Nỗi niềm của lao động Việt ở nước ngoài sau 2 năm lỗi hẹn về quê ăn Tết
(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 khiến nhiều lao động nước ngoài lỗi hẹn về quê ăn Tết cùng gia đình. Khi nhắc đến Tết quê, nhiều lao động không khỏi chạnh lòng, bồi hồi nhớ hương vị quê nhà.
Nhớ hương vị Tết quê nhà
Sang Nhật Bản làm nghề xây dựng từ năm 2017, anh Nguyễn Văn Phi (quê ở thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa) chưa một lần về quê ăn Tết. Theo kế hoạch, cuối năm 2020, anh Phi kết thúc hợp đồng lao động để về quê đón Tết. Nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đây là lần thứ 2 anh lỗi hẹn chưa thể đoàn tụ về đón Tết ở quê nhà.
Chưa thể về quê khi kết thúc hợp đồng, anh Phi bị "mắc kẹt" tại Nhật Bản. Phải khó khăn lắm anh mới xin gia hạn hợp đồng rồi tiếp tục ở lại làm việc. Theo anh Phi, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến những lao động xa quê.
"Dịch bệnh ở bên Nhật Bản rất phức tạp, công việc chính của tôi là làm công nhân xây dựng, có thời điểm công trình phải tạm cho người lao động nghỉ việc vì dịch bùng phát. Không có việc làm, chúng tôi gặp khó khăn về các khoản chi tiêu sinh hoạt, thu nhập bấp bênh", anh Phi kể.
Mỗi dịp Tết Nguyên đán đến, anh lại cảm thấy bồi hồi nhớ hương vị Tết quê da diết. Những ngày cận Tết, khi bố mẹ gọi điện hỏi thăm thì anh càng cảm thấy chạnh lòng, nhớ quê. Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm nay, anh dự định sẽ về quê ăn Tết cùng gia đình. Nhưng cũng vì dịch Covid-19, anh lại thêm một lần lỗi hẹn với gia đình và người thân, chưa thể về quê ăn Tết như dự định.
"Tôi dự định Tết năm nay sẽ về Việt Nam, nhưng do dịch bệnh, chưa thể "bay" được nên mọi kế hoạch đành gác lại. Tôi nhớ cái không khí cả gia đình gói bánh chưng, nhớ buổi đi tảo mộ, những bữa cơm chiều 30 Tết bên gia đình, rồi đêm giao thừa quây quần bên nhau. Nói chung hương vị Tết ở quê không thể nào quên được.
Mong rằng bố mẹ ở quê nhà có thể hiểu và thông cảm, hy vọng sang năm dịch bệnh sẽ qua đi và tôi có thể trở về quê nhà để đoàn tụ cùng gia đình", anh Phi chia sẻ.
Bánh chưng, giò chả... giúp nguôi ngoai nỗi nhớ
Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã cận kề, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (SN 1992) luôn trong tâm trạng nhớ gia đình, nhớ Tết cổ truyền. Sang Nhật Bản làm việc đến nay được 2 năm, đây là cái Tết thứ 2 chị Nhung xa gia đình.
Với chị Nhung, dịp Tết năm ngoái là một kỷ niệm đáng nhớ. Khi mọi nhà đang nhộn nhịp không khí cho ngày Tết thì chị Nhung phải nói lời tạm biệt gia đình để sang Nhật Bản đi lao động. Sau khi sang Nhật Bản, chị Nhung phải thực hiện cách ly y tế và đón Tết tại khu cách ly.
"Đó là một kỷ niệm không thể nào quên khi lần đầu tiên ăn Tết trong khu cách ly, một bối cảnh đặc biệt. Tại khu cách ly, tôi đã cùng một số đồng nghiệp đã có Tết. Chúng tôi đã tổ chức bữa tiệc nhỏ để cùng nhau chào đón năm mới", chị Nhung chia sẻ.
Chị Nhung kể, khoảnh khắc đêm giao thừa khiến chị tủi thân và nhớ nhà. "Thời khắc giao thừa ở Việt Nam thì ở Nhật Bản đã là 2h sáng. Vì vậy, tôi thường gọi video về chúc Tết trước", chị Nhung cho hay.
Theo chị Nhung, ở Nhật Bản không có Tết Nguyên đán như ở Việt Nam. Tuy nhiên, để chia sẻ với công nhân, vào dịp Tết họ vẫn được công ty cho nghỉ một ngày để vui Xuân, đón Tết.
Cũng theo chị Nhung, mặc dù ăn Tết xa quê nhưng những công nhân như chị vẫn được thưởng thức ẩm thực mang hương vị Tết ở quê nhà. "Nhiều cửa hàng dành cho người Việt vẫn bán bánh chưng với giá 200 nghìn đồng/chiếc, hay giò, chả, xôi…, giúp chúng tôi như nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ nhà", chị Nhung tâm sự.
Nói về dự định cho Tết Nguyên đán năm nay, chị Nhung cho biết vì mới sang Nhật Bản làm việc nên theo quy định chị chưa thể về Việt Nam, một phần cũng do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
"Tết nguyên đán năm nay, tôi sẽ tranh thủ thời gian vào buổi tối để gọi điện về chúc Tết gia đình. Trong ngày mùng 1 Tết, chúng tôi sẽ mua bánh chưng và tổ chức bữa tiệc chào năm mới", chị Nhung chia sẻ.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh này có hơn 60.000 lao động đang làm việc tại nước ngoài. Số lượng lao động chủ yếu ở các nước như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Đông Âu...