Người đàn ông ở Hà Nội 2 năm mất việc vì Covid: Ngủ gầm cầu, tắm công viên
(Dân trí) - Co ro dưới màn sương đêm Hà Nội, lạnh đến cước chân tay, người thợ nề mất việc vì Covid-19 vẫn lọ mọ nhặt từng chiếc vỏ lon, chỉ mong có được bữa ăn qua ngày.
Sống ở Hà Nội 17 năm, nhưng ông Nguyễn Duy Tiến (60 tuổi, quê Bình Lục, Hà Nam) đã mất việc từ 2 năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trước đây, ông Tiến từng làm cai xây dựng tại chợ Đồng Tâm, khi chợ chuyển đi thì ông mất nghiệp.
Hai năm qua bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cộng thêm tuổi già, ông Tiến không kiếm được việc làm để tự nuôi sống bản thân. Cũng từ đó, ông lang bạt khắp nơi, nay đây mai đó, sống cảnh màn trời chiếu đất.
Không biết làm ruộng, nên về quê cũng không có gì làm nuôi sống bản thân, người đàn ông 60 tuổi đành lấy gầm cầu vượt Giải Phóng làm nhà, lưng tựa vỉa hè là thành giường. Người dân xung quanh thấy thương cảm giúp ông tấm chăn, mảnh đệm để vượt qua cái lạnh mùa đông.
Khi còn việc làm, thu nhập mỗi tháng từ nghề xây dựng của ông Tiến được 12 triệu đồng/tháng. Với số tiền đó, ông cũng có một mái nhà để ở, nhưng thu nhập từ việc nhặt vỏ lon hiện chỉ đem lại cho ông vài chục nghìn đồng/ngày.
"Mỗi ngày tôi chỉ ăn hai bữa, mỗi bữa 20.000 đồng, có hôm thì ăn cơm từ thiện. Ngày nào kiếm được thì ăn, hôm nào mưa gió không đi làm được thì tôi chỉ uống nước cầm hơi", ông Tiến nói và chia sẻ thêm, mọi sinh hoạt đều rất khó khăn. Ông phải sử dụng nhà vệ sinh công cộng và tắm rửa tại công viên Thống Nhất.
Dù chi phí để tắm tại một số cơ sở công cộng ở Hà Nội chỉ 10.000 đồng/người, nhưng toàn bộ tài sản trên người ông Tiến chỉ còn vỏn vẹn vài chục nghìn đồng. Tuổi đã cao, thu nhập ngày càng giảm do sức khỏe yếu, nên ông lựa chọn tiết kiệm tiền để ăn uống.
Suốt 2 năm nghỉ làm thợ xây, ông Tiến sống ở gầm cầu, ai thuê gì làm nấy. Nhưng 2 tháng nay, tình trạng của ông còn bi đát hơn bởi không có việc làm. Nhặt rác là công việc duy nhất đem lại bữa ăn cho ông.
Khó khăn là thế, nhưng ông Tiến không đi ăn xin mà vẫn tìm việc, chờ người thuê để có tiền trang trải cuộc sống. Nằm dưới chân cầu, ông Tiến chỉ ước: "Tôi mong sao có việc làm, thợ nề hay thợ hàn cũng được, để có đủ tiền thuê phòng trọ ăn Tết".
Mơ ước tưởng như nhỏ nhoi với mọi người lại là một thứ xa xỉ với những người sống lang thang như ông Tiến. Niềm mong ước đơn giản với ông Tiến chỉ là mỗi đêm ngủ không phải giật mình vì tiếng gió rít, không hoảng hốt bừng tỉnh vì sợ bị trấn lột mấy chục nghìn lẻ cùng chiếc xe đạp, hay đơn giản là không phải thức trắng đêm cầm ô mỗi khi trời dội mưa.
Bấy nhiêu đó thôi với ông Tiến còn là ước ao, chẳng nói tới việc được tắm rửa hàng ngày và có bữa cơm no.
Chia sẻ với PV, ông Tiến cho biết, ông có vợ con, nhưng không ai biết hoàn cảnh của ông hiện tại. Bởi gia đình ông ai cũng khó khăn vất vả. Các thành viên trong gia đình đều có cuộc sống riêng, tự mưu sinh, lần hồi kiếm sống.
Hoàn cảnh như ông Tiến ở Hà Nội không ít, nhưng thay vì mong chờ nhận được tiền cứu trợ, những người lao động đó chờ đợi hơn một công việc để ổn định dần cuộc sống.