Đà Nẵng:

Quán cơm 2.000 đồng thời Covid-19: "Đừng ngại, mời các cô bác vào dùng cơm"

Hoài Sơn

(Dân trí) - Giữa thời buổi kinh tế khó khăn, chỉ 2.000 đồng/suất cơm ngon, sạch sẽ, hệ thống quán cơm Yên Vui (Đà Nẵng) đã góp phần chia sẻ khó khăn với nhiều người nghèo trên đất Đà Nẵng.

Những suất ăn ấm áp tình người

Tầm 11 giờ trưa, một ông cụ với dáng người gầy gò lảo đảo bước đến, tay cầm xấp vé số run rẩy mời chúng tôi mua những tờ vé cuối cùng. Ngày nào cũng vậy, ông cụ đều cố gắng bán hết những tờ vé số và thưởng thức bữa ăn với giá chỉ 2.000 đồng.

Theo chỉ dẫn của ông cụ, chúng tôi tìm đến quán cơm Yên Vui nằm trên đường Lý Triện (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng). Rất đông người đang dân xếp hàng chờ đợi để mua thẻ cơm. Họ đa phần là những người dân lao động nghèo khổ, sinh viên, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong khu vực.

Quán cơm 2.000 đồng thời Covid-19: Đừng ngại, mời các cô bác vào dùng cơm - 1

Chỉ 2.000 đồng/suất cơm ngon, sạch sẽ, hệ thống quán cơm Yên Vui đã góp phần chia sẻ khó khăn với nhiều người nghèo trên đất Đà Nẵng

Đối với những người lao động nghèo tại đây, để có được một bữa cơm trưa là cả một cuộc chiến sinh tồn khi mà kinh tế đang ngày càng khó khăn, nhiều lúc họ phải nhịn đói vì không có đủ tiền để ăn cơm.

Với sự thấu hiểu đó, quán cơm Yên Vui đã được ra đời, mong muốn cung cấp một bữa ăn chất lượng với giá "siêu rẻ" để giúp đỡ cho hàng trăm người lao động có được một bữa cơm đàng hoàng, cùng sẻ chia với họ những khó khăn, vất vả cho cuộc sống.

Quán cơm 2.000 đồng thời Covid-19: Đừng ngại, mời các cô bác vào dùng cơm - 2

Đối tượng phục vụ của quán ưu tiên người lao động thu nhập thấp như các bác xe ôm, người bán vé số, người tàn tật, lao động tự do…

Quán "Yên Vui" ở quận Thanh Khê, được mở vào tháng 7/2018. Đây là quán cơm thứ 9 trong chuỗi 15 quán cơm (trên cả nước) thuộc dự án suất ăn giá rẻ cho người cần thiết của Quỹ Từ thiện Bông Sen.

Sau 2 năm hoạt động, quán cơm Yên Vui khu vực Đà Nẵng đã phát triển thành nhóm với 1 quán cơm chính ở đường Lý Triện và 3 điểm bán cơm mang về ở khu vực đường Lạc Long Quân, Trưng Nữ Vương và Tiểu La.

Quán cơm 2.000 đồng thời Covid-19: Đừng ngại, mời các cô bác vào dùng cơm - 3

Mỗi suất ăn chỉ có giá 2.000 đồng suất mặn và 1.000 đồng suất chay

Quán bán từ 11h -13h từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, đối tượng phục vụ của quán ưu tiên người lao động có thu nhập thấp như các bác xe ôm, người bán vé số, người tàn tật, lao động tự do… Mỗi suất ăn cơm chay có giá 1.000 đồng, mỗi suất ăn mặn giá 2.000 đồng, gồm đủ 3 món: Mặn, rau, canh kèm hoa quả hoặc bánh ngọt để tráng miệng.

"Chúng tôi không trao tặng bữa ăn miễn phí, mà cung cấp các suất ăn với giá tượng trưng chỉ 2.000 đồng/suất để khách đến ăn không còn tự ti, từ đó góp phần giảm bớt gánh nặng cho bà con mưu sinh đường phố" chị Vân Khánh (quản lý quán cơm Yên Vui) chia sẻ.

Bữa cơm và những nụ cười

Dù là cơm với giá "siêu rẻ" nhưng các suất ăn này được chuẩn bị rất chu đáo, hấp dẫn, an toàn vệ sinh thực phẩm. Cơm hôm nay có 4 món chính: Đậu khuôn kho sả, cá chim chiên, cải thảo xào, canh rau và cơm thêm ăn vô tư cộng thêm món tráng miệng là dưa hấu.

So với thời giá bây giờ, 2.000 đồng/suất cơm như thế này là một cái giá thật sự có ý nghĩa dành cho các bạn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, người lao động có thu nhập thấp, người khuyết tật, người lang thang, cơ nhỡ...

Quán cơm 2.000 đồng thời Covid-19: Đừng ngại, mời các cô bác vào dùng cơm - 4

Một ngày, quán cơm phục vụ hơn 100 phần ăn cho bà con có thu nhập thấp

Khi đến ăn, khách phải xếp hàng chờ đến lượt mua thẻ rồi đi thuận chiều kim đồng hồ xuống cuối phòng nhận khay cơm xong chọn góc trống ngồi ăn.

Phía bên trong, bàn ghế được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, mọi thứ đều sạch sẽ, sáng bóng. Các nhân viên phục vụ ra vào liên tục nhưng ai cũng vui vẻ, nhiệt tình để đem lại bữa ăn ngon nhất cho các thực khách. Trong quán lúc này có hơn 30 người cả khách lẫn tình nguyện phục nhưng không hề ồn ã. Thỉnh thoảng mới nghe lời đề nghị nho nhỏ, như: "Chị ơi cho em xin thêm xíu cơm…".

Quán cơm 2.000 đồng thời Covid-19: Đừng ngại, mời các cô bác vào dùng cơm - 5

Dù là cơm với giá "siêu rẻ" nhưng thực đơn được chuẩn bị rất chu đáo, hấp dẫn, đầy đủ chất dinh dưỡng

Khu vực bếp có 5 tình nguyện viên, tất cả đeo khẩu trang, găng tay, mỗi người một việc. Người chuyên xúc cơm, người phân chia thức ăn, người múc canh… rất nhịp nhàng. Trong nhóm tình nguyện có nhiều bạn sinh viên đại học và đôi khi cả người nước ngoài.

Khi ăn xong, khách bưng khay để vào chiếc bàn bên ngoài, tự rót trà đá để uống. Những ai hay đến ăn cơm ở các quán "Yên Vui" đều có chung nhận xét: Cơm ngon, sạch sẽ và phục vụ tận tình.

Quán cơm 2.000 đồng thời Covid-19: Đừng ngại, mời các cô bác vào dùng cơm - 6

Hiện tại, sau 2 năm đi vào hoạt động, quán cơm Yên Vui khu vực Đà Nẵng đã có 1 quán cơm chính ở đường Lý Triện và 3 điểm bán cơm mang về ở khu vực khác nhau

Vừa ăn xong phần cơm của mình, cô Phạm Thị Mai (45 tuổi, làm nghề bán vé số dạo ở Bến xe Đà Nẵng) đã gắn bó gần 1 năm với quán cơm này. Cô cho biết: "Nhờ những quán cơm này mà những người như tôi ở quê lên kiếm sống mỗi tuần tiết kiệm được 50.000 đồng để gửi về quê cho gia đình. Hy vọng sắp tới sẽ có nhiều quán cơm như thế để giúp đỡ những người nghèo khổ".

Cùng dòng cảm xúc đó, cụ Tân (60 tuổi) xúc động nói: "Nhờ có những bữa ăn ở đây mà tôi không còn phải nhịn đói vì thiếu tiền. Tôi thì già rồi, cuộc sống quanh năm chỉ phụ thuộc vào mấy tờ vé số, ngày bán không được bao tờ. Có quán cơm với giá rẻ như này tôi mừng lắm" 

Quán cơm 2.000 đồng thời Covid-19: Đừng ngại, mời các cô bác vào dùng cơm - 7

Đúng như tên gọi, quán cơm "Yên vui" luôn mang đến những niềm vui, an ủi cho những con người còn nhiều khó khăn trong cuộc sống

Đúng như tên gọi, quán cơm "Yên vui" luôn mang đến những niềm vui, an ủi cho những con người còn nhiều khó khăn trong cuộc sống.

"Đừng ngần ngại, các cô bác cứ vào ăn cơm đi, hãy cùng chúng tôi thực tập để đem lại yên vui cho tất cả mọi người" chị Vân Khánh cười tươi nói.

Được biết không chỉ dừng lại ở việc cung cấp suất ăn giá rẻ, quán cơm Yên Vui cũng là nơi Quỹ Từ thiện Bông Sen triển khai các dự án khác, như dạy học cho các trẻ em đường phố, bán sách và quần áo cũ với giá 2.000 đồng, mở các lớp dạy kỹ năng mềm nhằm nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho người cần thiết.