Hàng loạt vụ ôm con tự tử: Đừng tước đi mạng sống những đứa trẻ vô tội!
Chỉ vì uất ức tâm lý do mâu thuẫn tình cảm, do nợ nần… những người cha, người mẹ ôm/ép con cùng tự tử đã tự kết liễu đời mình, đồng thời nhẫn tâm cướp đi quyền sống của những đứa trẻ vô tội.
Những cái chết đau lòng
Mới đây, tại huyện Cẩm Giàng, Hải Dương, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể của chị V.T.H.T - giáo viên mầm non và 2 con nhỏ trên sông Thái Bình về phía hạ lưu cách vị trí nghi 3 mẹ con ngã xuống sông khoảng 1km.
Được biết, vào ngày 8-5, chị T (SN 1991) đã đưa 2 con (một cháu 9 tháng tuổi và 1 cháu 2 tuổi) đi khỏi nhà. Sau đó, người thân, đồng nghiệp của chị T nhận được nhiều tin nhắn của chị với nội dung khá tiêu cực, nên vội vã đi tìm.
Sau gần 2 ngày tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể cả 3 mẹ con chị T trên sông Thái Bình. Nguyên nhân vụ việc đang được tiếp tục làm rõ song theo phỏng đoán ban đầu có thể một phần xuất phát từ mâu thuẫn vợ chồng.
Đáng buồn, sự việc trên không phải hi hữu. Trước đó tại huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh cũng xảy ra vụ việc tương tự.
Sau khi cãi nhau với cha, chị N.T.H.N (24 tuổi, ở xã Tân Hà, huyện Tân Châu đã điều khiển xe máy chở theo 2 con gái là cháu T.A (SN 2014) và B.V (SN 2017) ra khỏi nhà. Đến địa điểm thuận lợi, chị N đã ôm 2 con nhảy xuống kênh tự tử sau khi đăng dòng status cuối cùng trên mạng xã hội với nội dung "tôi ra đi là do tôi tự lựa chọn, không muốn ai vướng bận gì về mẹ con tôi".
Cách đây không lâu, tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, một người mẹ cũng đã ôm 2 đứa con nhảy cầu tử tự song 1 trong hai đứa trẻ đã vùng chạy thoát.
Người mẹ đó là chị L.T.T (SN 1985) đèo 2 con trai (sinh năm 2009 và 2015) bằng xe máy, nói đi mua quần áo cho con. Sau đó, chị T đi về hướng đầu huyện Tiên Lãng. Lên cầu, chị cho con ăn cháo rồi ôm hai con nhảy cầu.
May mắn thay, con lớn của chị T là cháu V.A.T (SN 2009) đã đẩy mẹ ra chạy thoát. Chị T ôm con nhỏ còn lại nhảy xuống sông, để lại thư tuyệt mệnh trong cốp xe…
Ôm theo con tự tử là phạm pháp
Có thể nói, những vụ bố, mẹ tự tử và bắt con chết cùng khiến dư luận vừa xót thương, vừa oán giận. Theo Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú, một trong những nguyên nhân khiến cho những người mẹ này bế tắc đến mức không thiết sống và mang cả con theo cùng là do họ bị tổn thương và bị sang chấn về mặt tâm lý.
Ngoài lý do kinh tế cùng quẫn, nợ nần chồng chất, nhiều bà mẹ chọn bước đường cùng do không vượt qua được những trở ngại quá lớn, hoặc con bị khuyết tật, mắc bệnh nan y, chồng ngoại tình, hay bị chồng bạo hành lâu ngày, mẹ chồng chì chiết đay nghiến… dẫn đến tâm lý tuyệt vọng và quyết định tìm đến cái chết để mong "được giải thoát".
Bên cạnh đó, nhiều bậc cha mẹ thường quan niệm con mình là một phần cơ thể, là khúc ruột của mình nên cần mang theo khi tự tử. Nếu bỏ con lại, họ thấy mình là một ông bố, bà mẹ tồi tệ. Tự tử cùng con để bảo vệ đứa trẻ khỏi cảnh bơ vơ đầu đường xó chợ, mồ côi, không được dạy dỗ nên người. Chưa nói đến việc, một số bà mẹ còn tin rằng, khi chết con mình có thể tái sinh ở một cuộc sống tốt đẹp hơn?!
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, ôm con tự tử là hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu cấu thành tội cố ý giết người theo quy định tại Điều 123 BLHS 2015. Trong trường hợp này, người mẹ (hoặc cha) đứa trẻ đã tước đoạt mạng sống của người khác, vi phạm vào quyền sống, quyền được pháp luật bảo hộ tính mạng con người được ghi nhận tại Điều 19 của Hiến pháp 2013.
Dù vì lý do gì, việc người lớn kéo theo con trẻ phải chết cùng là việc làm nhẫn tâm và vi phạm pháp luật. Để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc tiếp theo, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần có các biện pháp tuyên truyền phổ biến giáo dục, mọi người cần quan tâm đến kĩ năng sống, kĩ năng giải quyết những xung đột, căng thẳng trong cuộc sống, tránh việc cứ gặp trở ngại, bế tắc là tìm đến cái chết và muốn con mình phải chết theo.