Cho con lao động sớm để dạy cách trân trọng đồng tiền, ai ngờ kết quả khôn lường
Cậu bé được bố mẹ đưa đến nhà máy làm việc với mong muốn giúp con biết quý trọng tiền bạc, chi tiêu hợp lý không ngờ lại mang đến một kết quả không như mong đợi.
Ông bố họ Cam ở Thành Đô, Tứ Xuyên (Trung Quốc) vì muốn dạy con trai 6 tuổi biết quý trọng đồng tiền nên đã đưa Đậu Đậu đến nhà máy của gia đình làm việc và trả lương như một công nhân bình thường.
Nguyên nhân của việc này là do vợ chồng ông Cam rút kinh nghiệm từ việc cô con gái đầu có thói quen chi tiêu hoang phí vì gia đình khá giả. Số tiền tiêu vặt mỗi năm của cô bé lên đến 400.000 - 500.000 NDT (khoảng 1,4 - 1,8 tỷ đồng).
Vốn gia đình ông Cam sở hữu hai nhà máy nên việc này cũng không phải là điều khó khăn gì. Nhưng không muốn Đậu Đậu đi theo con đường của cô chị nên cặp vợ chồng thống nhất là phải dạy con trai biết chi tiêu hợp lý từ nhỏ.
Nói là làm, từ khi Đậu Đậu lên 2 tuổi, ông bố đại gia này chỉ cho con trai mua 1 món đồ mỗi tuần. Đặc biệt, món đồ này phải có giá trị không quá 30 NDT (khoảng 106.000 đồng).
Vào năm Đậu Đậu 6 tuổi, cậu bé được cha mẹ đưa đến nhà máy để làm việc và được trả tiền công như nhiều công nhân khác. Sau hơn 10 ngày, cậu bé đã tự mình kiếm được hàng chục NDT.
Chi tiêu một phần số tiền đó, Đậu Đậu còn giữ lại được 45 NDT (khoảng 160.000 đồng). Ông bố nghĩ những ngày làm việc này sẽ giúp con trai ý thức được giá trị, biết trận trọng đồng tiền, từ đó chi tiêu hợp lý.
Thế nhưng kết quả ông mong đợi không đến, mà lại mang đến một kết cục không thể ngờ. Cậu bé Đậu Đậu sau khi đi làm luôn cho rằng mọi thứ xung quanh quá đắt đỏ nên tiêu tiền tiết kiệm hết mức.
Cậu bé không dám chi tiền để mua bất cứ thứ gì, ngay cả khi đó chỉ là một cây kẹo mút 5 xu. Thậm chí cậu còn ngăn mẹ đi làm tóc với lý do bỏ ra mấy trăm NDT để uốn tóc là "quá xa xỉ".
"Trước đây, con trai tôi chỉ tính toán chi li với bản thân. Bây giờ, nó cản người khác dùng tiền luôn rồi", ông Cam nói, giọng ngậm ngùi.
Bất lực không biết phải uốn nắn lại hai con về cách tiêu tiền như thế nào, vợ chồng ông Cam đành tìm sự hỗ trợ của các cá nhân và tổ chức bên ngoài.
Cha mẹ nên dạy con 6 bài học về tiền bạc từ sớm:
Tiền không tự nhiên mà có
Cha mẹ cần sớm cho trẻ hiểu rằng mọi thứ chúng ta được hưởng đều phải đánh đổi bằng sức lao động và sự cố gắng.
Điều này không có nghĩa bạn nên trả tiền để con làm việc nhà vì đây là những việc trẻ phải làm ngay cả khi không được thưởng bất kỳ khoản tiền nào. Nhưng cha mẹ có thể khuyến khích con học cách thiết lập bán hàng, thanh lý đồ cũ hoặc làm cỏ trong sân vườn hàng xóm khi đủ lớn.
Cân nhắc giữa thứ cần và mong muốn
Trẻ khó xác định được mục tiêu rõ ràng của bản thân. Thông thường, trẻ sẽ phí tiền vào thứ "bỗng dưng thích" nhưng lại rất nhanh chán. Cha mẹ nên dành thời gian lên danh sách, nói chuyện nhẹ nhàng để tìm hiểu lý do món đồ trẻ muốn mua.
Điều này giúp trẻ nhận thức rõ hơn về mục tiêu cá nhân, đồng thời tránh việc chi tiêu sai mục đích. Trẻ cần hiểu rằng những gì chúng ta cần luôn được ưu tiên hơn những gì mong muốn.
Sức mạnh của sự kiên nhẫn
Cha mẹ hãy đặt ra một quy tắc như sau: "Cứ 10 đồng kiếm được, hãy tiết kiệm ít nhất 1 đồng". Người lớn có thể mua cho trẻ 3 ống heo đất/lọ và dán 3 nhãn: "tiết kiệm", "chi tiêu" và "cho đi".
Phụ huynh đừng ép con bỏ tiền vào ống "cho đi" mà hãy dạy con rằng còn rất nhiều người nghèo hơn chúng ta, nên chia sẻ một chút mới thực sự có ý nghĩa. Cha mẹ hãy xem xét số tiền trẻ chi tiêu mỗi tháng và khen ngợi sự kiên nhẫn của con.
Đừng tiêu tiền ngay khi vừa có
Theo tạp chí Parent, dạy trẻ kiên nhẫn đi đôi với việc kiềm chế ham muốn mua sắm. Trước khi đi mua sắm, người lớn dạy trẻ tạo một ngân sách, liệt kê những gì sẽ mua, cửa hàng sẽ đến và phạm vi giá cho từng sản phẩm.
Với những mặt hàng giá trị lớn hơn, trẻ tham khảo và so sánh giá của chúng trên mạng. Trẻ sẽ học được thói quen lập kế hoạch mua hàng trước khi đi mua sắm.
Không thể có mọi thứ
Ai cũng muốn sở hữu những món đồ xa xỉ để phục vụ bản thân. Tuy nhiên, điều đó cũng khiến bạn rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính.
Cha mẹ chỉ nên đưa cho trẻ một khoản tiền nhất định, đưa con đến cửa hàng đồ chơi, cho phép mua bất cứ thứ gì chúng muốn, miễn là trong số tiền cho phép.
Lưu lại các khoản chi
Việc đơn giản như biết tiền của mình đã đi đâu là bước tiến lớn trong kỹ năng quản lý tiền của trẻ. Cha mẹ có thể dạy trẻ sử dụng sổ ghi chép hoặc lưu vào máy tính các khoản chi, tạo một nơi để trẻ có thể lưu trữ các biên lai và hóa đơn.