BĐS nghỉ dưỡng – Xu hướng cam kết lợi nhuận và chia sẻ lợi nhuận lên ngôi

(Dân trí) - Lựa chọn đầu tư Condotel như thế nào, ở đâu và mức nào? Đó chắc hẳn đang là mối bận tâm của nhiều nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường BĐS nghỉ dưỡng nở rộ. Để có nhận định rõ ràng các nhà đầu tư cần phải trải qua nhiều năm kinh nghiệm hoặc có những tư vấn khách quan và sâu sắc từ những chuyên gia hàng đầu.

Condotel cam kết lợi nhuận – sự đảm bảo trong thời gian đầu

Mặc dù còn những điểm cần khắc phục, xong số liệu cho thấy condotel là loại hình được ưa chuộng nhất trong các sản phẩm nghỉ dưỡng ở Việt Nam hiện nay. Theo Savills, tính đến năm 2019, condotel sẽ chiếm 80% nguồn cung ngôi nhà thứ hai tại các thị trường ven biển với mức tăng trưởng xấp xỉ 30%/năm trong các năm 2018-2020.

Nhằm kích cầu và để tăng tính an toàn cho nhà đầu tư, các chủ đầu tư đã đưa ra những chính sách cam kết lợi nhuận từ 5-10 năm với mức cam kết lên tới 8-12%/năm. Phương án này đem lại lợi ích cho nhà đầu tư khi không cần phải lo lắng về lợi nhuận. Đặc biệt trong vài năm đầu khi dự án mới đưa vào vận hành cần có thời gian quảng bá, thu hút và ổn định công suất phòng, mang về lợi nhuận đều đặn. Ngoài ra, nhà đầu tư còn được hưởng từ 10-12 ngày nghỉ/năm ngay tại dự án hoặc trên chuỗi hệ thống do cùng chủ đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, phương án này cũng có những rủi ro nhất định đối với nhà đầu tư. Theo các chuyên gia, thực tế cho thấy thời gian đầu, khả năng sinh lời ở mức cao của condotel chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như hiệu suất cho thuê phòng, chi phí quản lý, marketing – những thứ chiếm phần lớn doanh thu. Những dự án mới đưa vào sử dụng, nếu không có sẵn nguồn khách hàng cũng như thương hiệu chưa được tạo dựng, không đảm bảo công suất thuê phòng... thì nhiều khả năng không đạt đủ doanh thu để chi trả lợi nhuận cho khách hàng.

BĐS nghỉ dưỡng – Xu hướng cam kết lợi nhuận và chia sẻ lợi nhuận lên ngôi - 1
APEC Mandala Wyndham Mũi Né – một dự án được phát triển bởi Tập đoàn APEC

Ngoài ra, theo ông Hồ Minh Cường – Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư BĐS Everest (Everest Land), nhà đầu tư cũng cần hết sức cẩn trọng với những dự án được hứa hẹn mức lợi nhuận đầu tư cao, lên đến 15%/năm, bởi rất có thể chủ đầu tư đã cộng luôn lợi nhuận hàng năm vào trong giá bán, đồng nghĩa với việc lợi nhuận khách hàng nhận được thực tế là tiền đóng vào.

Yếu tố cam kết lợi nhuận và chia sẻ lợi nhuận

Bên cạnh hình thức cam kết lợi nhuận trong khoảng thời gian nhất định, các chủ đầu tư đều áp dụng mức chia sẻ lợi nhuận. Theo đó, mức chia sẻ lợi nhuận phổ biến hiện nay là 80:20 - nhà đầu tư được hưởng 80% còn chủ đầu tư và đơn vị quản lý nhận 20% từ hoạt động cho thuê lại. Sau thời gian cam kết thì nhà đầu tư sẽ nhận lợi nhuận theo tỷ lệ chia sẻ.

Theo CBRE Việt Nam, cùng với cam kết lợi nhuận, các nhà đầu tư cũng đang quan tâm nhiều hơn về hình thức chia sẻ lợi nhuận. Theo khảo sát, đối với nhiều nhà đầu tư, nguồn thu hấp dẫn và ổn định lâu dài sẽ tới thực sự từ hoạt động cho thuê nhiều hơn là cam kết lợi nhuận từ chủ đầu tư. Trong khoảng vài năm đầu, dự án mới đi vào hoạt động, mọi thứ chưa ổn định, lượng khách hàng chưa đều, mức cam kết sẽ là bảo đảm cho nhà đầu tư, nhưng bước sang năm thứ 4, thứ 5 khi lượng khách đã ổn định, dự án vận hành trơn tru thì lúc đó sản phẩm sẽ sinh lời và nhà đầu tư sẽ thu về khoản lợi nhuận hấp dẫn hơn nhiều mức cam kết lợi nhuận ban đầu.

Như vậy có thể thấy, condotel cam kết lợi nhuận và đảm bảo chia sẻ lợi nhuận vận hành vẫn là một kênh đầu tư đảm bảo chắc chắn cho khách hàng.