Bố trí nguồn vốn ngân sách cho nhà ở xã hội ra sao?

(Dân trí) - Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng nhu cầu vay vốn mua nhà ở xã hội trong dân là rất lớn. Ngoài Ngân hàng Chính sách xã hội thì cần phân bổ nguồn vốn cho 4 ngân hàng là Vietcombank, Agribank, Vietinbank và BIDV.

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã có văn bản trình Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Xây dựng về việc đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện chính sách nhà ở xã hội tại khu vực đô thị.

Trong đó, HoREA đã “mổ xẻ” khá chi tiết về việc bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

nha o xa hoi 1B.jpg
Hiệp hội Bất động sản TPHCM kiến nghị, ngoài Ngân hàng Chính sách xã hội thì cần phân bổ nguồn vốn vay cho 4 ngân hàng lớn là Vietcombank, Agribank, Vietinbank và BIDV.

Theo HoREA, khi thị trường bất động sản bị khủng hoảng đóng băng giai đoạn 2011-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/2013/NQ-CP với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng để giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu và hỗ trợ người thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở.

Trong đó 70% gói tín dụng, tương đương 21.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá bán không quá 1,05 tỷ đồng được hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi 6%/năm 2013 và 5%/năm từ năm 2014 đến năm 2019. 30% gói tín dụng ưu đãi tương đương với 9.000 tỷ đồng hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Sau 3 năm thực hiện chính sách này (tức đến hết năm 2016) đã giải ngân được hơn 32.000 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 56.186 người mua được nhà ở, trong đó có khoảng 1/3 là nhà ở xã hội. 

Riêng tại TPHCM đã có 10.316 đối tượng được vay gói 30.000 tỷ đồng với tổng số tiền được vay là 7.032 tỷ đồng, trong đó có 10.308 cá nhân (chiếm tỷ lệ 18,3% đối tượng được vay ưu đãi) đã vay 5.575 tỷ đồng và 8 chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay 1.456 tỷ đồng, tổng cộng đã giải ngân trên địa bàn thành phố được 8.488 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 26,5% gói tín dụng ưu đãi).

Tuy nhiên, việc chấm dứt gói tín dụng ưu đãi này cũng đã có tác động làm cho nhiều người thu nhập thấp đô thị chưa được tiếp tục vay tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội.

Đa số các đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội chưa được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi do nhu cầu quá lớn. Việc tiếp cận vốn vay mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội đang bị vướng mắc do căn hộ nhà ở xã hội thường đã bị chủ đầu tư dự án thế chấp ngân hàng. Trong khi đó, Ngân hàng Chính sách xã hội lại chưa được phép cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay dẫn đến tình trạng nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đang xây dựng dở dang không được tiếp tục vay để hoàn thành dự án.

Nhiều người vay mua nhà ở xã hội nhưng chưa được nhận nhà trong năm 2016 cũng không còn được tiếp tục vay ưu đãi, mà phải chuyển sang vay thương mại nên cả chủ đầu tư dự án và người vay mua nhà ở xã hội gặp rất nhiều khó khăn.

nha o xa hoi 2B.jpg
Nhu cầu vay vốn ưu đãi để mua nhà ở xã hội trong nhân dân là rất lớn.

HoREA cho rằng, hiện nay, việc triển khai thực hiện chính sách nhà ở xã hội đang bị trở ngại do chưa bố trí được đủ nguồn vốn từ ngân sách để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội. Do vậy, HoREA kiến nghị Quốc hội bổ sung "Chương trình thực hiện chính sách nhà ở xã hội" vào Điều 7 Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/08/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Các chương trình mục tiêu" bao gồm 21 danh mục được ưu tiên sử dụng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và bố trí khoản chi ngân sách thực hiện chính sách nhà ở xã hội hàng năm tùy theo khả năng ngân sách, trước hết là năm 2019 để Chính phủ có căn cứ thực hiện.

Trước mắt, đối với khoản chi ngân sách 1.260 tỷ đồng, HoREA kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét phân bổ nguồn vốn ngân sách cho cả 4 tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định, gồm có Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank là những ngân hàng chủ lực đã tham gia thực hiện chính sách cho vay ưu đãi các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, chứ không phải chỉ có Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đại Việt

banner_chan-bai.gif