Cơ hội đầu tư từ tiềm năng phát triển du lịch, văn hóa tại Tân Trào
(Dân trí) - Là hạt nhân của hệ thống hơn 600 khu di tích văn hóa - lịch sử tại Tuyên Quang, Tân Trào đang nỗ lực nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, hướng tới một khu du lịch tầm cỡ quốc gia đúng nghĩa.
Tân Trào - tiềm năng du lịch gắn với văn hóa - lịch sử
Năm 2012, Khu căn cứ cách mạng Tân Trào đã được công nhận là Khu Di tích quốc gia đặc biệt. Khu di tích này hiện có 138 di tích, cụm di tích, trong đó 18 di tích, cụm di tích đã được Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận di tích lịch sử quốc gia. Nơi đây có những địa danh nổi tiếng đã đi vào trang sử hào hùng của dân tộc như: Lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào, đình Tân Trào, đình Hồng Thái, lán Hang Bòng, Đồng Man - Lũng Tẩu, Khấu Lấu - Vực Hồ, Thác Dẫng, An Toàn Khu (ATK) Kim Quan… thu hút đông đảo du khách hàng năm, đặc biệt là vào dịp 19/8.
Không chỉ có các di tích lịch sử, Tân Trào còn là một vùng đất nên thơ, trữ tình với cảnh quan thiên nhiên độc đáo cùng nền văn hóa đa dạng. Khu vực quy tụ các cộng đồng dân tộc thiểu số như Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Dìu, Sán Chỉ sinh sống lâu đời. Mỗi dân tộc đều có những phong tục tập quán riêng biệt và lễ hội đậm đà bản sắc quanh năm.
Tuy nhiên, hiện nay khu vực mới chỉ nổi tiếng với các di tích lịch sử, những tiềm năng về cảnh quan, văn hóa lễ hội nhìn chung chưa gây được ấn tượng với đông đảo du khách. Nguồn thu từ du lịch cũng không thực sự ấn tượng do thiếu vắng những cơ sở lưu trú cao cấp và các hoạt động trải nghiệm được đầu tư tương xứng. Theo UBND tỉnh, trong giai đoạn 2016-2020, chưa có doanh nghiệp lớn nào đầu tư phát huy giá trị vào Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào.
Mục tiêu trở thành Khu du lịch tầm cỡ quốc gia
Năm 2017, nhằm thúc đẩy tiềm năng du lịch địa phương, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào tầm nhìn đến năm 2030. Vùng trọng tâm của quy hoạch là xã Tân Trào, mở rộng đa hướng ra các xã Minh Thanh, Trung Yên, Bình Yên, Lương Thiện (huyện Sơn Dương) và Kim Quan (huyện Yên Sơn).
Theo đó, các sản phẩm sẽ được phát triển đa dạng theo hướng du lịch gắn với lịch sử - văn hóa. Bên cạnh du lịch lịch sử (tham quan, tìm hiểu các giá trị của quần thể di tích lịch sử cách mạng; giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng); du lịch văn hóa (tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa các dân tộc; lễ hội truyền thống; du lịch sinh thái, thưởng ngoạn cảnh quan tự nhiên) được định hướng là dòng sản phẩm chính. Các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, du lịch mạo hiểm… phát triển phụ trợ để tăng cường, thu hút khách du lịch.
Mục tiêu đến năm 2025, khu du lịch Tân Trào sẽ đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 2.000 lượt; đến năm 2030 đón khoảng 2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 35.000 lượt; tổng thu từ du lịch năm 2025 đạt trên 600 tỷ đồng và năm 2030 đạt 1.650 tỷ đồng.
Quy hoạch đang được tỉnh Tuyên Quang đốc thúc triển khai khá bài bản: Huy động mọi nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tạo di tích lịch sử, phát triển văn hóa, lễ hội, nhân lực và cơ sở lưu trú. Trường Đại học Tân Trào đã chủ động mở chuyên ngành tuyển sinh và đào tạo chuyên ngành du lịch, tạo nguồn nhân lực chất lượng để sẵn sàng phục vụ du khách.
Từ nguồn lực của địa phương, khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng, nhà bảo tàng, phòng chiếu phim; phương án trưng bày nhà bảo tàng; phim tư liệu tái hiện lịch sử "Thủ đô Khu giải phóng", "Thủ đô kháng chiến"; quy hoạch và triển khai các dự án trồng cây xanh và các loại hoa tạo cảnh quan khu di tích… đang dần hoàn thiện. Đồng thời, Tuyên Quang nỗ lực thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp lớn để xây dựng khu đón tiếp khách, khu dịch vụ, lưu trú, bãi đỗ xe…
Với những định hướng và hành động đó, thị trường bất động sản Tuyên Quang nói chung và Tân Trào nói riêng hứa hẹn sẽ chứng kiến một sự tăng trưởng trong tương lai gần. Bởi khi hạ tầng đã hoàn thiện, du lịch gắn liền với văn hóa - lịch sử phát triển đồng bộ và khởi sắc, nguồn khách du lịch sẽ kéo về, tạo nên nhu cầu lưu trú, mua sắm và vui chơi giải trí lớn. Nhận thấy vị thế quan trọng và giá trị riêng có của Tân Trào, trên thực tế các nhà phát triển dự án cũng đang hưởng ứng lời kêu gọi của địa phương, nhanh nhạy nắm bắt đón đầu thị trường đầy triển vọng này.
Điển hình như vừa mới đây, Tập đoàn Flamingo đã khởi công xây dựng một dự án quy mô gần 25ha ngay tại xã Tân Trào. Dự án hướng tới đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp đang còn thiếu, kết nối và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử địa phương. Từ đó có thể thấy Tân Trào đang tiến gần với mục tiêu trở thành Khu du lịch quốc gia đúng nghĩa với những hoạt động trải nghiệm đặc sắc đi kèm với cơ sở lưu trú được phát triển song song, đúng tầm.