Nỗi niềm những người lao động không còn dám hô "cho đầy bình xăng"!

Trần Thanh

(Dân trí) - Xăng dầu tăng giá, hàng loạt các mặt hàng nhu yếu phẩm cũng tăng theo đã đẩy người lao động nghèo rơi vào cảnh khó khăn. Giờ đây khi đi đổ xăng, họ không còn dám hô "cho đầy bình".

Người lao động lo ngại

Thời gian gần đây, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng, đã có nhiều đơn vị bán lẻ xăng dầu ngừng bán do không còn hàng. Việc xăng dầu tăng giá cũng khiến nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm khác tăng theo làm cho cuộc sống của người lao động nghèo "đã khổ, nay còn khổ hơn", khi họ vừa mới gượng đứng dậy sau đại dịch Covid-19.

Nỗi niềm những người lao động không còn dám hô cho đầy bình xăng! - 1

Xăng tăng giá cao trong những ngày qua làm ảnh hưởng lớn tới cuộc sống và thu nhập của những người lao động.

Nỗi niềm những người lao động không còn dám hô "cho đầy bình xăng"!

Theo thông tin từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex cập nhật đến 15h ngày 21/2, giá xăng RON 95 (95-V; 95-IV; 95-III) rơi vào khoảng trên 26.000 đồng; xăng E5 RON 92-II là 25.530 đồng (giá xăng bán tại vùng 1, trong đó có TP Hà Nội).

Vừa mua nhiên liệu từ trạm bơm xăng trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), anh Nguyễn Hà Long, hành nghề xe ôm công nghệ cho biết, dù đã chi ra khoảng 60.000 đồng nhưng bình đựng xăng của xe vẫn chưa đầy.

"Khi xăng chưa tăng giá, tôi chỉ cần bỏ ra khoảng 55.000 đồng là xe đã đầy bình. Kể từ khi giá xăng tăng cao, cuộc sống và thu nhập của tôi bị ảnh hưởng nhiều vì các loại mặt hàng khác cũng tăng theo", anh Long tâm sự.

Theo anh Long, nguyện vọng lớn nhất bây giờ của những người lao động nghèo khác là giá xăng sẽ giảm xuống. Có như vậy, các mặt hàng khác cũng giảm theo và lúc đó anh mới tự tin nói "cho đầy bình" mỗi khi tới trạm bơm xăng.

Bạn Nguyễn Văn Tiến (sinh viên một trường đại học ở Hà Nội) cho biết - do nhu cầu đi lại hàng ngày cao nên cứ khoảng 5-6 ngày là phải đổ xăng một lần. Tuy nhiên những ngày vừa qua, giá xăng tăng cao khiến việc đi lại của cậu sinh viên này gặp một chút khó khăn.

"Hôm nay, em mua 50.000 đồng tiền xăng và không được đầy bình như lúc trước. Việc xăng tăng giá ảnh hưởng một phần không nhỏ đến các chi phí sinh hoạt mà hàng tháng bố mẹ chu cấp. Ngoài ra, không chỉ giá xăng tăng mà các mặt hàng rau củ cũng tăng giá khiến bọn em cũng phải chi tiêu tiết kiệm hơn", Tiến nói.

Nỗi niềm những người lao động không còn dám hô cho đầy bình xăng! - 2

Bạn Tiến cho biết, việc xăng và các mặt hàng khác tăng giá làm ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt hàng tháng của sinh viên.

Giá xăng, dầu tăng không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, nhà sản xuất, hộ kinh doanh mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến người nghèo. Bởi, tất cả các mặt hàng đều tăng giá, người tiêu dùng "lãnh đủ" khi giá tăng mà thu nhập giảm do ảnh hưởng Covid-19.

Anh Trần Văn Đông, công nhân xây dựng ở quận Thanh Xuân, cho biết, việc xăng tăng giá khiến chi phí cho việc đi lại cũng tăng theo. Trước đây, anh Đông chỉ cần bỏ khoảng 60.000 đồng là xe đã được đổ đầy bình xăng. Nhưng thời điểm hiện tại, số tiền anh Đông phải bỏ ra lên tới 90.000 đồng.

Còn anh Phạm Văn Nam (một người người giao hàng) cho hay phải bỏ ra khoảng 70.000 đồng để đổ đầy bình xăng trong sáng nay (25/2). Do công việc đi lại liên tục nên khoản chi phí cho xăng xe với anh là rất quan trọng.

Nỗi niềm những người lao động không còn dám hô cho đầy bình xăng! - 3

Theo anh Nam, giá xăng rồi các mặt hàng lại tăng cao khiến người lao động gặp nhiều khó khăn.

"Covid-19 đã làm người dân khốn khổ nay giá xăng và các mặt hàng lại tăng cao khiến người lao động càng khó khăn. Dù biết bây giờ F0 đầy đường nhưng vì miếng cơm manh áo nên chúng tôi vẫn phải đi làm. Giá xăng tăng cao như vậy nhưng tiền công của chúng tôi có tăng được đồng nào đâu. Bây giờ chỉ biết chấp nhận như vậy thôi chứ có ý kiến thì giá xăng vẫn không giảm", anh Nam bày tỏ.

Xăng tăng doanh nghiệp vận tải "cũng khổ"

Trước đó, chia sẻ với Dân trí, ông Trần Văn Thành - Tổng giám đốc Công ty vận chuyển Á Châu - cho biết, giá xăng dầu tăng cao kỷ lục, doanh nghiệp chắc chắn sẽ phải điều chỉnh lại giá. "Dự kiến chúng tôi sẽ điều chỉnh lại giá từ đầu tháng 3 tới, tăng thì khó khăn mà không tăng cước thì lỗ nặng", ông Thành chia sẻ.

Vị này cho biết, vừa qua nhiều doanh nghiệp đã tiến hành điều chỉnh cước vận tải bởi giá xăng dầu có xu hướng tăng cao liên tục. Hiện giá xăng chiếm 35% chi phí đầu vào của doanh nghiệp vận tải. Khi xăng tăng/giảm 10%, doanh nghiệp vận tải sẽ phải tính toán điều chỉnh phù hợp.

Nỗi niềm những người lao động không còn dám hô cho đầy bình xăng! - 4

Một số doanh nghiệp vận tải cho rằng, giá xăng dầu tăng khiến họ phải điều chỉnh mức giá cước, tăng thì khó khăn mà không tăng cước thì lỗ nặng.

Ông Thành lo ngại, sắp tới giá cả hàng hóa sẽ còn tăng nữa, một phần vì cước vận chuyển cao hơn, phần vì tâm lý, "té nước theo mưa", lấy cớ giá xăng tăng để tăng giá, cuối cùng người tiêu dùng sẽ chịu nhiều "thiệt thòi".

Một lãnh đạo doanh nghiệp vận tải khác ở Hà Nội cũng cho biết nếu giá xăng tiếp tục tăng thì buộc phải thay đổi giá cước dù đơn vị này trước Tết đã phải điều chỉnh một lần. Trong khi đó, vận tải là cấu thành gần như mọi doanh nghiệp, từ hàng hóa đến dịch vụ. Tuy nhiên, vị này cũng cùng nỗi lo, cước vận chuyển tăng giá một phần, nhiều người lợi dụng để tăng nhiều hơn.

Theo Bộ Tài chính, giá xăng dầu thành phẩm thế giới tiếp tục xu hướng tăng là nguyên nhân chính tác động làm tăng chi phí đầu vào, qua đó tác động tăng giá xăng dầu trong nước và gây áp lực lên việc điều hành giá xăng dầu nói riêng, việc điều hành giá nói chung.