Hiểm họa khôn lường khi công nhân ham làm thời vụ để kiếm lương cao
(Dân trí) - Nhiều công nhân lựa chọn không ký hợp đồng lao động hoặc ký ngắn hạn để hưởng mức lương cao khi làm thời vụ, đổi lại việc không đòi hỏi quyền lợi được đóng bảo hiểm.
Tự tước đoạt quyền lợi bản thân
Từ đầu năm đến nay, việc thiếu hụt lao động luôn là vấn đề "nóng" tại nhiều doanh nghiệp ở phía Nam. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là người lao động không muốn gắn bó lâu dài với một công ty. Nhiều lao động chấp nhận làm thời vụ (hợp đồng ngắn hạn) trong khi chờ trợ cấp thất nghiệp hoặc chờ lấy bảo hiểm một lần.
Chị Nguyễn Thị Hằng (quê Vĩnh Long) làm việc tại khu công nghiệp Tân Bình hơn 5 năm. Đợt dịch bệnh vừa qua, chị nghỉ việc về quê và mới trở lại TPHCM để tìm việc. Tuy vậy, thay vì tìm một công việc cố định, chị Hằng chỉ đi làm thời vụ ở mỗi công ty một vài tháng. Chị chấp nhận việc không được đóng bảo hiểm hay hưởng các chế độ liên quan... để nhận lương cao (vì không phải trừ tiền bảo hiểm).
Theo chị Hằng, do quá thiếu nhân sự nên nhiều công ty sẵn sàng tuyển công nhân ngắn hạn, không ràng buộc nhiều, muốn nghỉ luôn cũng dễ. Chị chỉ cần nộp chứng minh thư vào công ty môi giới việc làm thời vụ, sau đó được họ giới thiệu đi làm.
Cũng như chị Hằng, anh Nguyễn Bình (ngụ tại Quận 3, TPHCM) cũng đi làm thời vụ hơn một năm qua. Mỗi tháng anh Bình thu nhập được hơn 12 triệu đồng. Anh dự định kiếm đủ tiền mua xe máy rồi nghỉ làm thời vụ.
Theo bà Trần Thanh Châu, Chủ tịch Công đoàn cổ phần Dệt may, Đầu tư thương mại Thành Công, hiện nay, nhiều doanh nghiệp thiếu lao động tích cực tuyển nguồn nhân lực phổ thông ký hợp đồng lâu dài rất khó.
Thông thường, công nhân làm thời vụ sẽ không được hưởng các chính sách bảo hiểm cũng như các chính sách hỗ trợ của công đoàn. Họ cũng không được hưởng chế độ chuyên cần, xăng xe, tiền nhà trọ, hỗ trợ nuôi con nhỏ... hay bất cứ loại phúc lợi nào nhưng lại được trả lương khá cao, cao hơn mức lương của lao động chính thức, ký hợp đồng dài hạn.
"Trong thời gian tới, nếu công ty tuyển dụng lao động thời vụ, công đoàn sẽ đứng ra thuyết phục người lao động làm hợp đồng lao động. Nếu công nhân không đồng ý, thì chúng tôi không tuyển dụng. Cách làm này vừa đảm bảo quyền và lợi ích cho người lao động lại đúng quy định pháp luật", bà Châu cho hay.
Chấn chỉnh việc trốn đóng BHXH
Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Nidec Việt Nam đưa ra kiến nghị, Nhà nước phải xử lý quyết liệt việc trốn đóng BHXH của các công ty môi giới việc làm thời vụ. Theo quy định của pháp luật, người lao động làm từ một tháng trở lên phải đóng BHXH nhưng không ai quản lý xem các công ty này thực hiện đúng chưa. Công nhân chỉ đưa chứng minh thư bản sao là đi làm, không cần hồ sơ gì thêm.
"Tôi thấy công nhân thời vụ rất đáng thương, không được tuyên truyền để biết lợi ích của các chế độ bảo hiểm. Họ chỉ thích được nhận thêm phần tiền đóng bảo hiểm vào lương, thấy lợi trước mắt mà không thấy hại lâu dài. Ví dụ như trong thời gian đi làm thời vụ, không được đóng bảo hiểm, không may ốm bệnh, tai nạn thì người lao động sẽ không có BHYT chi trả", ông Hồng nói.
Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Đồng Nai khẳng định, theo Bộ Luật lao động 2019 quy định, mọi quan hệ lao động với công việc dưới 36 tháng đều được ký hợp đồng lao động xác định thời hạn, kể cả những công việc chỉ thực hiện trong một vài tháng.
Theo Luật bảo hiểm xã hội, khi doanh nghiệp tuyển lao động, dù chỉ 1 tháng cũng phải tuân thủ việc đóng bảo hiểm. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chính người lao động không muốn ký hợp đồng vì nhiều lý do cá nhân. Họ sẽ thỏa thuận với doanh nghiệp tuyển dụng không đóng bảo hiểm...
Bà Phạm Thị Quyên, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Long An cho rằng, cần có sự tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm việc vi phạm pháp luật lao động về vấn đề hợp đồng lao động, tránh tình trạng doanh nghiệp lách luật làm ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân lao động.
Ngoài ra, các cấp, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền kiến thức pháp luật đến với người lao động, quyền lợi của việc ký hợp đồng lao động khi tham gia quan hệ lao động như quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN, hoặc các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Mặt khác, nếu xảy ra tranh chấp lao động, sẽ có căn cứ pháp lý là hợp đồng lao động để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Linh Sơn