Chuyện của những lọn tóc buộc chun vàng…
Ngày 15-2-2022 là một ngày đặc biệt của cô bé Hoàng Phương Chinh, 11 tuổi, học sinh Trường Tiểu học Thắng Quân (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang), khi cô bé quyết định cắt đi mái tóc dài óng mượt...
...Rồi cô bé tự tay buộc lọn tóc dài ấy lại bằng sợi dây thun vàng.
Cô bé viết từng dòng thư, nét chữ nắn nót, đẹp đẽ: "Em đã được nghe mẹ kể về các bạn nhỏ không may mắn bị ung thư rất tự ti khi bị rụng đi mái tóc đẹp. Nên em quyết định cắt đi một phần mái tóc của mình, đóng góp vào thư viện tóc để chia sẻ với các bạn". Cô bé cẩn thận cho tóc và lá thư vào bì thư, gửi tới Thư viện tóc hiến tặng cho bệnh nhân ung thư. Từ hôm đó, ngày nào cô bé cũng hỏi mẹ rằng, các bạn đã nhận được tóc của con chưa…
"Tích tóc" tặng những "chiến binh K"
Mái tóc ấy, cô bé Chinh đã nuôi vài năm và nhất định không cho mẹ cắt. Nhưng mới đây, khi chị Trần Thị Định (33 tuổi) tâm sự cùng con: "Con này, nhiều người bị bệnh ung thư khi điều trị hóa chất bị rụng hết tóc, trông xấu xí vô cùng. Tóc con đẹp và dài, hay là con cắt tóc tặng cho họ?".
Thật bất ngờ, cô bé Chinh gật đầu thỏ thẻ: "Con yêu mái tóc của con lắm. Nếu cắt mà bỏ đi thì phí. Nhưng nếu tặng cho người bệnh thì con sẽ cắt. Sau khi tặng họ, mái tóc của con sẽ dài nhanh hơn". Chinh ấp ủ kế hoạch sẽ tiếp tục nuôi tóc dài, và sẽ tiếp tục cắt để tặng lại cho những bạn nhỏ bị bệnh. Ông bà nội Chinh quý cháu, trước đây không cho Chinh cắt tóc, nhưng khi biết cháu hiến tóc thì ông bà đã thay đổi. Ông bà vui khi mái tóc của cháu mình có ý nghĩa với người khác.
Ngày 6-1-2-2022, hai chàng trai ở thành phố Hồ Chí Minh đã tự nguyện cắt mái tóc dài để hiến tặng cho Thư viện tóc thuộc Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV). "Thân gửi BCVN. Đây là toàn bộ số tóc mà mình và bạn mình đã cùng nhau nuôi dưỡng trong bốn năm. Hy vọng chúng sẽ được sử dụng nhiều nhất có thể để giúp đỡ những người khác. Chúc những điều tốt lành sẽ đến với mọi người. Mọi sự nỗ lực đều sẽ được đền đáp xứng đáng. Cố lên nhé! Trân trọng. Lý Phúc Thịnh và Nguyễn Tấn Tài". Họ là hai người bạn thân, Tài sinh năm 1993, Thịnh kém Tài 5 tuổi. Họ đã mất bốn năm để nuôi mái tóc dài suôn mượt và có độ dài đúng chuẩn. Sau khi cắt, tết buộc gọn gàng, độ dài tóc hiến của hai người đều khoảng 30cm.
Từ lâu, cả hai đều thích để tóc dài, nhưng đó chỉ là sở thích cá nhân thuần túy. Đợt dịch bệnh COVID-19 thứ 4 bùng phát tại TP. Hồ Chí Minh, chứng kiến những mất mát vì dịch bệnh, những bệnh nhân ung thư lao đao trong vòng xoáy, họ thấy mình may mắn hơn rất nhiều người. Khi biết đến Thư viện tóc hiến tặng cho bệnh nhân ung thư, họ đã ấp ủ ý định cắt đi mái tóc.
Thịnh và Tài lại tiếp tục nuôi tóc dài, nhưng giờ đây đó không chỉ là việc làm thỏa mãn đam mê của cả hai, mà là kế hoạch "tích tóc" gửi tặng những "chiến binh K". Họ sẽ nâng niu, chăm sóc mái tóc của mình để vài năm nữa, đó sẽ là món quà đẹp nhất tặng những bệnh nhân mà họ không hề biết mặt biết tên.
Chuyện cảm động ở salon tóc
Một buổi chiều mưa, khi Hà Nội đang trong những ngày rét cắt da, tôi đến thăm một salon tóc ở quận Cầu Giấy và thấy ấm áp bởi câu chuyện về những người đến hiến tóc mà anh Huỳnh - chủ salon chia sẻ.
Một lần, có chị khách quen đến cắt tóc. Chị yêu cầu Huỳnh cắt mái tóc dài một cách cẩn thận, bởi mái tóc đó chị sẽ gửi đi hiến tặng bệnh nhân ung thư. Huỳnh nghe và bị hút vào câu chuyện đó, liền tìm hiểu về Thư viện tóc. Đó là cơ duyên để anh đăng ký tham gia vào "Mạng lưới salon tóc hồng" - gồm các salon chuyên thu nhận tóc, xử lý tóc ban đầu gửi cho Thư viện tóc thuộc Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam.
Sau 5 tháng tham gia mạng lưới, Huỳnh vui vì đã có 40 người đến hiến tóc và tin tưởng trao tóc cho Huỳnh để anh thay mặt gửi đi. Những món quà quý đó, Huỳnh sẽ tự tay buộc lại cẩn thận bằng những sợi dây thun vàng theo quy định, kèm theo thông tin cụ thể của người hiến tóc. Cứ nửa tháng, Huỳnh lại gom những lọn tóc lại, bỏ vào bì thư, gửi đến Thư viện tóc ở số 6 Lê Văn Miến, phường Thảo Điền, quận 2, TP. Hồ Chí Minh.
Huỳnh vẫn nhiệt thành lan tỏa phong trào "tích tóc" ý nghĩa này tới khách hàng. Nhiều người đến cắt tóc, khi nghe Huỳnh nói về việc hiến tóc, đã tham gia nhiệt tình, không phải một lần, mà là nhiều lần sau. Sau lần đầu hiến tóc, rất nhiều khách hàng của Huỳnh đã lên kế hoạch nuôi tóc vì người khác.
Dù mái tóc dài không phải là style của họ, nhưng họ vẫn "nhịn" cắt tóc, nói không với làm các kiểu đầu thời thượng để có được mái tóc dài đáp ứng đủ tiêu chuẩn của mái tóc hiến. Đối với tóc tự nhiên phải có chiều dài từ 25cm trở lên, với tóc đã qua xử lý hóa chất, phải có chiều dài 35cm trở lên. Với tóc xoăn, người hiến không cần duỗi lại, chỉ cần dùng tay kéo thẳng để đo. Tóc đã cắt phải đảm bảo lưu giữ không quá 2 năm, đồng thời cần được bó, tết thành bộ ngay ngắn.
Huỳnh kể, có lần một chị khách đến cắt tóc hiến. Để đủ độ dài của mái tóc hiến, chị sẽ phải cắt một mái tóc rất ngắn, sẽ không hợp với khuôn mặt chị, nếu không nói là xấu. Chính điều ấy khiến tay kéo của Huỳnh do dự, bởi anh luôn muốn khách hàng sẽ có kiểu đầu đẹp nhất. Chẳng ngờ, chị khách vẫn khăng khăng: "Không sao hết, em cứ cắt để đảm bảo đúng tiêu chuẩn tóc hiến, xấu đẹp với chị không quan trọng".
Thái độ của chị khách đã khiến Huỳnh ngỡ ngàng. Và anh không còn băn khoăn nữa, anh tập trung vào việc cắt phần tóc hiến đủ độ dài. Bởi lọn tóc ấy khi rời mái đầu này sẽ mang một sứ mệnh mới, sẽ phủ lên mái đầu trọc của người bệnh, khiến họ tự tin hơn. Biết đâu, mái tóc ấy sẽ khởi lên những hy vọng, ủ ấm những suy nghĩ chất chứa trong đầu họ.
Rồi lại có lần, một người đàn ông đến salon tóc với mái tóc túm gọn sau đầu. Anh ấy xõa tóc ra, mái tóc dài mượt mà, đen láy khiến Huỳnh ngỡ ngàng. Khi anh yêu cầu cắt cua, thì Huỳnh càng choáng. Lý do nào khiến anh muốn thay đổi hoàn toàn phong cách? "Mái tóc tôi nuôi vài năm nay, giờ đủ độ dài, nên tôi cắt để hiến tặng", lời anh nói làm Huỳnh thực sự xúc động. Càng xúc động hơn khi người đàn ông kể về hành trình nuôi tóc của mình.
Nhiều người bảo anh ta gàn dở, khác người với mái tóc buộc túm hoặc tết lại như phụ nữ. Ngoại hình đó không ít lần đã là nỗi phiền toái, ảnh hưởng tới giao tiếp, đến công việc hàng ngày của anh. Nhưng anh vẫn kiên định nuôi tóc, chỉ cắt khi đủ độ dài để hiến tặng. Và điều lạ lẫm hơn, sau khi cắt tóc, anh nói với Huỳnh: "Hẹn gặp cậu vài năm sau, khi tóc tôi đủ dài để tặng cho người khác".
Huỳnh bảo, từ khi gặp những người hiến tóc, anh thấy họ thực sự có một thần thái riêng, đó là sự tĩnh tại, bình thản. Từ khi cắt những mái tóc hiến tặng, Huỳnh có cách nghĩ khác về quan niệm "cái răng, cái tóc là góc con người". Bởi, có những người đã hy sinh một "góc con người" mình để làm đẹp cho một "góc con người" khác.
Với những bệnh nhân ung thư nghèo, tiền chữa bệnh đã là sự gắng gượng, thì việc bỏ tiền ra mua một bộ tóc giả là điều xa vời. Nhờ những người "tích tóc", đến nay, Mạng lưới BCNV đã kết nối và xây dựng được 9 thư viện tóc tại 9 bệnh viện trong cả nước. Những mái tóc giả làm từ tóc thật tặng miễn phí cho người bệnh sẽ giúp họ hòa nhập và tự tin hơn.
"Rồi tóc rụng. Cái đầu trọc lóc tố cáo rằng: Tôi đang bị ung thư. Da dẻ nhăn nheo, cháy xạm, khuôn mặt tiều tụy, hốc hác và mệt mỏi vô cùng. Ung thư vú không chỉ cắt ngắn cuộc đời của tôi mà còn đánh cắp 20 năm trải nghiệm đẹp đẽ nhất của đời người… bắt tôi chứng kiến nhiều tổn thương và mất mát của chính tôi…." -(Thương Sobey, người sáng lập Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam, khởi xướng dự án Thư viện tóc - hiến tóc cho bệnh nhân ung thư).
Theo Thái Hưng
Công an nhân dân