Hàng chục triệu người nhận hỗ trợ trong 2 năm Covid-19
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi nhận định, công tác bảo trợ xã hội 2 năm qua đạt kết quả tốt. Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hàng chục triệu người nghèo đã được đảm bảo an sinh.
Ngày 22 - 23/12, tại Kiên Giang, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác bảo trợ xã hội năm 2022 cho cán bộ ngành lao động ở 63 tỉnh thành. Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi dự và chủ trì hội nghị.
Thực hiện tốt các chính sách bảo trợ xã hội
Theo Cục bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH, tổng kết hoạt động trợ giúp đột xuất, hỗ trợ sau thiên tai, dịch bệnh, trong giai đoạn 2021 - 2022, Chính phủ đã xuất cấp 182.900 tấn gạo cứu đói cho gần 12,194 triệu lượt nhân khẩu, chi hàng nghìn tỷ đồng cho các địa phương khắc phục hậu quả do thiên tai.
Ngoài ra, các địa phương cũng đã vận động và huy động hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn mỗi dịp Tết Nguyên đán.
Hoạt động trợ giúp đột xuất đã được triển khai tương đối tốt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm các nguyên tắc bốn tại chỗ và các yêu cầu kịp thời, công khai, minh bạch, không để người dân cần mà không nhận được hỗ trợ. Các kết quả đạt được được Đảng, Nhà nước đánh giá cao.
Với nhiệm vụ thực hiện chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên thông qua Nghị định 20, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư quy định chi tiết và các văn bản hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Nhờ đó mà các chế độ chính sách đã được triển khai kịp thời.
Bộ hiện đang thực hiện trợ cấp xã hội cho gần 3,3 triệu người với tổng kinh phí thực hiện trên 28.000 tỷ đồng, bao gồm chi trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ BHYT cho các đối tượng.
Theo Cục bảo trợ xã hội, hiện nay cả nước có hơn 733.000 người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể, thanh tra nhân dân, hòa giải ở cơ sở, 1,1 triệu người cao tuổi tham gia phòng chống tội phạm, trật tự an ninh ở địa bàn, khu dân cư; hơn 95 nghìn người cao tuổi làm chủ trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; hơn 300 nghìn người cao tuổi làm kinh tế giỏi.
Thực hiện chính sách an sinh xã hội, đã có gần 3,3 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng (trong đó có hơn 2,5 triệu người cao tuổi), 1,4 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, hơn 1,8 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, khoảng 10.000 người cao tuổi đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Khoảng 95% người cao tuổi được cấp thẻ BHYT, 32% người cao tuổi được lập hồ sơ quản lý theo dõi sức khỏe ban đầu.
Hoạt động thường xuyên khác được ngành quan tâm là công tác người khuyết tật và chương trình trợ giúp người khuyết tật.
Theo Cục Bảo trợ xã hội, đến nay, cơ quan quản lý đã cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho gần 3 triệu người, thực hiện trợ cấp xã hội và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho trên 1,5 triệu người khuyết tật, 50 tỉnh, thành phố triển khai chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. 100% bệnh viện đa khoa trung ương, tỉnh có khoa phục hồi chức năng, 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt với 4.110 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật.
Đến nay, cả nước có hơn 1.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tổ chức đào tạo nghề cho người khuyết tật, trong đó có 225 cơ sở dạy nghề chuyên biệt, hàng năm đào tạo cho khoảng 19.000 người khuyết tật/năm.
Theo đuổi các mục tiêu lớn về an sinh xã hội
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi đánh giá cao kết quả đạt được của công tác bảo trợ xã hội, nhất là trong 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng đến cả chục triệu người nghèo, người lao động khó khăn. Trong bối cảnh phức tạp, các chính sách bảo trợ xã hội đã được các địa phương triển khai nhanh, hiệu quả, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần tốt vào công tác đẩy lùi dịch bệnh.
Theo Thứ trưởng Hồi, hiện nay, ngành đảm bảo an sinh xã hội cho hơn 3,5 triệu đối tượng bảo trợ và chăm lo cho hơn 12 triệu người cao tuổi, trên 7 triệu người khuyết tật, trên 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Trong 2 năm 2020-2022, nhà nước cũng cứu trợ khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt trên 200.000 tấn gạo.
Trong những năm dịch Covid-19 xảy ra, ngành đã đảm bảo an sinh cho người dân. Trong đó, 4 bệnh viện của Bộ LĐ-TB&XH đã làm tốt công tác chuyên môn, công tác phòng, chống dịch. Mỗi tuần các cơ sở đã tiếp nhận hàng nghìn người cơ nhỡ, nhiều nhất là ở TPHCM và nhiều tỉnh thành khác. Đây là tình huống phản ứng nhanh, hiệu quả, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và cả công tác phòng, chống dịch.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Hồi lưu ý, các địa phương cần nhìn nhận lại các vấn đề còn tồn tại để công tác bảo trợ xã hội tiếp tục đạt những kết quả tốt hơn. Ông nhấn mạnh nhận định, hiện nay, thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến bất thường, có chiều hướng gia tăng sẽ tác động đến công tác bảo trợ xã hội ngày càng khó khăn hơn. Do đó, ngành cần chủ động xây dựng nguồn lực hệ thống, kế hoạch để sẵn sàng ứng phó.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nêu: "Mục tiêu tổng quát nhất là thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách bảo trợ xã hội và theo đuổi các mục tiêu lớn về an sinh xã hội. Hỗ trợ kịp thời cho người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế, cơ nhỡ thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội".
Đối với các chính sách dành cho người cao tuổi, trẻ em khuyết tật, người bệnh tâm thần, Thứ trưởng Hồi yêu cầu các địa phương rà soát kỹ, tránh bỏ sót các đối tượng, đồng thời hướng dẫn, cấp các giấy tờ cần thiết để các đối tượng này được hưởng đầy đủ các chính sách bảo trợ xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi còn nhấn mạnh, với con số 5% người cao tuổi chưa có thẻ BHYT các địa phương cần rà soát và tham mưu HĐND, UBND tỉnh để cấp ngân sách để đảm bảo bao phủ thẻ BHYT với người cao tuổi tại địa phương.
Ngoài ra, trong 2 năm đại dịch, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH lưu ý, số trẻ em bị trầm cảm, tự kỷ... tăng lên vì phải giãn cách xã hội, hạn chế giao tiếp kéo dài, gia đình thiếu kiểm soát việc các em sử dụng điện thoại, máy tính. Do đó, thời gian tới, ngành lao động cần chủ động phối hợp với các trạm y tế xã, phường rà soát, phát hiện sớm số trẻ mắc bệnh để có những phương pháp điều trị thích hợp, đảm bảo sức khỏe và các quyền cũng như chính sách hỗ trợ trẻ em.