Khu xóm yên bình nhất ở TPHCM, dân không bao giờ nhậu, nhịn chay cả tháng
(Dân trí) - Con hẻm trên đường Dương Bá Trạc (quận 8, TPHCM) nổi tiếng là nơi có cộng đồng người Chăm sinh sống. Theo đạo Hồi (Islam), những người dân ở đây không ăn thịt heo, không uống rượu, bia.
Nhịn ăn đến tắt mặt trời
Hơn 16h, con hẻm 157 đường Dương Bá Trạc (quận 8, TPHCM) đông nghẹt người qua lại. Nơi đây có khoảng 3.000 người theo đạo Hồi sinh sống, đông nhất trong số 16 giáo khu tại TPHCM.
Trong vòng 1 tháng kể từ ngày 11/3, nơi này càng trở nên nhộn nhịp hơn vì những người theo đạo bước vào tháng Ramadan - tháng nhịn chay.
Dịp này, người theo đạo Hồi nhịn ăn, uống từ 5h đến 18h10 mỗi ngày. Khi mặt trời lặn, tín đồ Hồi giáo mới xả chay, ăn uống bình thường.
Thông thường, tiểu thương khu chợ nhỏ ngay giữa hẻm sẽ bày bán thực phẩm Halal (những loại đồ ăn được cho phép sử dụng) vào ban ngày. Nhưng vào tháng Ramadan, chợ chỉ tranh thủ bán vào buổi chiều để các tín đồ Hồi giáo có thể mua thực phẩm, dự trữ cho bữa ăn đêm.
Ngoài thức ăn, tiểu thương tại chợ Hồi giáo còn bày bán thêm trang phục, thảm cầu nguyện, phụ kiện thời trang phục vụ tín đồ Hồi giáo.
Dù chỉ kiếm hơn 200.000 đồng/ngày, ông Karim cho hay vẫn thấy rất vui vì nét văn hóa của dân tộc vẫn được lưu truyền, gìn giữ.
"Cứ vào dịp lễ này là tôi từ quê nhà An Giang lên đây bán quần áo. Buổi sáng đi bán, tối tôi về thánh đường ăn, ngủ miễn phí. Gọi là buôn bán nhưng tôi chủ yếu làm cho vui thôi, tiền bán được bao nhiêu không quan trọng", ông nói.
Chị Haly Mah (36 tuổi), tiểu thương tại chợ, cho hay có thể kiếm 400-500.000 đồng/ngày vào dịp đặc biệt này. Sạp của chị Mah bày bán các món bánh trái, đồ khô. Trong đó, cá chiên là loại được ưa thích và bán chạy nhất.
"Trong tháng này, chúng tôi thường tăng số lượng thực phẩm vì sẽ có nhiều tín đồ ở nơi khác đến. Thậm chí, có nhiều người nước ngoài như người từ Malaysia sang Việt Nam du lịch cũng biết đến khu chợ của chúng tôi và ghé đây để mua đồ ăn trong tháng Ramadan", chị Mah nói.
Cách đó không xa, một thánh đường của người Hồi giáo cũng tổ chức nấu cháo, phát nước sâm miễn phí cho tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo. Nhiều du khách nước ngoài cũng lui tới, chụp ảnh tại xóm đạo. Trong đó, không ít người ngoại đạo cũng đến tham quan, tìm hiểu văn hóa, thưởng thức những món ăn đặc trưng của tín đồ Hồi giáo.
Người giữ bản sắc
Ông Mo Hamcousoh (54 tuổi) là người Chăm gốc An Giang. Gia đình ông di cư lên TPHCM sinh sống từ khi ông chưa được sinh ra.
"Mỗi năm 1 lần, người theo đạo Hồi trên khắp thế giới sẽ bước vào tháng Ramadan. Theo tín ngưỡng, việc nhịn chay là để chúng tôi có thể cảm nhận được cuộc sống thiếu thốn của những người khó khăn hơn mình, hiểu được cảm giác đói, khát của những người chẳng may mắc kẹt ở sa mạc.
Từ đó, chúng tôi hiểu hơn về việc trân trọng thức ăn, nước uống mà thượng đế ban cho", ông Mo giải thích.
Thời gian đầu, ông Mo cũng phải mất 2 ngày mới làm quen được với việc nhịn ăn. Theo ông Mo, người Chăm vẫn có thể làm việc, sinh hoạt bình thường khi cơ thể đã thích nghi với hoạt động trong tháng Ramadan.
Người Chăm theo đạo Hồi hành lễ cầu nguyện 5 lần mỗi ngày, sử dụng lịch riêng, viết chữ từ phải sang trái. Trước khi hành lễ, mỗi tín đồ đều cẩn trọng rửa tay, chân, mặt để thanh tẩy cơ thể, tâm trí. Đó là lý do thánh đường có khu vực riêng gắn nhiều vòi nước.
"Trong các chuyến đi chơi xa, chúng tôi sẽ mang theo thảm. Phụ nữ phải đeo khăn choàng, đội mũ che kín tóc nên cần chuẩn bị nhiều thứ hơn. Chúng tôi thường sẽ ghé các trạm dừng, quán cơm trên đường, xin một chỗ trống sạch sẽ để cầu nguyện.
Những người chưa biết về đạo Hồi có thể thấy lạ, nhưng hầu hết đều rất hoan hỉ tiếp đón, hỗ trợ chúng tôi", ông Mo cảm kích.
Theo giáo luật, việc uống rượu, bia, ăn thịt heo là điều tối kỵ đối với tín đồ Hồi giáo. Ngoài ra, người theo đạo Hồi cũng chỉ ăn hải sản và thịt động vật được chính tay các tín đồ Hồi giáo giết mổ.
"Từ nhỏ đến lớn, tôi chưa từng uống một giọt rượu, bia nào. Vì chúng tôi quan niệm khi đã uống một ít cồn vào người thì tâm trí sẽ mất kiểm soát, bất giác quên mất ba mẹ, người thân, làm những hành động không hay. Vậy nên khu xóm của tôi trước giờ rất yên bình, bởi không ai nhậu nhẹt, tổ chức uống bia, rượu", ông Mo nói.
Bà Citi Hachet (64 tuổi) cho hay bà từng để bụng đói ra về từ bữa tiệc của người ngoại đạo.
"Vì tôn trọng nên tôi vẫn đến những bữa tiệc mà người khác mời. Tuy nhiên, tôi sẽ không ăn mà chỉ uống nước lọc, nước ngọt và giải thích rằng tín ngưỡng của mình là như thế.
Nhiều người không biết, thỉnh thoảng đến biếu thức ăn có thịt heo. Từ nhỏ đến lớn chúng tôi không ăn thịt heo nên chỉ cần thoáng ngửi là đoán được, từ chối ngay", bà Citi chia sẻ.
Hơn 18h, những người đàn ông tại xóm đạo cùng đến thánh đường để cầu nguyện cho đến giờ cơm tối mới về quây quần bên gia đình.