Đắk Nông:
Được duyệt hỗ trợ nhà, 2 năm vẫn chỉ... chờ, mơ ngày thoát cảnh dột nát
(Dân trí) - Huyện Đắk Glong (Đắk Nông) có nhiều người thuộc diện được hỗ trợ đất, nhà ở, đã được duyệt, cấp kinh phí thực hiện. Tuy nhiên, huyện nghèo đang gặp khó trong triển khai chính sách vì vướng quy hoạch.
2 năm chờ đợi, vẫn ở nhà dột nát
Gia đình anh K'Lim (ở bon Sa Diêng, xã Quảng Khê) được hỗ trợ đất và nhà ở. Trong điều kiện địa phương không có quỹ đất công để cấp, đôi vợ chồng người Mạ được bố mẹ cho một mảnh đất để làm nhà.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, nhiều hộ dân xã Quảng Khê (Đắk Glong) được hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà ở. Nhưng vì đất ở đang nằm trong khu vực được quy hoạch phát triển du lịch, nhiều hộ dân chưa thể giải quyết, khắc phục tình trạng nhà ở dột nát.
Cuộc sống của gia đình 4 người tưởng chừng sẽ có cơ hội đổi khác, nhưng éo le, phần đất bố mẹ cho lại nằm trong ranh phân khu chức năng phát triển du lịch.
Chính vì vậy, gia đình anh Lim không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Việc hỗ trợ xây nhà ở chưa thể thực hiện dù trường hợp của anh Lam đã được xét duyệt, bố trí kinh phí gần 2 năm qua.
Trong căn nhà được quây tạm bằng thân lồ ô đập dập, anh K'Lim chia sẻ, nhà này được dựng từ ngày vợ chồng ra ở riêng. Nhà đã xuống cấp, lại được dựng tạm bợ nên mùa mưa rất nhiều chỗ bị dột hoặc bị nước mưa từ bên ngoài hắt vào.
"Gia đình tôi rất khó khăn nên khi được nhà nước hỗ trợ kinh phí để xây nhà, vợ chồng, con cái rất phấn khởi. Mong mỏi lớn nhất hiện nay của chúng tôi là chính quyền địa phương sớm giải quyết, giúp chúng tôi sớm được xây nhà", anh K'Lim nói.
Cũng như gia đình anh K'Lim, gia đình bà H'Ốch (bon Sa Ú Dru, xã Quảng Khê) thuộc diện hộ nghèo, được hỗ trợ xây nhà ở.
Tuy nhiên phần đất dự định xây nhà cũng vướng ranh giới phân khu chức năng phát triển du lịch. Cả nhà 5 người của bà H'Ốch vẫn phải ở trong căn nhà gỗ đã xuống cấp.
Bà H'Ốch cho hay: "Tôi bị xơ gan cổ trướng nhưng khó khăn không có tiền để chữa bệnh. Căn nhà cũ này được dựng từ lâu nên nhiều tấm ván đã mục nát. Không còn nhiều thời gian nữa, tôi chỉ mong có cơ hội được vào ở trong căn nhà mới, trước khi bệnh tình trở nặng".
Nghịch lý có tiền nhưng không thể sử dụng
Huyện Đắk Glong hiện vẫn nằm trong danh sách huyện nghèo cả nước. Theo kết quả rà soát, cuối năm 2022, toàn huyện có 4.545 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 25,68%.
Thực hiện Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, năm 2022, huyện Đắk Glong có 40 hộ được hỗ trợ đất ở, 50 hộ được hỗ trợ xây nhà ở, 63 hộ được hỗ trợ đất sản xuất. Tổng kinh phí hỗ trợ để thực hiện 3 nội dung là hơn 5,3 tỷ đồng.
Kinh phí được duyệt vậy nhưng đến nay, các xã trên địa bàn huyện Đắk Glong vẫn đang trong quá trình triển khai, lập hồ sơ hỗ trợ và chưa giải ngân.
Tương tự, địa phương cũng có nguồn vốn giao cho năm 2023 là hơn 5,4 tỷ đồng để hỗ trợ đất ở cho 46 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 70 hộ và hỗ trợ đất sản xuất cho 17 hộ. Hiện UBND các xã vẫn đang rà soát các đối tượng thụ hưởng đủ điều kiện và chưa giải ngân.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trong việc triển khai chương trình là vướng quy hoạch phân khu phát triển du lịch và quy hoạch bô-xít.
Trong đó, các hộ được hỗ trợ đất ở, nhà ở trên địa bàn 2 xã Đắk P'lao, Đắk Som và một phần của xã Quảng Khê (huyện Đắk Glong) nằm trong ranh phân khu chức năng phát triển du lịch, không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Một số hộ được hỗ trợ đất ở, nhà ở trên địa bàn các xã Đắk Ha, Quảng Sơn (huyện Đắk Glong) nằm trong ranh giới vùng quy hoạch khoáng sản bô-xít nên chưa được xây dựng nhà.
Bà Hoàng Thị Mỵ, Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đắk Glong, cho biết để tháo gỡ khó khăn, nhiều giải pháp đang được huyện tập trung thực hiện.
"Huyện đã thành lập tổ giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Sau khi kiểm tra thực tế và làm việc với các địa phương, tổ sẽ tham mưu cho UBND huyện hướng giải quyết tách thửa cho các hộ đồng bào DTTS, nhằm triển khai kịp thời chương trình ý nghĩa, nhân văn của Nhà nước", bà Hoàng Thị Mỵ nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, cho biết quá trình triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, có nhiều nội dung hiện vướng mắc, liên quan đến vấn đề quy hoạch. Trong khi chờ các cấp có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn cụ thể, huyện đã triển khai một số biện pháp để bảo đảm lợi ích của người dân.
Tuy nhiên, lãnh đạo UBND huyện Đắk Glong cũng nêu thực tế, hiện huyện không có quỹ đất để giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất và nhà ở cho hộ dân.
"UBND huyện đã có chủ trương, làm việc với từng xã, trước tiên sẽ giải quyết vấn đề đất ở cho người dân. Đối với nội dung này, không có cách nào khác là vận động người thân (bố mẹ, anh em) cho, tặng lại đất. Sau khi có đất, UBND huyện sẽ kiến nghị các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện, xem xét để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất", ông Trần Nam Thuần nói.