Chủ quán vượt nỗi sợ mở "bún treo", chạy xe tìm tặng người khó khăn

Tô Sa

(Dân trí) - Mỗi ngày, anh Hải Anh chạy xe máy khắp các tuyến phố nơi mình sinh sống, trao tặng "bún treo" tận tay người lao động, người bán hàng rong để "người nghèo no bụng, tiếp tục mưu sinh".

Tìm người khó để tặng "bún treo"

Cuối tháng 8/2024, anh Nguyễn Hải Anh (36 tuổi), chủ một quán bún riêu trên đường Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đặt tấm biển "bún treo" trước cửa.

Giống mô hình "phở treo" trước đó, "bún treo" là hình thức từ thiện bằng cách khách đến ăn bún và trả tiền thêm một hoặc nhiều bát bún khác với mức giá tùy tâm. Quán sẽ dành suất bún này cho những hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng.

Đây được xem là cách thức quyên góp, làm thiện nguyện gián tiếp, quán là cầu nối giữa người cho và người nhận.

"Để có lượng suất bún ổn định, quán tự treo 29 bát mỗi ngày, bằng doanh thu được trích từ doanh thu của quán. Các thực khách muốn phát tâm "treo" bún sẽ bắt đầu đánh từ số 30", anh Hải Anh nói.

Chủ quán vượt nỗi sợ mở "bún treo", đi xe đến tận nơi tặng người khó khăn (Video: NVCC).

Số lượng khách "treo" bún tùy ngày, có ngày một, hai suất, cũng có ngày đến 10 suất. Đặc biệt, số tiền khách gửi lại tùy tâm, có thể bằng giá một bát bún hoặc ít hơn, nhưng quán cam kết chuẩn bị phần ăn đầy đủ, chất lượng.

Trước đây, khi được khách hàng gợi ý làm "bún treo", anh Hải Anh đã lên mạng tìm hiểu mô hình "phở treo" trên phố Bảo Khánh (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm). Đây là quán ăn đầu tiên ở Hà Nội "treo" phần ăn tặng người có hoàn cảnh khó khăn.

"Trước đó được gợi ý nhưng tôi không dám làm vì sợ quá nhiều điều, sợ là người đầu tiên, sợ vì chưa ai làm, sợ bị hiểu nhầm là tham lam, không minh bạch. Nhưng sau đó tôi quyết tâm làm. Rồi đến khi "phở treo" xuất hiện, tôi mới nhận ra mình không hề cô đơn", anh Hải Anh nói.

Anh nói mô hình này hướng đến giúp đỡ bất kỳ ai, dù người giàu hay người nghèo, sinh viên, người lao động, miễn lúc đó họ cần một bát bún no bụng mà không cần lo về kinh tế.

Với anh, người khó khăn không phải là người nghèo khổ hay có vẻ ngoài tiều tụy cũ kỹ mà là bất cứ ai hỏi rằng: "Tôi có thể ăn "bún treo" ở đây không?". Anh đều trả lời: "Chắc chắn rồi, mời bạn!".

Chủ quán vượt nỗi sợ mở bún treo, chạy xe tìm tặng người khó khăn - 1

Anh Hải Anh mở mô hình "bún treo" từ cuối tháng 8/2024 (Ảnh: NVCC).

Hơn 5 tháng qua, những người đến ăn "bún treo" chủ yếu là người có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên. Anh nhận ra nhiều người muốn ăn "bún treo" nhưng cảm thấy ngại nên không vào quán.

Thấy vậy, mỗi ngày, anh sẵn sàng chạy xe máy khắp các tuyến phố nơi mình sinh sống, mang "bún treo" trao tận tay người lao động, người bán hàng rong để "họ no bụng tiếp tục mưu sinh".

"Tôi sẽ duy trì mô hình "bún treo" lâu dài, bởi bớt đi hay thêm vài bát bún cũng không thể giàu lên hay nghèo đi", anh nói.

"Cứ cần là giúp, trong khả năng của mình"

Anh Hải Anh từng kinh doanh vật liệu xây dựng, chuyển sang bán bún riêu từ năm 2018 sau khi học công thức nấu từ mẹ và một người mà anh gọi là thầy. Anh nói muốn làm nghề gì đó mà "sáng làm, chiều có tiền luôn" nên bén duyên với bún riêu từ đó.

Sau khi mở quán, anh dán tờ giấy "tặng bún cho người khó khăn" trước cửa, dự định tặng 10 suất bún mỗi ngày cho người bán hàng rong, người có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, không ngày nào anh đạt chỉ tiêu, đa phần khách hàng đều từ chối do ngại.

Những ngày đầu mở quán, dù không đông khách, anh vẫn duy trì tặng bún, giúp đỡ mọi người "bởi đó là cái tâm của mình".

Chủ quán vượt nỗi sợ mở bún treo, chạy xe tìm tặng người khó khăn - 2

Anh Hải Anh duy trì nhiều hoạt động giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn từ quán bún riêu nhỏ của mình (Ảnh: Tô Sa).

Sau hai năm đóng quán do Covid-19, đến tháng 10/2022, anh Hải Anh dựng lại quán bún riêu, chuyển đến phố Nguyễn Văn Huyên.

Từ mảnh giấy dán trước quán, anh thay đổi, in hẳn tấm biển với dòng chữ: "Miễn phí bún riêu cho người khó khăn, người bán hàng rong, trẻ em cơ nhỡ, khiếm khuyết hàng ngày".

Cuối năm 2023, trong một lần tình cờ thấy người giao hàng đến lấy hàng lúc quá trưa, nghĩ người này chưa ăn gì, anh Hải Anh đã làm thêm một bát bún riêng mang đi gửi tặng.

"Ban đầu tôi chỉ vô tình làm việc này, xuất phát từ mong muốn cá nhân nhưng sau tôi nghĩ đây là việc đáng để làm. Thay vì chỉ treo biển và chờ người đến, tôi muốn giao tận tay những suất bún đến người cần", anh nói.

Có lần, một người đàn ông lớn tuổi, nghẹn ngào khi nhận suất bún từ anh Hải Anh. Ông nói "từ ngày chạy xe công nghệ đến giờ chưa từng được ai tặng quà, nên khi nhận suất bún đã vô cùng xúc động".

Hành động đẹp của chủ quán bún riêu được nhiều khách hàng ủng hộ. Có người đến trực tiếp gửi tiền để góp sức nhưng anh từ chối, một số người tha thiết lắm anh mới dám nhận.

Cũng có người đến ăn bún, đề nghị trả thêm tiền. Để tránh khách hàng cảm thấy ngại, anh làm thêm tấm biển: "1.000 đồng từ mỗi bán bún của bạn để giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Cảm ơn bạn rất nhiều".

Chủ quán vượt nỗi sợ mở bún treo, chạy xe tìm tặng người khó khăn - 3

Chủ quán tâm niệm "cứ có người cần là giúp, trong khả năng của mình" (Ảnh: Tô Sa).

Chủ quán bún riêu chia sẻ cảm nhận hạnh phúc vì điều nhận lại còn nhiều hơn những gì đã cho đi.

Đôi khi chỉ cần một câu nói cảm ơn cũng khiến anh ấm lòng, thôi thúc anh "còn bán quán là còn tặng bún cho người khó khăn", hi vọng lan tỏa điều tốt đẹp đến cộng đồng.

"Các bạn trẻ thường nói "đợi đến lúc giàu sẽ giúp đỡ người khó khăn". Nhưng tôi quan niệm cứ có người cần là giúp, trong khả năng của mình. Muốn giúp ai cứ giúp, đừng chần chừ, đừng hoài nghi", anh bộc bạch.