Cựu chiến binh một chân, 35 năm đạp xe bán "món quà tuổi thơ"
(Dân trí) - Gần 35 năm qua, ông Lương đạp xe len lỏi khắp các con đường, ngõ xóm bán kẹo kéo mưu sinh. Hình ảnh "ông kẹo kéo" với tiếng chuông leng keng ấy như một phần ký ức tuổi thơ ngọt ngào của bao thế hệ.
Gần 35 năm mưu sinh bằng nghề kẹo kéo
Cựu chiến binh Phạm Văn Lương (SN 1964), trú tại xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình nhập ngũ năm 1982. Ít năm sau đó, ông xuất ngũ và làm việc tại một nông trường ở tỉnh Ninh Thuận và không may dẫm phải mìn, mất đi một chân khi đang tuổi thanh niên.
Sau khi mất một chân, ông Lương trở về quê hương và chọn nghề bán kẹo kéo, kem dạo ở cổng trường, chợ làng và gắn bó cho đến nay đã gần 35 năm.
Hằng ngày ông Lương khoác lên mình bộ quần áo lính cũ kỹ, ướt đẫm mồ hôi, đội mũ cối đạp xe từ nhà lên phố, rong ruổi dọc theo những tuyến đường, hàng quán để mời chào món kẹo kéo quen thuộc.
Hình ảnh "ông kẹo kéo" với tiếng chuông leng keng đã gợi lại ký ức tuổi thơ ngọt ngào của bao thế hệ người Quảng Bình.
"Tôi làm nghề kẹo kéo vừa mưu sinh, cũng muốn lưu giữ một loại kẹo thủ công, quen thuộc với nhiều người. Mặc dù giờ hàng quán nhiều, nhưng người ta vẫn thích ăn kẹo kéo của tôi. Hiện nay, mỗi ngày tôi bán được 4kg kẹo kéo, tính ra cũng lãi hơn 300.000 đồng", ông Lương tâm sự.
Đi lại khó khăn, vất vả nhưng ông Lương vẫn cố gắng gắn bó với nghề, nuôi 3 người con trai ăn học đàng hoàng và giờ ông vẫn tiếp tục bán kẹo kéo để chăm lo cho 2 đứa cháu nhỏ.
Theo ông Lương, nghề làm kẹo tạo nên tính kiên nhẫn và giúp ông tích lũy kinh nghiệm. Kẹo kéo thì nhiều người biết làm nhưng để cho kẹo ngọt, thơm, vị béo thì phải có bí quyết riêng.
"Làm kẹo kiểu thủ công này phải kiên nhẫn, không được vội ở công đoạn nào, vì như vậy sẽ hỏng. Muốn kẹo ngon phải biết cách nhồi, kéo nha, rồi rang lạc làm nhân. Tôi làm dần thành quen, nhắm mắt cũng biết kẹo đến độ nào", ông Lương tươi cười kể.
Leng keng "tiếng chuông ký ức"
Khách của ông đa dạng, già có, trẻ có, đàn ông, phụ nữ cũng nhiều. Người già mua kẹo để gợi nhớ ký ức một thời xưa cũ, trẻ em mua kẹo vì ngon ngọt, giá rẻ và vui khi thấy những thứ đồ dùng cũ kỹ của ông bán kẹo thường chỉ được nhìn trên tivi, sách báo.
"Bây giờ hầu như người bán hàng rong đều ghi âm tiếng rao rồi phát ra loa làm ồn ào phố xá, làng quê nhưng người đàn ông bán kẹo kéo ấy vẫn dùng chuông để rao theo cách riêng của mình. Tiếng chuông leng keng ấy, gợi nhớ quá khứ trong tôi, làm cho không gian phố xá ồn ào như lắng lại", ông Nguyễn Bình, một người dân Đồng Hới hồi ức.
Gần 35 năm đã trôi qua, kể từ lúc thanh kẹo chỉ mới giá 100, 200 đồng thì nay đã 10.000 đồng/cây. Nghề bán "món quà tuổi thơ" giúp ông Lương sống khỏe.
Ông Lương cho hay, buổi sáng ông sẽ dành thời gian làm kẹo, chiều bắt đầu đi bán kẹo kéo trên chiếc xe đạp cũ cho đến nửa đêm mới trở về nhà. Không chỉ ở trung tâm thành phố Ðồng Hới, mà hang cùng ngõ hẻm, cổng chợ, cổng trường nào ông Lương cũng tới, mỗi ngày chặng đường đi về hơn 60km.
Gần 35 năm đạp xe bán kẹo kéo, ông Lương cũng đã chứng kiến nhiều sự thay đổi của quê hương, của chính những người là khách hàng thân thiết. Có nơi chưa có đường thì nay đã thành phố xá sầm uất, lối đi cũ đầy đất đá nay đường rộng thênh thang. Nhiều cô, cậu học trò ngày xưa mua kẹo kéo của ông nay đã trưởng thành.
Giờ đây, khi con cái đã lớn có công việc ổn định, mưu sinh không còn là gánh nặng thì việc tiếp tục đạp xe bán kẹo trên từng con đường, góc phố thân thuộc, với ông Lương, đó là niềm vui, hạnh phúc.