Trẻ bỏ nhà đi và trách nhiệm của người lớn

Cha mẹ hãy đặt mình vào vị trí của trẻ để cư xử khoan dung, độ lượng. Mỗi đứa trẻ có một cách nghĩ, một thế giới cảm xúc riêng mà cha mẹ cần tìm hiểu để con mở lòng

Mới đây, trong lúc thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP HCM), một tổ tuần tra CSGT phát hiện bé trai 9 tuổi đang đi bộ hướng từ vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm về vòng xoay Hàng Xanh.

Bỗng dưng mất tích

Thấy cháu bé đi trên đường nguy hiểm, tổ tuần tra đã dừng xe, đưa vào lề đường hỏi chuyện. Cháu bé cho biết do buồn cha mẹ nên đã bỏ nhà đi và muốn đến tòa nhà Landmark 81 chơi. Cháu bé sau đó đã được cha mẹ đón về.

Trước đó một tuần, ngày 21-4, gia đình chị N.T.P.D (ngụ phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP HCM) cho biết sau khi báo chí thông tin con trai chị là cháu N.T.H.Đ (13 tuổi) mất tích khó hiểu, đến tối cùng ngày, chị đã nhận tin về con do một người dân ở TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) điện thoại báo. Nhận được tin nhắn và hình ảnh con trai, chị D. chỉ biết khóc nghẹn vui mừng vì con vẫn khỏe mạnh. Chị nhanh chóng liên hệ Công an quận Bình Tân để thông báo sự việc.

Trẻ bỏ nhà đi và trách nhiệm của người lớn - 1

Minh họa: KHỀU

Theo lời cháu Đ., sau khi rời nhà, cháu đã tự đạp xe xuống Vũng Tàu xin nước, cơm và nhặt ve chai kiếm sống qua ngày. Sau đó, xin ở lại nhà một người dân khoảng 2 tuần cho đến khi gia đình nhận được tin.

Đây chỉ là 2 trong rất nhiều trường hợp trẻ trong lứa tuổi học sinh, thanh thiếu niên bỏ nhà đi theo bạn bè trong thời gian gần đây. Nhiều trường hợp bị đối tượng xấu rủ rê làm tiếp viên karaoke, thậm chí bị dụ bán vào các động mại dâm trá hình.

Cha mẹ cần có kỹ năng ứng xử

Có nhiều lý do khiến trẻ bỏ nhà đi nhưng điều cần cảnh báo chính là hiện tượng này ngày càng nhiều. Có những cha mẹ cứ nghĩ chỉ cần cho con cuộc sống vật chất đầy đủ, ăn no, mặc đẹp là được. Trong khi đó, trẻ cần được chia sẻ, được quan tâm; cần được nói, được lắng nghe và được cha mẹ hiểu những suy nghĩ, mong muốn của bản thân chứ không phải lấy suy nghĩ của người lớn áp đặt lên con trẻ, buộc con phải nghe theo. 

Rất nhiều cha mẹ thô bạo phủ nhận ý kiến của con, áp đặt suy nghĩ của mình, hai bên không thể chấp nhận nhau nên xảy ra xung đột. Nhiều cha mẹ nóng tính, dùng những lời lẽ thô tục mắng nhiếc, miệt thị hoặc dùng đòn roi, gây tổn thương cho con khiến trong phút chốc, con mong muốn được thoát khỏi "địa ngục" của cha mẹ.

Hầu hết trẻ bỏ nhà đi đều chưa hiểu những cạm bẫy bên ngoài xã hội, rất nhiều trẻ mường tượng việc bỏ nhà đi rất đơn giản dù chưa từng biết chăm sóc cho bản thân như thế nào. Chính vì vậy, nhiều trẻ bỏ nhà đi đã bị kẻ xấu lợi dụng, có nguy cơ bị lạm dụng tình dục - dù là trẻ gái hay trai, bị bán vào các động mại dâm...

Do đó, cha mẹ cũng phải học làm cha mẹ, có kỹ năng ứng xử, nhẫn nại và biết kìm nén cảm xúc khi xung đột với con cái. Song song đó, hãy đăng ký cho con theo học các lớp kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn, kỹ năng giao tiếp trên mạng xã hội để khi trẻ gặp vấn đề tương tự có thể ứng xử phù hợp. 

Hãy đồng hành với con trong những chuyến du lịch khám phá, tạo điều kiện cho con đến những viện dưỡng lão, cô nhi viện để con thấy rằng mình may mắn khi còn cha mẹ bên cạnh, có một gia đình quan tâm, yêu thương.

Đặc biệt, cha mẹ nên cho con mở lời trước và lắng nghe con rồi phân tích đúng - sai. Hãy là những người bạn thân thiết với con trước những điều lạ lẫm bên ngoài xã hội, những vấn đề gút mắc với bạn bè, thầy cô ở trường... 

Cha mẹ cần phải biết con chơi thân với ai, có vấn đề gì cần giúp đỡ không; con đang giao tiếp với ai trên mạng xã hội, đang xem chủ đề gì trên mạng để chia sẻ cùng con.

Nuôi con là bản năng, dạy con là nghệ thuật

Lứa tuổi từ 9-13 (hay còn gọi là lứa tuổi cuối cấp tiểu học, đầu cấp THCS) là giai đoạn biến đổi rất nhiều về tâm lý của trẻ. Trẻ đang chịu rất nhiều áp lực, trong suy nghĩ và từ bên ngoài. Các em đang dần trưởng thành, ý thức được sự tự lập và muốn khẳng định mình, cho rằng mình đã có thể quyết định mọi thứ nhưng thực tế khả năng của trẻ không cho phép điều đó. Sự mâu thuẫn này tạo nên áp lực cho chính các em.

Tuy nhiên, nhiều cha mẹ lại không nắm bắt được những thay đổi này ở con, vẫn giữ cách giao tiếp, giáo dục như trước đó. Đối với trẻ đã có sự thay đổi lớn về tâm, sinh lý thì rõ ràng đã gây ra mâu thuẫn.

Cha mẹ có thể dùng nhiều cách để giáo dục con nhưng điều quan trọng phải có hiệu quả. Nhiều cha mẹ đang dành nhiều thời gian cho công việc, không có nhiều thời gian cho con nên cứ cấm đoán, la mắng.

Một số người nghĩ con đang phụ thuộc vào mình, phải sợ mình nên thách thức: "Có giỏi thì đi đi", thậm chí dùng vũ lực để dạy dỗ. Đây là cách nói, cách làm khiến "giọt nước tràn ly" đối với những trẻ hằng ngày chịu rầy la, không tìm được tiếng nói chung với cha mẹ, gia đình. Lúc này, trẻ dễ có tâm lý: "Đi luôn cho ba mẹ biết!".

Chúng ta mất 12 năm để đi học kiến thức phổ thông, học thêm 4 năm đại học để phục vụ cho công việc nhưng lại không học cách để làm cha mẹ. Cha mẹ cũng là một nghề, mà mỗi người đều cần phải học để có kỹ năng.

Thế hệ của các con khác với thế hệ của cha mẹ, dù cha mẹ đã trải qua độ tuổi như con nhưng thời đại khác nhau, hoàn cảnh sống khác nhau. Vậy nên, thương con là bản năng nhưng dạy con là nghệ thuật. Cha mẹ phải tự cập nhật, trau dồi kiến thức để nắm bắt sự phát triển tâm lý của con như mua sách để đọc hay tham gia các khóa học tương tác với con.

Bên cạnh sự thấu hiểu, cha mẹ cần tăng cường cho con các hoạt động trải nghiệm; chủ động tạo ra những khó khăn để con vượt qua; cho con bày tỏ ý kiến; cho con quyền tự quyết trong khả năng, kiểm soát của cha mẹ, dù có thể đó là quyết định sai nhưng trẻ sẽ ghi nhớ như một bài học để từ đó trưởng thành hơn. Khi được tôn trọng, lắng nghe, trẻ sẽ không cớ gì phải nổi loạn.

TS Tâm lý Đào Lê Hòa An, cố vấn cấp cao Tổ chức Giáo dục AEG Việt Nam

Yêu thương đúng cách

Theo TS tâm lý Nguyễn Hữu Long - Phó Giám đốc Phân viện Miền Nam, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam - ở lứa tuổi này, trẻ có sự thay đổi mạnh mẽ về các đặc điểm thể chất, sinh lý và tâm lý. Đây sẽ là giai đoạn đánh dấu một cột mốc quan trọng của mỗi người khi từ một cậu bé, cô bé, trẻ sẽ đón nhận một sự thay đổi để trở thành một người trưởng thành trong tương lai.

Vì thế, trẻ có những biểu hiện thể hiện rõ cá tính của mình. Bên cạnh những đặc điểm tích cực (có hiểu biết sâu rộng về thế giới xung quanh, có tính tự lập, biết quan tâm người khác...) thì cũng bắt đầu xuất hiện những biểu hiện chưa tích cực (bắt chước những hành vi sai lệch, hình thành cái tôi một cách quá mạnh...).

Về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên một trường THCS tại quận 7 (TP HCM), cho rằng điều quan trọng nhất đó là cha mẹ hãy đặt mình vào vị trí của con để cư xử khoan dung, độ lượng. Mỗi đứa trẻ có một cách nghĩ, một thế giới cảm xúc riêng mà cha mẹ cần tìm hiểu về thế giới ấy mới có thể dạy dỗ được con.

"Tôi được biết rất nhiều học sinh khi có vướng mắc với cuộc sống, bạn bè, thay vì về tâm sự với cha mẹ thì lên mạng internet để cầu cứu, tìm sự giúp đỡ từ những người xa lạ, những người bạn ảo quen qua mạng.

Nhưng thực tế những lời an ủi đó dù thể hiện sự thấu hiểu, ấm áp đến đâu cũng không thể so sánh được với những cái siết tay, những cái ôm an ủi, đồng cảm ngoài đời thực. Nhiều học sinh tâm sự với tôi, điều các con cần là được ngồi bên tâm sự, kể lể những khó khăn, vướng mắc của mình và nhận lại từ cha mẹ những cái ôm ấm áp.

Vậy nên, cha mẹ hãy cứ yêu thương và tôn trọng con đúng cách, thế giới của con sẽ mở ra với chúng ta" - cô Thu Hiền nhấn mạnh.

Ninh Thị Hồng (nguyên Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam)

Theo Người lao động