Đà Nẵng:
"Rất nhiều trẻ nhỏ, mẹ ẵm ngửa ngàn cây số trên những chiếc xe máy cũ kỹ"
(Dân trí) - Tại trạm trung chuyển hầm Hải Vân có nhiều nhóm tình nguyện, tiếp sức cho người dân về quê, hỗ trợ từ đôi dép đến trang bị xe máy mới, giúp từ suất cơm nóng tới bế con, chăm trẻ cho bố mẹ nghỉ ngơi...
Chợ 0 đồng dưới chân hầm Hải Vân
Trạm trung chuyển hầm Hải Vân (TP Đà Nẵng) những ngày này tấp nập dòng người từ phía Nam về quê. Những chiếc lều dã chiến được dựng ngay trước đường dẫn vào hầm. Hàng trăm tình nguyện viên trùm kín bảo hộ tất bật phát cơm, phát nước, phát xăng… cho những đoàn người đổ về liên tục.
Nghe tin sắp có một đoàn đi tới, các thành viên Nhóm thiện nguyện Đà Nẵng và những người bạn nhanh chóng photo những tờ giấy A4 có in dòng chữ "Dép nhựa 0 đồng, Dầu gió 0 đồng…" để bà con ai có nhu cầu biết để lấy dùng.
Phiên chợ 0 đồng của Nhóm thiện nguyện Đà Nẵng và những người bạn được đặt trước khu vực để xe máy của Trạm trung chuyển. Các quầy hàng bày biện những món quà mà người dân chạy xe đường trường về quê có thể cần tới. Từ đôi dép, khăn tay, áo ấm cho người lớn và trẻ em, áo mưa, găng tay, mũ bảo hiểm đến chai nước tăng lực, nước suối, dầu... đều được "bán" với giá 0 đồng.
"Ở đây có những vật dụng mà chúng tôi nghĩ là bà con cần đến để tiếp tục hành trình an toàn hơn. Ai chưa có áo mưa hay áo mưa bị rách do đi đường dài có thể ghé lấy, ai cần thêm áo ấm, dép mới, mũ bảo hiểm đạt chuẩn… cũng có thể lấy thoải mái", chị Lương Thị Thu Trang, thành viên nhóm nói.
Cách đó không xa, các thành viên trong CLB xe bán tải TP Đà Nẵng đang hoàn tất các thủ tục để tặng xe máy mới cho anh Lý A Dế (sinh năm 1990, ở tỉnh Lai Châu).
Những ngày qua, công việc chính của CLB là hỗ trợ vận chuyển miễn phí bà con từ đèo Lò Xo (Quảng Nam) về chân hầm Hải Vân. Những người có xe máy hư hỏng quá nặng, không thể tiếp tục hành trình sẽ được CLB tặng xe máy mới.
"Lúc trước, các thành viên trong CLB nhận hỗ trợ tăng bo xe máy của bà con từ trạm Hòa Khương ở Quốc lộ 14B đến đỉnh đèo Hải Vân, nhưng thấy mọi người đi đèo Lò Xo quá nguy hiểm nên các thành viên quyết định chở miễn phí người và xe máy từ đèo này về tới Đà Nẵng", anh Nguyễn Duy, Chủ nhiệm CLB xe bán tải TP Đà Nẵng nói.
Sau hơn 4 ngày triển khai, trung bình mỗi ngày, CLB có 20 xe bán tải kèm theo xe tải để chở xe máy và người từ đèo Lò Xo về Đà Nẵng. Lúc cao điểm, CLB chở hơn 50 xe máy, còn người thì không thể thống kê hết vì quá nhiều.
"Tối ngày 6/10 vừa qua, trên đèo Lò Xo có mưa lớn, mọi người chạy xe máy vô cùng nguy hiểm, nên chúng tôi phải lấy xe bán tải chặn dòng nước để bà con chạy xe qua an toàn. Chúng tôi sẽ làm tới khi nào hết người về thì thôi", anh Duy kể.
Dùng xe khách chở người dân về quê
Nhận thấy hành trình của những người tha hương về quê quá nguy hiểm, nhất là đoạn từ đèo Lò Xo xuống TP Đà Nẵng, nhiều trường hợp tai nạn xảy ra rất thương tâm, đã có người không may qua đời, nhóm Tình nguyện trẻ Đà Nẵng và CLB Bạn thương nhau tiếp nhận, vận chuyển người dân về các tỉnh phía Bắc bằng xe khách miễn phí.
Anh Trần Đình Quốc Khương - Trưởng nhóm Tình nguyện trẻ Đà Nẵng cho hay, tính đến hiện tại, đã có 2 đơn vị đã tài trợ 45 xe khách, chưa kể kinh phí được các mạnh thường quân khắp nơi quyên góp thông qua nhóm, sẵn sàng tiếp nguồn lực để bổ sung thêm xe nếu cần. Trong ngày đầu tiên thực hiện chương trình, có 5 xe khách chở khoảng 200 người đầu tiên về các tỉnh phía Bắc.
"Người dân sẽ được lên xe khách, còn xe máy thì được đưa lên xe tải. Nhóm sẽ tổ chức chương trình vận chuyển miễn phí người dân về quê cho tới khi nào hết kinh phí hay hết người về mới ngừng", anh Khương chia sẻ thêm.
Để hỗ trợ người dân có nhu cầu đi xe khách miễn phí, CLB Bạn thương nhau cũng huy động 15 tình nguyện viên thay phiên nhau túc trực 24/24 tại khu vực Trạm trung chuyển hầm Hải Vân.
"Chuyến xe đồng bào" được CLB Bạn thương nhau triển khai từ ngày 8/10 chỉ sau một ngày chuẩn bị. Chuyến xe đầu tiên đã giúp hàng chục người dân tiếp tục hành trình về quê an toàn trên những chiếc xe khách 45 chỗ.
Trước mắt, CLB ưu tiên hỗ trợ trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai… ra Bắc trên những "Chuyến xe đồng bào". Ngoài hỗ trợ xe miễn phí, CLB cũng chuẩn bị cho mỗi hành khách một gói an sinh, gồm: thức ăn, nước uống, sữa, dầu gió, thuốc chống say xe, thuốc hạ sốt.
"CLB đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện vì dự kiến những ngày tiếp theo lượng người về sẽ đông hơn vì trời đã tạnh ráo", anh Nguyễn Bình Nam, Trưởng CLB Bạn thương nhau nói.
Chăm trẻ cho bố mẹ nghỉ ngơi
Chạy xe máy đến Trạm trung chuyển hầm Hải Vân, người dân luôn được các nhóm thiện nguyện phát thức ăn, nước uống… miễn phí. Những tô cháo, bát mì Quảng được các tình nguyện viên chuẩn bị liên tục, luôn nóng hổi, giúp xua ddi cái lạnh giữa đêm.
Những bình xăng đầy ắp được xếp gọn dọc vỉa hè, cứ có đoàn xe nào dừng, các tình nguyện viên lại liên tục hỗ trợ người dân lấy xăng đổ đầy bình. Bà bầu, trẻ nhỏ, người già, người gặp tai nạn… được tận tình chỉ dẫn để đăng ký lên xe khách về quê.
Trong dòng người về quê tránh dịch, có nhiều em bé mới chỉ vài ngày, vài tháng tuổi. Cha mẹ các em vào Nam làm công nhân mưu sinh. Dịch bệnh khiến những đồng tích cóp cuối cùng của gia đình vơi dần. Để rồi, các em phải rong ruổi cùng cha mẹ trên dặm trường về quê khi vẫn còn đỏ hỏn.
Ở trạm nghỉ, nhiều em bé ngủ ngon trong vòng tay các tình nguyện viên để mẹ tranh thủ ăn miếng cơm, húp bát súp, lấy lại sức sau chuyến đi dài, để bố sắp xếp xe cộ, hành lý lên xe tải, xe khách chuẩn bị cho chặng đường còn lại an toàn, ấm áp hơn.
Nhiều ngày nay, chị Ông Thị Oanh Thư (39 tuổi, thành viên CLB Tự nguyện Hòa Vang) cùng các thành viên trong CLB cắm chốt ở đây để tiếp sức đồng bào trên hành trình về quê đầy khó khăn. Trong lớp bảo hộ kín mít, mồ hôi như tắm nhưng các tình nguyện viên vẫn luôn tay luôn chân, mỗi người một việc, người nấu ăn, người chăm sóc người bị thương, người bế các cháu nhỏ...
"Mấy hôm trước, có một cháu mới 23 ngày tuổi đã cùng cha mẹ về quê. Trời mưa như trút nước, tranh thủ đoàn người nghỉ ngơi, tôi chạy đi pha sữa nóng để cháu uống. Ở trạm nghỉ này, tôi gặp rất nhiều em nhỏ được mẹ ẵm ngửa, cùng gia đình trường chinh trên những chiếc xe máy cũ kĩ, chất đầy hành lý. Nhìn mà ứa nước mắt, chỉ mong chúng tôi có thể đỡ đần phần nào để hành trình của các em và cha mẹ đỡ vất vả hơn", chị Thư kể.