1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Cười chảy nước mắt với "đại chiến" giữ tiền lì xì của trẻ

Tết đến trẻ thường có một khoản tiền lì xì. Sau Tết, nhiều cha mẹ đau đầu với việc quản lý tiền mừng tuổi của con, có những trường hợp 'cười chảy nước mắt' với cách con trẻ đòi giữ tiền lì xì.

Soạn giấy vay nợ, bản "cam kết không tiêu lì xì"

Lì xì đầu năm mới là truyền thống của người Việt với mong muốn con trẻ có sự may mắn. Thế nhưng thay vì những phong bao lì xì với tờ tiền lẻ mới cứng như ngày xưa thì ngày nay, mệnh giá tiền lì xì đã thay đổi rất nhiều. Bằng chứng là có nhiều trẻ mùa Tết được lì xì tới cả nửa triệu một lần. Tổng số tiền mừng tuổi của không ít trẻ có tới tiền triệu, chục triệu sau ngày Tết…

Với số tiền quá lớn này để trẻ tự do cầm, sử dụng theo ý muốn lại không phù hợp. Bởi vậy, phần đa các gia đình chọn cách để bố mẹ giữ tiền lì xì cho con. Nhiều trẻ sẽ đồng ý và đưa luôn cho bố mẹ giữ hộ hoặc là bỏ lợn để giữ số tiền này phục vụ các nhu cầu chính đáng.

Bên cạnh đó cũng có rất nhiều những câu chuyện 'cười chảy nước mắt' với cách con trẻ đòi giữ tiền lì xì sau Tết. Trên mạng xã hội những ngày này xuất hiện nhiều hình ảnh về các biên bản "giấy vay nợ" được soạn thảo bởi các em nhỏ cho bố mẹ. 

Bé gái B.M.N ở Hà Nội mới đây đã viết biên bản "Giấy biên nhận vay tiền" với cấu trúc và cách hành văn đầy mạch lạc, chuyên nghiệp để ghi lại việc đưa tiền lì xì cho bố vay. Lời lẽ và lập luận hết sức logic của cô bé khiến người nào đọc cũng phải "tâm phục khẩu phục" trước cách giữ tiền lì xì cẩn thận của mình. Nhiều người cho rằng con rất có tố chất của một luật sư tương lai...

Cười chảy nước mắt với đại chiến giữ tiền lì xì của trẻ - 1
Biên bản viết giấy biên nhận vay tiền của cô bé B.M.N đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Ảnh NV

Trước đó, câu chuyện của cậu bé Đ.H.V đã có một hành động đặc biệt khi đưa tiền lì xì cho mẹ giữ khiến cư dân mạng rần rần thán phục với biên bản "giấy vay nợ" được soạn thảo hết sức mạch lạc. Ngoài cách hành văn chuyên nghiệp, cậu bé khiến mọi người bất ngờ khi kê khai đầy đủ số tiền bằng cả số lẫn chữ, cũng như thời hạn hợp đồng một cách rõ ràng.

Cười chảy nước mắt với đại chiến giữ tiền lì xì của trẻ - 2
Biên bản cam kết "mẹ không được tiêu tiền lì xì" do một cậu bé lập.

Cư dân mạng cũng được phen cười ngặt nghẽo trước sự việc một cậu bé "chắc cú" làm hẳn một biên bản cam kết về việc giữ tiền lì xì của bố mẹ. Theo đó, mẹ không được tiêu tiền lì xì của cậu, nếu không sẽ phải đền gấp đôi số tiền lì xì đang có. Không những thế, cậu bé còn cẩn thận để mẹ kí vào biên bản cũng như có sự làm chứng của những người họ hàng ở trong gia đình.

Cách quản lý tiền mừng tuổi của con

Chuyên gia tâm lý Hồng Hương - thường trực Thư viện Lưu trú (Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam) cho rằng, việc để cho trẻ giữ số tiền lớn khi còn quá nhỏ, chưa biết quản lý tiền là điều không hề tốt. Trẻ có thể làm rơi, bị bắt nạt, tiêu tiền không đúng mục đích, thậm chí kẻ gian biết trẻ có tiền quá nhiều có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Tùy theo từng độ tuổi, khả năng nhận thức và mức độ quan tâm của con về tiền mà cha mẹ có những cách tiếp cận phù hợp trong việc sử dụng tiền lì xì sau Tết của trẻ. Cách cam kết "giữ hộ" cũng như "vay nợ" mà cha mẹ thỏa thuận cùng con khi sử dụng đồng tiền lì xì cũng là cách hay để trẻ có trách nhiệm và cho trẻ có cảm giác như mình đang sở hữu.

Điều quan trọng nhất, cha mẹ cần cho con trẻ hiểu thực sự ý nghĩa thực sự của đồng tiền. Tiền chỉ là một công cụ để phục phụ cuộc sống tốt hơn chứ không đặt giá trị đồng tiền lên tất cả. Tiền quan trọng với cuộc sống, song không phải cuộc sống chỉ xoay quanh tiền để tránh trẻ bị sai lệch nhận thức.

Những trẻ từ tiểu học trở lên mà số tiền chỉ vài trăm nghìn đồng thì có thể để trẻ vui với số tiền đó cho những mục đích tốt. Cha mẹ thay vì cấm đoán thì hướng dẫn con sử dụng hợp lí. Con trẻ rất thông minh, nếu được hướng dẫn cách phân bổ, sử dụng tiền lì xì đúng cách sẽ học được các kĩ năng quản lý tiền bạc đúng cách.

"Trẻ sẽ học được về chi tiêu tiết kiệm, chi tiêu hợp lý, biết đặt mục tiêu và có kế hoạch tiết kiệm để thực hiện các mục tiêu của mình. Điều quan trọng nhất là trẻ học được bài học về sự biết ơn, trân trọng giá trị của lao động hàm chứa trong mỗi bao lì xì… Hãy dạy con chia theo 6 chiếc hũ để kiểm soát thu chi hiệu quả mà nhiều triệu phú áp dụng là nhu cầu thiết yếu, giáo dục, hưởng thụ, cho đi, tự do tài chính và tiết kiệm dài hạn" - chuyên gia Hồng Hương chia sẻ.

Ngoài việc bố mẹ giữ hộ con dưới hình thức vay mượn như trên, cha mẹ cũng có thể giúp con mở một tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng, mua bảo hiểm cho con bằng tiền lì xì để giúp bảo toàn số tiền lì xì một cách kinh tế và phù hợp.

Theo Phương Thuận - Dân Việt