơ vi phạm.

Giải quyết dứt điểm nạn bóp méo quy hoạch: Triệt nguồn lợi ích bất chính - 2

Hơn 40 căn nhà tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TPHCM xây dựng sai phép (Ảnh: Minh An).

- Thời gian qua, dù nhiều chế tài được ban hành, nhưng có vẻ các vi phạm vẫn không giảm mà còn có xu hướng tăng, thưa ông?

Bên cạnh yếu tố có thể Luật pháp chưa đủ chặt chẽ, cơ chế giám sát hành pháp chưa thực sự hiệu quả thì câu chuyện lại quy về yếu tố lợi ích và trung tâm là con người. Khi "nhóm lợi ích" xấu còn tồn tại, thì không giải quyết rốt ráo. Khi chặt đứt "phong tỏa" được mạch lợi ích không chính đáng này thì các sai phạm liên quan đến đất đai, quy hoạch, xây dựng sẽ mất đi động lực để vi phạm.

Bên cạnh đó, để làm được việc này thì chúng ta có thể sẽ phải điều chỉnh lại một số quy định của luật pháp, thiết lập chế giám sát hiệu quả, huy động được toàn dân tham gia vào.

- Vậy đâu sẽ là giải pháp căn cơ, lâu dài để xử lý vi phạm, thưa ông?

Giải pháp thì có rất nhiều người đã đề cập, có tổng thể từ sửa luật, nâng cao thu nhập của công chức, thiết lập cơ chế giám sát đến những giải pháp chi tiết như tăng cường xử phạt,… nhưng có thể nói giải pháp căn cơ, lâu dài nhất vẫn phải là câu chuyện của luật pháp.

Vừa qua chúng ta tổn thất những cán bộ cấp cao ở một loạt tỉnh thành phố như Bình Dương, TPHCM, Khánh Hòa… cũng một phần do cách xây dựng pháp luật của chúng ta làm luật nọ mâu thuẫn với luật kia. Điều này đã vô tình tạo ra cơ hội để "đẩy" cán bộ sa ngã.

Chẳng hạn như hiện nay giá đất trong bảng giá đất nhà nước chỉ bằng 30 - 40% giá thị trường. Hoặc, bản thân việc quy định thu hồi dự án sau 24 tháng không sử dụng dự án sẽ bị thu hồi đất và tài sản trên đất, cũng là quy định không phù hợp.

Vì Hiến pháp quy định tài sản hình thành hợp pháp đều được Nhà nước bảo hộ không bị quốc hữu, nhưng nếu tịch thu đất lại thu luôn tài sản đầu tư trên đất, như vậy là trái với quy định.

Chủ đầu tư có thể vi phạm là chưa đưa đất vào sử dụng theo đúng tiến độ, nhưng tài sản được hình thành là hợp pháp. Theo tôi, chúng ta nên xử lý các dự án "treo" bằng biện pháp tài chính và thuế ở mức rất nặng, ví dụ cứ để đất chậm 1 năm không sử dụng bị phạt bằng 30% tiền sử dụng đất phải nộp.

- Xin cảm ơn ông!