Hà Nội: Vợ chồng trẻ khóc ròng một năm sống xa con vì Covid-19
(Dân trí) - "Tất nhiên là bố mẹ chẳng ai muốn xa con, các con cũng vậy. Nhưng đây là khoảng thời gian đặc biệt, giống kỷ niệm thời sơ tán bởi chiến tranh của thế hệ cha anh chúng ta trước đây", anh Hạnh nói.
Như rất nhiều cặp vợ chồng khác tại Hà Nội, anh Vũ Ngọc Hạnh (34 tuổi, trú tại Bắc Từ Liêm) phải gửi hai con nhà về nhà ông bà nội ở Hải Phòng từ tháng 4/2021. Tính đến nay, anh chị đã phải gửi con, xa con cả một năm trời.
Theo anh Hạnh, việc gửi con về quê là vạn bất đắc dĩ, vì điều kiện dịch bệnh, các trường mẫu giáo tại Hà Nội không mở cửa đón trẻ, thuê người trông trẻ cũng rất khó khăn và đắt đỏ...
Bình thường, chi phí gửi trẻ của nhà anh Hạnh là 6 triệu đồng/tháng, nhưng đại dịch Covid-19 căng thẳng, đồng lương hai vợ chồng bị cắt giảm, eo hẹp nên gia đình phải chấp nhận gửi con về quê.
"Hai vợ chồng tôi đều phải đi làm toàn thời gian cố định, từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều, không thể để hai đứa trẻ ở nhà trông nhau suốt được. Ban đầu tôi thuê người trông nhóm trẻ riêng, gửi nhà cô giáo, nhưng sau một thời gian thì thấy con ăn ngủ kém, sút cân, về nhà hay quấy khóc. Nhà cô giáo diện tích nhỏ, chỉ 30 m2 mà trông đến 12 trẻ. Vậy nên sau một tuần, chúng tôi quyết định cho con về quê, gửi ông bà", anh Hạnh nói.
Theo lời ông bố hai con, mới về quê, bọn trẻ hay khóc đêm vì nhớ bố mẹ, ngày nào cũng đòi ông bà gọi Zalo, Facebook để gặp bố mẹ, đòi bố mẹ đón lên Hà Nội.
"Mới chỉ được một tuần, mẹ tụi nhỏ tối nào cũng buồn, cũng nhớ và tủi thân, cứ nói đến con là chợt khóc. Sang tuần thứ 2, chúng tôi thu xếp về thăm con từ trưa thứ 7, đến chiều tối chủ nhật lại trốn con lên trên này. Không khí cả gia đình khá nặng nề, đấu tranh tư tưởng khá nhiều, nhưng rồi hai vợ chồng động viên nhau thôi qua một tháng, dịch được kiểm soát sẽ đón con lên", anh Hạnh kể.
Bước sang tuần thứ 2, mọi chuyện trở nên dễ thở hơn, khi các con dần hòa nhập được môi trường ở quê với ông bà, trẻ con hàng xóm, không còn quấy khóc đòi bố mẹ, tâm lý ổn hơn.
Nhưng một điều không ngờ là tình hình dịch tại TPHCM và các tỉnh phía Nam diễn biến căng thẳng. Sau đó Hà Nội thực hiện giãn cách toàn thành phố trong hai tháng khiến mọi tính toán đảo lộn.
"Chúng tôi không thể về chơi với con dù hàng tháng trời xa cách. Để con hòa nhập cuộc sống và không hổng kiến thức, hằng ngày, ông bà vẫn đưa cháu đến trường mầm non trong xã để học. Tối đến, hai vợ chồng đi làm về là gọi Zalo, Facebook gặp con, hôm nào cũng vậy, thành thói quen trong thời dịch", anh Hạnh kể.
Theo anh Hạnh, Hà Nội trong hai tháng giãn cách toàn thành phố, không khí ngột ngạt vô cùng, nhất là đối với gia đình đang để con ở quê. Hai vợ chồng anh chỉ gặp con trên Zalo, điện thoại. Bọn trẻ dần quen với cuộc sống xa bố mẹ nhưng những người làm cha, làm mẹ thì khó quen nổi, lúc nào cũng đau đáu về con.
Sau hai tháng giãn cách, hai vợ chồng mới được gặp con và định đón ngay hai con cùng bà lên trên Hà Nội để phụ giúp công việc chăm bọn trẻ. Nhưng suy đi tính lại, để lại ông ở quê, trong khi tình hình dịch bệnh vẫn chưa biết thế nào. Hơn nữa, bọn trẻ lên Hà Nội cũng chưa được đi học, vẫn chỉ ở nhà, trong khi ở quê, điều kiện trường lớp khá tốt, các con đang quen với bạn bè, môi trường sau 4-5 tháng ở tại đây.
Anh Hạnh kể, sau Tết, sau khi suy đi, tính lại, hai vợ chồng vẫn quyết định để con ở lại quê, lên Hà Nội đi làm, mong tình hình dịch được khống chế, trường mầm non mở cửa trở lại mới đưa con lên học.
"Hai ba lần Hà Nội mở cửa trường học, hai vợ chồng tính kế hoạch đón con lên nhưng rồi chỉ ít hôm lại đóng vì dịch bùng lên. Đến giờ này, gia đình tôi xác định sẽ cho con học tại quê đến khi nào khai giảng năm học mới hoặc chí ít cũng đến hết năm mới đón lên Hà Nội, tùy vào điều kiện dịch bệnh", anh Hạnh cho hay.
Theo anh Hạnh, tình cảnh gia đình anh không phải chuyện hiếm tại Hà Nội bởi hiện có rất nhiều gia đình trẻ ở thành phố vì gánh nặng cơm áo, nhà cửa, bắt buộc phải gửi con về quê khi dịch bệnh khiến trường học đóng cửa cả năm trời.
"Tất nhiên là bố mẹ chẳng ai muốn xa con và các con cũng vậy. Tầm tuổi 2-3 tuổi, trẻ rất hay nóng, sốt, cần nhất bố mẹ giai đoạn này. Xa con ai cũng thương, cũng xót nhưng tôi thấy có nhiều người lao động đi làm ăn xa trong miền Nam còn gửi con ra ngoài này cho ông bà chăm mấy năm trời vẫn được đó thôi. Chúng tôi lấy đó làm động lực, để suy nghĩ lạc quan, tự thấy bọn trẻ vẫn vui vẻ, tự lập khi không có bố mẹ bên cạnh", anh Hạnh cho hay.
"Đây có lẽ là hành trang, là khoảng thời gian đặc biệt với cả gia đình, không khác gì kỷ niệm thời chiến tranh, sơ tán của thế hệ cha anh chúng ta trước đây", anh Hạnh bày tỏ.