Công nhân bị giảm lương nửa năm, giờ sợ nhất thưởng Tết bằng... hiện vật
(Dân trí) - Thưởng Tết luôn là mối quan tâm đặc biệt của người lao động, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch đang diễn biến phức tạp, đời sống người lao động nhiều nơi khó khăn.
Mới lo đủ lương, chưa nghĩ đến chuyện thưởng Tết
Đại diện một doanh nghiệp tại Khu chế xuất Tân Thuận (TPHCM) cho PV Dân trí biết, doanh nghiệp gỗ của ông trải qua một năm lao đao vì dịch bệnh, mất đến hơn 60% đơn hàng và năng lực sản xuất suy giảm trên 70% do những tháng TPHCM và một số địa phương phía Nam giãn cách vì dịch bệnh.
Tính đến thời điểm này, doanh nghiệp mới ổn định lại sản xuất, chạy hoàn thiện đơn hàng giao cho khách.
"Chúng tôi chưa tính đến chuyện thưởng cho nhân viên, nhưng khẳng định một điều là dù ít, dù nhiều nhưng sẽ cố gắng có thưởng đối với những cống hiến nỗ lực của người lao động. Tuy nhiên, có thể sẽ không bằng mọi năm được và vấn đề này chúng tôi sẽ công khai, minh bạch đối với người lao động", đại diện doanh nghiệp tại TPHCM cho hay.
Thực tế, ảnh hưởng đại dịch tác động toàn diện đến nền kinh tế, trong đó các doanh nghiệp trong nước vốn mỏng, năng lực gia công hàng hóa là chủ yếu nên tác động sâu sắc hơn so với doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh.
Ông Phạm Ngọc Lâm, giám đốc một công ty sản xuất hạt nhựa xuất khẩu sang Trung Quốc tại Bắc Giang cho biết, ảnh hưởng của đại dịch làm đảo lộn đơn hàng xuất khẩu và hiện tại vẫn phải bù lỗ vì mất hợp đồng, đơn hàng và phải tạm ngừng sản xuất thời gian dài.
"Nói chúng tôi dựa vào dịch bệnh để cắt giảm thưởng tết cho người dân thì ác quá, nhưng thật tình mà nói lo được tiền trả lương, lo đơn hàng và đặc biệt lo an toàn sản xuất là đã yên tâm lắm rồi. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức có thể để thưởng Tết cho anh em", ông Lâm nói.
Không thưởng, không giữ được người lao động
Chia sẻ với phóng viên Dân trí về chế độ lương thưởng của doanh nghiệp tại TPHCM, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TPHCM cho biết: dù ít dù nhiều, doanh nghiệp tại TPHCM họ vẫn cố gắng để tưởng thưởng xứng đáng cho người lao động.
"Trải qua 6 tháng ảnh hưởng nặng nề của đại dịch nhưng tôi tiếp xúc với đại diện doanh nghiệp, họ đều nói sẽ duy trì thưởng cho anh em công nhân, dù mức thưởng này rất giới hạn vì hơn ai hết doanh nghiệp cũng đang rất khổ vì dịch", ông Bé cho biết.
Theo ông Bé, ngoài chi phí để phòng chống dịch bệnh ngốn khá nhiều tiền của doanh nghiệp, việc lao động bị cách ly, doanh nghiệp bị tạm ngừng hoạt động kéo dài ảnh hưởng lớn đến dòng tiền của doanh nghiệp.
Tại TPHCM, doanh nghiệp vẫn hoạt động khi mà có ca nhiễm, việc chấp nhận sống chung với dịch đặt doanh nghiệp vào tình trạng phòng dịch 100% và sẵn sàng cho phương án mất cả tổ máy, dây truyền nếu có F0 và có F1.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cho biết, các doanh nghiệp năm nay sẽ phải tăng hỗ trợ vé tàu xe cho người lao động về quê ăn Tết. Theo ông này, năm qua, hầu hết các doanh nghiệp phải trích quỹ công đoàn ra lo hỗ trợ anh em công nhân, tiền công đoàn cũng không còn. Chi phí cho công nhân về quê ăn Tết sẽ được bố trí bằng tiền doanh nghiệp hoặc theo cơ chế trong khu chế xuất, làm cùng chuỗi thì các doanh nghiệp lớn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, đưa công nhân về quê ăn tết.
Ông Bé tiết lộ: "Tình hình dịch bệnh căng thẳng, nghỉ kéo dài, năm nay dự kiến số lao động ăn tết tại nơi làm việc gia tăng. Doanh nghiệp tại TPHCM ngoài thưởng tết sẽ cố gắng làm sao để hỗ trợ cho anh em công nhân ăn tết vui vẻ, an toàn nhất có thể".
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Khu công nghiệp TPHCM cho rằng: "Dù khó khăn, nhưng doanh nghiệp muốn giữ người lao động thì phải có chế độ thưởng xứng đáng cho họ. Thị trường lao động hiện nay rất cạnh tranh, nếu không thưởng cho người lao động, doanh nghiệp sẽ mất lao động ngay. Còn chuyện thưởng bằng hiện vật, tôi nghĩ cái này không nên có vì rất không hay, cứ cho họ tiền, dù ít dù nhiều cũng được".
Về phương án chống dịch giai đoạn tới, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp khu công nghiệp TPHCM cho biết các khu công nghiệp có đông lao động, cần triển khai ngay các khu thu dung, điều trị bệnh nhân covid-19 trong khu công nghiệp.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM bày tỏ vui mừng vì Sở Y tế TPHCM vừa đồng ý cho triển khai khu thu dung điều trị F0 tại khu chế xuất Linh Trung 1, đây là nơi điều trị cho các bệnh nhân, cách ly các F1 của doanh nghiệp và làm độc lập so với các cơ sở bên ngoài, điều này giúp doanh nghiệp yên tâm duy trì vừa sản xuất, vừa chống dịch.
"Ngoài khu chế xuất Linh Trung 1 được lập khu thu dung điều trị F0, còn có nhiều khu khác như Khu công nghiệp Đông Nam Củ Chi cũng cần làm khu thu dung điều trị F0 như Linh Trung 1. Lý do là bởi khi có ca F0, chúng tôi thường phải liên hệ với trung tâm y tế bên ngoài, mất thời gian và không hiệu quả, các doanh nghiệp đều có các trạm ý tế, nơi sàng lọc rồi nên việc lập khu thu dung tại các khu công nghiệp lớn, đông lao động là cần thiết để chúng ta đi trước dịch bệnh một bước", ông Bé thiết tha đề nghị.