Đại dịch Covid-19 thay đổi thói quen “khẩu vị” của người mua nhà
(Dân trí) - Theo giới chuyên gia, dịch Covid-19 đã khiến nhiều người Việt thay đổi về quan niệm mua nhà theo xu hướng sống xanh.
Nhiều gia đình ở Hà Nội chuyển ra ngoại thành sống
Trong hơn 30 năm sinh sống tại tầng 4, khu tập thể Hàng Bông (Hoàn Kiếm, Hà Nội), chị Bùi Việt Hà (SN 1985) hiểu rõ cuộc sống chật chội, bí bách nơi Phố cổ.
Bản thân chị luôn mơ ước một khu vườn nhỏ xinh để trồng rau, trồng hoa theo sở thích cá nhân.Vì vậy, kể từ năm 2018, chị Hà đã nghĩ tới việc mua đất làm nhà ở ngoại thành Hà Nội. Tuy nhiên, phải tới 2 năm sau (năm 2020), quyết định chuyển nhà từ “phố” về “quê” mới được mọi người trong gia đình chị Hà đồng ý.
Theo chị Hà, dịch bệnh bùng phát chính là nguyên nhân, tác động lớn nhất giúp các thành viên trong gia đình chị thay đổi quan niệm về nhà ở.
“Gia đình tôi ở đây đã nhiều thế hệ, bố mẹ đã quen với cuộc sống ở đây nên rất khó thuyết phục họ chuyển nhà. Thế nhưng, sau khi dịch Covid xuất hiện tại Việt Nam, bố mẹ tôi rút ra chân lý, dịch bệnh dễ lây lan trong cộng đồng, đối với khu vực đông dân lại càng nguy hiểm hơn.
Vì vậy, họ đồng ý chuyển về ngoại thành, mật độ dân cư vừa phải lại có mảnh vườn trồng rau, gần gũi với thiên nhiên”, chị Hà nói.
Không chỉ riêng gia đình chị Hà, giãn cách xã hội cùng với sự bùng phát trở lại của đại dịch đã khiến nhiều gia đình trẻ ở Hà Nội "bán nhà nội đô, ra ngoại thành" ở.
Vừa quyết định mua một căn chung cư gần 70m2 trong một khu đô thị sinh thái phía Đông Hà Nội, anh Lương (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, những ngày làm việc ở nhà đã khiến cả hai vợ chồng nhận ra nhiều điều về giá trị sống.
"Chúng tôi quyết định bán căn nhà ống chật chội, trong nội đô để chuyển ra ngoại thành có không gian sống thoáng đãng hơn, có thời gian tận hưởng cuộc sống thay vì phải cuốn mình trong guồng quay áp lực, ngột ngạt, chật chội của phố thị", anh Lương nói.
“Khẩu vị” mua nhà thay đổi trong mùa dịch Covid-19
Theo Nielsen Việt Nam, dịch Covid-19 đã tạo nên những thay đổi đáng kể trong hành vi và thói quen của người Việt. Điều này có thể cho thấy ý thức về việc bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của người dân.
Cụ thể, 47% đã thay đổi thói quen ăn uống, hướng đến các thực phẩm tốt cho sức khỏe, tăng hệ miễn dịch, 60% thay đổi các hoạt động giải trí, vui chơi, hạn chế đến những nơi đông người, đặc biệt các khu bar, pub. 70% người Việt đã xem xét lại nơi du lịch.
Ngoài ra, các sản phẩm bất động sản xanh, gắn với sức khỏe, gần gũi với thiên nhiên, có tính biệt lập được cho là sẽ lên ngôi trong thời gian tới.
TS.KTS Trần Minh Tùng, Trưởng bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng) cho rằng, xảy ra đại dịch Covid-19 là điều không ai mong muốn, nhưng sống trong đại dịch, con người ngộ ra nhiều điều.
Con người có nhiều thay đổi trong cách ứng xử, thói quen, nhiều hoạt động đời sống thường ngày thay đổi so trước đại dịch. Việc tự bảo vệ bản thân trước dịch bệnh là cần thiết, trở thành thói quen tốt.
“Mong muốn và nhu cầu của con người thay đổi, trở về tự nhiên với những yếu tố thiên nhiên xanh hóa, nhưng trong chuẩn cuộc sống số với đầy đủ tiện ích, tiện nghi và các kết nối thông minh, cải thiện nhiều hơn các dịch vụ thiết yếu đáp ứng yêu cầu “tại chỗ” có thể là cơ hội cho các dự án nhà ở thông qua những chiến lược phát triển nhà ở mới, để cư dân đáng sống hơn và bền vững hơn trong tương lai”, ông Tùng cho biết.
Trong khi đó, chia sẻ với Dân trí, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Môi giới BĐS Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay, thu nhập bình quân của người Việt đã cao hơn 10 năm trước và ngày càng xuất hiện nhiều người có thu nhập cao.
Với họ, ngôi nhà không chỉ nơi để ở, mà còn phải đáp ứng được các tiêu chí về môi trường sinh thái, đi kèm với hệ thống tiện ích phục vụ cộng đồng như trường học, sân chơi; hoặc các dịch vụ liên quan tới sức khỏe như phòng gym, bệnh viện, công viên cây xanh,...
Theo ông Đính, thực tế, xu hướng sống xanh, trong các khu đô thị sinh thái đã nở rộ trong vài năm gần đây và đại dịch Covid-19 chính là cú hích mạnh làm đẩy lực cầu lên cao.
“Theo tôi, khi người dân hiểu được những hệ lụy xấu của dịch bệnh, bản thân họ mong muốn chất lượng cuộc sống phải cao hơn, dựa trên các tiêu chí về độ an toàn và và khả năng thích ứng với các tình huống mới”, ông Đính nói.
Không chỉ riêng ở Việt Nam, tại nhiều nước trên thế giới, thị trường BĐS cũng chứng kiến sự "đảo chiều" chưa từng có khi giới nhà giàu tháo chạy khỏi trung tâm thành phố, tìm kiếm các ngôi nhà ngoại thành, có diện tích lớn, không gian sống hòa mình với thiên nhiên để tránh dịch bệnh. Điều này khiến cho giá BĐS tại các khu vực này tăng lên gấp 2-3 lần, thậm chí nhiều nơi còn không dễ để tìm được các căn nhà trống muốn rao bán.