Sợ khổ, 6 chị em gái quyết không lấy chồng, ở vậy nuôi nhau
(Dân trí) - Sợ cuộc sống vợ chồng khó khăn, ngại đổ vỡ khi không hạnh phúc, 6 chị em trong gia đình bà Mỹ quyết không lấy chồng, nguyện chăm sóc nhau đến cuối đời.
Vừa là chị, vừa là mẹ
Hơn 40 ngày kể từ khi người chị hai qua đời, bà Phạm Phụng Mỹ (70 tuổi, ngụ quận 11, TPHCM) vẫn cảm thấy trong lòng còn quá nhiều khoảng trống. Người chị với nhiệm vụ như "một người mẹ" đã ra đi, bỏ lại 5 người phụ nữ ở tuổi xế chiều trong căn nhà chỉ vài mét vuông.
"Chúng tôi sống với chị hơn 50 năm. Ngần ấy cũng bằng thời gian một đứa con sống cùng với mẹ. Mất chị rồi, cảm xúc khó diễn tả quá", bà Mỹ nói với giọng đầy nuối tiếc.
Chị bà Mỹ mắc bệnh tiểu đường, trước khi mất phải chịu nhiều đau đớn do di chứng của căn bệnh gây ra. Vừa nghĩ lại khoảng thời gian chăm sóc chị, gương mặt bà Mỹ lại chùng xuống, nước mắt rơi lã chã.
Hơn 16h, trời âm u báo hiệu sắp mưa. Chị em bà Mỹ vẫn chậm rãi ngồi xỏ từng bao ni-lông để kiếm 30-40.000 đồng/ngày. Gia đình bà ai nấy cũng đã ngoài 60 tuổi, công việc này không đòi hỏi sức khỏe nên ai cố được bao nhiêu sẽ cố để kiếm tiền sinh nhai.
Hằng tháng, địa phương vẫn hỗ trợ tiền người già neo đơn cho gia đình bà Mỹ, mạnh thường quân cũng thỉnh thoảng đến tiếp tế lương thực. Với quan niệm sống "có bao nhiêu, ăn bấy nhiều", cuộc sống của chị em bà Mỹ cứ thế trôi qua nhẹ nhàng.
Chỉ tay về phía những người còn lại, bà Mỹ giới thiệu: "Đây là chị thứ 2 tên là Phạm Vương Lệ (75 tuổi), còn thứ 3 là tôi và tiếp đó là Phạm Phụng Ái (68 tuổi), Phạm Mai Muổi (66 tuổi), Phạm Phụng Liên (63 tuổi). Còn chị hai là Phạm Há (78 tuổi), người trong di ảnh treo ở trên tường".
Đến độ tuổi xế chiều, bà Mỹ khẳng định chị em bà trước giờ chưa có mối tình "vắt vai". Vì vậy, không ai cưới chồng, sinh con, quyết định ở vậy đến cuối đời để chăm sóc cho nhau.
Đời sống sinh hoạt hằng ngày của chị em bà Mỹ không có quy tắc nhất định. Chị em sẽ thay phiên nhau, ai khỏe thì sẽ phụ trách đi chợ, nấu cơm, còn lại sẽ xỏ ni-lông để kiếm tiền.
Sống cùng một nhà, bà không ngại ngùng mà chia sẻ rằng: "Cãi nhau nhiều lắm chứ, thậm chí còn đánh nhau vì những chuyện nhỏ nhặt. Nhưng cãi rồi, đánh rồi lại thôi. Vì chúng tôi chỉ có nhau là người thân duy nhất, mất rồi biết tìm ở đâu…".
Ước nguyện được… ra đi
Bố mẹ qua đời 50 năm trước, để lại cho chị em bà Mỹ căn nhà nhỏ. Bố bà Mỹ là người Quảng Đông (Trung Quốc), theo gia đình sang Việt Nam sinh sống rồi cưới vợ, sinh con.
Thoạt đầu, mẹ bà Mỹ sinh được một người con trai nhưng không may qua đời khi chỉ mới 4 tháng tuổi, vì mắc bệnh sốt xuất huyết. Sau đó, vì muốn có con trai nối dõi nên bố mẹ bà tiếp tục sinh đến người con thứ 6. Song, chỉ toàn con gái.
Thời điểm đó, bố mẹ bà Mỹ làm nghề đan cần xé để kiếm "ba cọc, ba đồng". Nhà đông con, thu nhập từ nghề chính lại không cao, chị em bà đã quen với cảnh bươn chải từ nhỏ để kiếm gạo ăn qua ngày.
Lớn dần, nghề truyền thống bị mai một. Từ đó trở đi, cuộc sống của chị em bà là chuỗi ngày "ai thuê gì thì làm nấy". Cả cuộc đời quay cuồng kiếm cơm, 6 chị em bà Mỹ không còn niềm tin, hi vọng vào một mái ấm cho riêng mình.
Cứ thế, ngày qua ngày, mái tóc của mỗi người đã chớm bạc, độ tuổi không còn kịp để đi tìm hạnh phúc riêng. Hễ khi thấy những thiếu nữ đã đến tuổi kết hôn, bà Mỹ cười xòa rồi khuyên: "Nhớ lập gia đình sớm để có người chăm lo. Đừng có để như bà".
Bà bộc bạch rằng, chị em bà chỉ có một lần duy nhất được đi du lịch ở TP Đà Lạt. Tuy vậy, vì kinh tế eo hẹp nên cũng chỉ có 4 chị em đi, 2 người phải ở nhà.
"Thỉnh thoảng chúng tôi mơ ước có thể trúng được 1 tờ vé số để sửa sang lại căn nhà đã cũ này hoặc chỉ đơn giản là được ăn ngon hơn một chút. Nhưng rồi tôi ngẫm lại, liệu như vậy có khiến tôi hạnh phúc? Vì đối với tôi, chỉ có ra đi thì tôi mới thật sự thanh thản, không cần phải suy nghĩ nhiều nữa", bà Mỹ trầm tư.
Trên gương mặt hốc hác, cơ thể nặng chưa đến 40kg vì căn bệnh ung thư vú hành hạ, bà Mỹ luôn cười tươi khi kể về bệnh tình của mình. Bà Mỹ nói rằng bà rất đau nhưng đã sống thì phải lạc quan, để được nhìn thấy gia đình của mình được ngày nào, hay ngày ấy.