Bộ Xây dựng dừng đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng
(Dân trí) - Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, đơn vị này dự kiến tạm ngừng đề xuất gói 110.000 tỷ đồng để thực hiện thống nhất với gói 120.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước.
Liên quan tới tính khả thi của đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng mới đây, trao đổi với Dân trí ngày 2/3, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, sau khi có quyết nghị của Chính phủ, Bộ này sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước.
Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Hà Quang Hưng - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết, đơn vị này dự kiến tạm ngừng đề xuất gói 110.000 tỷ đồng để thực hiện gói 120.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước.
Theo ông Hưng, sau Hội nghị ngày 17/2, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước đã có buổi làm việc và thống nhất sẽ thực hiện gói đề xuất 120.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước do đây là gói có sẵn, có thể thực hiện được ngay. Bộ Xây dựng sẽ không đề xuất gói 110.000 tỷ đồng nữa, vì đã có gói 120.000 tỷ đồng rồi.
Trước đó, tại hội nghị, Bộ Xây dựng đã đề xuất dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, người mua nhà ở vay theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016 trước đây). Trong đó, khoảng 50% gói tín dụng dành cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, người mua nhà ở vay ưu đãi. Khoảng 50% còn lại dành cho khách hàng cá nhân là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Tuy nhiên, tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đề xuất một gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Lãi suất cho vay của gói này với người xây dựng và người mua nhà sẽ thấp hơn 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, gói tín dụng 110.000 tỷ đồng và 120.000 tỷ của Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước trong thời điểm này là giải pháp có thể làm được. Tuy nhiên, ngân hàng cũng cần đảm bảo dòng tiền để vận hành. Bên cạnh đó, các yêu cầu về điều kiện cho vay, hệ số rủi ro, chuyển nhóm nợ..., đều phải được thực hiện nghiêm ngặt. Bởi nếu người vay mua nhà không trả nợ đúng hạn, ngân hàng sẽ rơi vào áp lực nợ xấu, gây bất ổn và ảnh hưởng đến cả nền kinh tế nói chung.