Những mảnh đời mưu sinh cơ cực qua góc nhìn bác sĩ miền Tây

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không mấy khá giả ở miền Tây Nam Bộ, nên chàng bác sĩ trẻ đã sớm đồng cảm với những mảnh đời cơ cực...

Huỳnh Tuấn Kiệt (sinh năm 1993), hiện đang công tác tại khoa hồi sức cấp cứu thuộc Trung Tâm Y Tế huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Chỉ bằng chiếc điện thoại, anh đã rong ruổi và ghi lại chân thực những vất vả, lam lũ của những lao động nghèo miệt mài mưu sinh.

Những mảnh đời mưu sinh cơ cực qua góc nhìn bác sĩ miền Tây - 1

Bác sĩ Huỳnh Tuấn Kiệt - người đam mê nhiếp ảnh, và thường ghi lại chân thực những hình ảnh mưu sinh của những con người mà anh vô tình gặp trên đường đi làm. Ảnh: NVCC

"Tuổi thơ tôi cũng đã trải qua những ngày khổ cực, lam lũ. Trong cơn lũ lớn ảnh hưởng tới 8 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2000, ngôi nhà vách đất của gia đình tôi bị lũ lớn nhấn chìm, tôi đã phải chịu những ngày đói, rét, cùng bố mẹ lên xuồng ngồi và đội tấm bạt lớn trên đầu để tránh nước dâng", Kiệt nhớ lại.

Những mảnh đời mưu sinh cơ cực qua góc nhìn bác sĩ miền Tây - 2

Trời có nắng, da có sạm, người có ướt đẫm mồ hôi, trên vai anh là gánh nặng gia đình …! Nghề: Vác lúa mướn - ảnh nằm trong album "Mưu sinh một kiếp người". Ảnh: NVCC

Chính bởi tuổi thơ khốn khó như vậy, nên Kiệt sớm biết đồng cảm với những hoàn cảnh cơ cực của những lao động nghèo quanh mình. Khi đã trở thành một bác sĩ đa khoa, trong những ca trực, thỉnh thoảng Kiệt được biết những ca bệnh nặng mà hoàn cảnh của họ rất nghèo, không đủ điều kiện để chuyển tuyến trên nên phải viết cam đoan xin về nhà. 

Những mảnh đời mưu sinh cơ cực qua góc nhìn bác sĩ miền Tây - 3

Nghề: Bán vé số . Ảnh: NVCC

Có lần anh gặp đôi vợ chồng lớn tuổi bán vé số, ngày bà bệnh nặng phải nhập viện nhưng còn rất nhiều vé số chưa bán. Sau khi cấp cứu cho bà xong, Kiệt và anh chị em nhân viên y tế, cùng người nhà bệnh nhân mua hết chỗ vé số để giúp họ phần nào vơi bớt sự vất vả.

"Lúc đó tôi thấy ông bà bán vé số thật sự rất đáng thương bởi tuổi đã cao, sức đã yếu, ở cái tuổi mà đáng lẽ ra họ đã được nghỉ ngơi vui vẻ bên con cháu, nhưng họ vẫn phải mưu sinh vì cảnh đời khó khăn.

Thêm nhiều lần trên đường đi làm về,  tôi tình cờ nhìn thấy những cảnh đời khổ mưu sinh cả ngày nắng lẫn ngày mưa trong đó có cả người già và trẻ em.

Những mảnh đời mưu sinh cơ cực qua góc nhìn bác sĩ miền Tây - 4

Nghề: kéo xe lôi. Ảnh: NVCC

Cùng với sở thích chụp ảnh từ những ngày học cấp 3,  từ đó tôi nảy sinh ý tưởng chụp lại những hoàn cảnh cực khổ đó để giữ lại hoặc đăng lên mạng xã hội, biết đâu sẽ có ai đó giúp đỡ được họ", Kiệt giãi bày.

Mỗi bức ảnh là một câu chuyện

Chia sẻ về Album mang tên "Mưu sinh một kiếp người", Kiệt nói, bộ ảnh là những cảnh đời, những nghề mưu sinh trong cuộc sống hàng ngày. Anh thực hiện không có thời gian xác định. Hữu duyên thì chụp và lưu giữ. 

"Chúng ta không thể chọn nơi mình sinh ra. Nhưng chúng ta sẽ chọn cách mà chúng ta sống và tồn tại. Tôn trọng cái đẹp cái nghề mà họ chọn để mưu sinh chân chính trên chính đôi tay mình …", Kiệt tâm sự. 

Những mảnh đời mưu sinh cơ cực qua góc nhìn bác sĩ miền Tây - 5

Nghề: Nhặt ve chai - một tấm ảnh trong album "Mưu sinh một kiếp người" - Bức ảnh đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng nam bác sĩ. Ảnh: NVCC

Trong số những bức ảnh trong Album đó, bức ảnh mang tên "Nghề: Nhặt ve chai" là bức ảnh mang lại cho Kiệt nhiều cảm xúc nhất.

"Lúc tôi chụp bức ảnh này là trời chiều lất phất mưa, trên trời mây đen kéo tới, gió vần vũ, dưới lòng đường có một cô trạc tuổi mẹ tôi với dáng người nhỏ bé, khắc khổ làm nghề nhặt ve chai.  Cô đã phải  dầm mưa,  oằn mình đẩy chiếc xe chất đầy phế liệu. 

Tôi bỗng rưng rưng nước mắt, nhìn theo bóng dáng gầy gò, xiêu vẹo của cô khuất dần. Từ lúc chụp đến lúc chỉnh ảnh xong, lòng tôi vẫn trĩu nặng nhiều suy tư về cô, về kiếp con người. Thật sự, cô ấy quá khổ!", nam bác sĩ xúc động bày tỏ.

Những mảnh đời mưu sinh cơ cực qua góc nhìn bác sĩ miền Tây - 6

Chú ơi mua hộ con tờ vé số. Bán hết con kịp về đi học ạ … Nghề: Bán vé số. Ảnh: NVCC

Trong Album "Mưu sinh một kiếp người" còn có ảnh 2 em bé bán vé số. 2 bé là con hộ gia đình di dân Việt Nam-Campuchia. Gia đình ngày trước sống ở Biển Hồ nay được nhà nước hỗ trợ trở về quê hương và được giúp đỡ về chỗ ăn chỗ ở.

Những mảnh đời mưu sinh cơ cực qua góc nhìn bác sĩ miền Tây - 7

Cứ mỗi mùa nước nổi về người miền Tây có thêm nghề mưu sinh đó là nghề: Đặt lợp cá. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên cuộc sống của gia đình 2 em khá khó khăn, chật vật nên hàng ngày các em phải đi bán vé số khắp nơi để phụ giúp gia đình. Tối về thì đi học để biết con chữ. Ở những hộ gia đình này nếu bị bệnh thì hầu như là bệnh rất nặng vì họ không có tiền để đi khám sức khỏe định kỳ, và khi phát hiện ra bệnh, thường là ở giai đoạn cuối, rất khó cứu chữa và mất nhiều chi phí khi chạy chữa.

Thông điệp gửi gắm trong bộ ảnh "Mưu sinh một kiếp người"

Những mảnh đời mưu sinh cơ cực qua góc nhìn bác sĩ miền Tây - 8

Nghề làm Cha, làm Mẹ, làm Ông, làm Bà của các con, các cháu. Để chăm, để lo, để đỡ đần từng miếng cơm manh áo … dù có khó khăn cách mấy cũng không một lời than phiền …Ảnh: NVCC

Qua bộ ảnh của mình, nam bác sĩ muốn gửi gắm một thông điệp rằng, "Giới trẻ bây giờ hay than thân trách phận, đôi khi suy nghĩ tiêu cực,  vậy thì các bạn hãy nhìn vào những tấm ảnh này để biết rằng, ngoài kia vẫn còn rất nhiều cảnh đời cực khổ hơn mình nhưng họ vẫn hết mình vươn lên vì cuộc sống mưu sinh. Thậm chí có những hoàn cảnh tật nguyền, cõng gia đình trên vai, họ vẫn lao động chân chính bằng chính đôi tay, bằng sức lực của mình.

Những mảnh đời mưu sinh cơ cực qua góc nhìn bác sĩ miền Tây - 9

Nghề rơm cuộn. Ảnh: NVCC

Mặt khác tôi thấy cuộc sống hiện đại, ai cũng hối hả, vội vã chạy đua với thời gian, với công việc mà họ đã không nhận ra, hoặc vô tình lướt qua rất nhiều người khó khăn, khổ ải mưu sinh vì cuộc sống. Tôi mong mọi người,  hãy sống chậm lại, hãy trân trọng cuộc sống, và có thể dành chút tấm lòng nhân hậu để chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình", Tuấn Kiệt nhắn nhủ.

Những mảnh đời mưu sinh cơ cực qua góc nhìn bác sĩ miền Tây - 10

"Điếu thuốc tàn thì mình về với vợ con. Hôm nay mưa ế quá!", chú làm nghề xe ba gác nói. Ảnh: NVCC

Khi được hỏi về những dự định tiếp theo của mình, nam bác sĩ chia sẻ, anh hy vọng tương lai, anh có đủ thời gian, sức khỏe và kinh phí để có thể đặt chân tới nhiều nơi trên khắp đất nước, và ghi lại được nhiều hình ảnh hơn nữa, bởi với anh, mỗi hình ảnh là một câu chuyện - câu chuyện đời đầy sinh động và chân thực trên mỗi bước chân anh qua. 

Theo Danviet.vn