Con cái bỏ đi vì mùi hôi thối từ bãi rác, cụ ông sống lủi thủi tuổi già
(Dân trí) - Suốt 2 thập kỷ, những hộ dân sống gần khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc phải chịu đựng mùi hôi thối, nguồn nước bị ô nhiễm diễn ra mỗi ngày.
Gia đình 8 người sinh sống, nay chỉ còn 3 người
Bụi, ruồi, mùi hôi, nước bẩn, là những từ mà nhiều hộ dân, sống ở xã Thái Mỹ và xã Phước Hiệp (huyện Củ Chi, TPHCM), miêu tả về cuộc sống thường ngày của họ.
Người dân cho biết, mọi chuyện bắt đầu từ khi khu vực mà họ sinh sống được chọn làm khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc. Khu này có diện tích 687ha, bao gồm 2 nhà máy rác là Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty CP Vietstar.
Hơn 13h, ông T.V.D. (74 tuổi) ra khỏi nhà, đạp xe chở theo một quầy chuối xanh mà ông mới hái. Nhìn về phía căn nhà rộng rãi của mình, ông D. chợt cười chua chát khi bây giờ chỉ còn ông và 2 người con trai sinh sống.
Nhiều năm qua, ông không còn được nghe tiếng cười, nói của con dâu, cháu nội nữa. Mùi hôi thối, bầu không khí độc hại và nguồn nước ô nhiễm đã khiến gia đình ông từ 8 thành viên sinh sống, nay chỉ còn 3 người.
"Hôi quá, tụi nhỏ đâu có chịu sống ở đây. Tôi còn 2 người con trai sống cùng nhưng cũng đi làm thường xuyên, tối mới về", ông D. nói.
Nhà ông D. nằm sát Kênh 18 (xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TPHCM). Từ nhà, ông D. có thể thấy được "núi" rác cao của khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc.
"Hầu như ngày nào cũng hôi. Hễ có gió thổi từ hướng bãi rác về đây, chúng tôi sẽ ngửi được mùi. Ở tuổi này, tôi còn phải ráng chịu đựng, chứ con cháu tôi không chịu được, đi nơi khác sống rồi", ông D. bộc bạch.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, khu vực ngay phía sau bãi rác - dọc Kênh 18 (xã Thái Mỹ) - là một trong những nơi hứng chịu nhiều mùi hôi nhiều nhất nhất.
Nằm trên võng, bà H. (71 tuổi) cố nghỉ trưa khi mùi hôi ở bãi rác sộc thẳng vào mũi. Dù đã quen với cảnh này, hai vợ chồng bà cũng không tránh được cơn hắt xì, ho sặc sụa và những căn bệnh về hô hấp.
Trong khi đó, ông Y, chồng bà, ngồi lặng lẽ phía sau nhà, thỉnh thoảng nói nửa đùa, nửa thật: "Gió lên là hôi. Ngày nào cũng hôi. Ngửi riết không cần ăn cơm luôn!".
Hằng ngày, căn nhà này chỉ có hai ông bà lủi thủi, thay nhau trông đàn bò, gà. Thỉnh thoảng, một người con trai ruột cũng ghé thăm, nhưng cũng đi vội vì không chịu được mùi hôi thối.
Không khí ô nhiễm, con cháu của ông bà Y. cũng không mặn mà ở đây mà chỉ thuyết phục ba mẹ bỏ nơi này đến khu vực khác ở cùng con cháu.
Con kênh trong vắt chuyển dần sang đen
Từ nhà bà H., bạn bè, họ hàng đến chơi có thể thấy rõ "núi" rác cách đó chưa đầy 50m, được che phủ bằng những tấm bạt HDPE. Con nước chảy từ kênh chạy quanh nhà có màu đen sì, hôi thối và chẳng có một con vật nào sống nổi bên dưới.
Ông Y. cho hay vợ chồng ông có nuôi đàn bò và gà ngay tại căn nhà này. Trước đây, quanh nhà là những bãi cỏ xanh ngắt nên ông thường đến đó để cắt cỏ, cho bò ăn.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, những con bò sẽ không ăn cỏ của các nơi "hứng" gió thổi từ bãi rác. Vì vậy, ông Y. phải mất nhiều thời gian hơn để đi tìm những bãi cỏ "trên gió" hoặc bỏ thêm tiền mua rơm, rạ cho đàn bò.
Tốn thêm khoản phí ấy trong lúc tình hình kinh doanh khó khăn, vợ chồng ông Y. ngày nào cũng rầu rĩ.
Ông D.V.L. chia sẻ rằng mình đã sống tại đây hàng chục năm về trước. Thời chưa có bãi rác, nước kênh trong vắt. Người dân còn dùng nước kênh để nấu ăn, giặt giũ, thậm chí trẻ em còn bơi lội dưới kênh.
"Giờ thì không còn hình ảnh đó nữa đâu. Chúng tôi không dám dùng nước dưới kênh vì biết nó có hại cho con người. Nhiều người phải mưu sinh bằng nghề mò ốc, bắt cua thì mới bắt buộc ngâm mình dưới kênh, chịu cảnh ngứa ran khắp người", ông L. nói.
Vì vậy, nước sạch trong sinh hoạt là điều quý giá của gia đình ông L. và nhiều hộ dân quanh đây. Để có nước dùng, ông L. sẽ bơm từ giếng khoan. Nhưng nước này thường có mùi lạ, dính phèn nên ông còn phải mất thời gian làm lắng, lọc thủ công rất vất vả.
"Có người đến nhà chúng tôi đem mẫu nước đi xét nghiệm, kiểm định gì đó nhưng chẳng có một lời thông báo nào là nước ấy có an toàn hay không, chúng tôi có nên sử dụng hay không. Giờ chỉ biết nhắm mắt mà dùng, tới đâu hay tới đó", ông L. bức xúc.
Theo "khảo sát về tác động mùi hôi từ khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc" của UBND huyện Củ Chi, có đến 244 hộ dân bị ảnh hưởng từ mùi hôi thối của rác thải, đất đai bị ô nhiễm,…
Mặc dù chỉ có xã Thái Mỹ và Phước Hiệp là 2 địa phương bao quanh khu vực xử lý rác, nhưng lại có đến 7 xã, thị trấn Củ Chi (huyện Củ Chi) ghi nhận có hộ dân bị ảnh hưởng bởi mùi hôi, đất đai ô nhiễm, nước sinh hoạt.
Mới đây, Sở TN&MT TPHCM cho hay, dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư và trồng cây xanh cách ly giai đoạn 2 thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi) được UBND thành phố chấp thuận chủ trương từ năm 2009. Sau nhiều năm, dự án này vẫn chưa thể thực hiện để cải thiện môi trường tại khu vực này.
Trong năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức kiểm tra và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa. Hiện nay, Sở TN&MT đang phối hợp kiểm tra các biện pháp khắc phục vi phạm của 2 đơn vị này.
Trước đó, tháng 8/2019, người dân huyện Củ Chi vui mừng dự lễ khởi công dự án nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên của TPHCM tại khu đất của Công ty cổ phần Vietstar (Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc). Ngay sau đó, dự án đốt rác phát điện thứ 2 của Công ty Tâm Sinh Nghĩa tiếp tục khởi công.
Thế nhưng, sau gần 5 năm, 2 nhà máy đốt rác phát điện tại khu vực này vẫn nằm im trên giấy. Phần lớn rác thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc vẫn áp dụng hình thức xử lý rác đã lạc hậu.
Cũng tại khu vực này, dự án vành đai cây xanh cách ly để bảo vệ người dân khỏi những cực hình về mùi hôi, nguồn nước ô nhiễm cũng chưa định ngày hoàn thành sau khi được phê duyệt hơn 20 năm. Người dân đã nhiều lần phản ánh lên các cơ quan chức năng nhưng sự việc chưa được giải quyết.