Bài toán nghiệt ngã cho những phận người
Đầu tháng 6/2023, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) tuyên bố ngừng hoạt động tại khu vực Dải Gaza. Tiếp đó, ngày 17/6, Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen một lần nữa bị đặt trước nguy cơ đổ vỡ...
Những bài toán hóc búa liên tiếp được đặt ra, trong bối cảnh sức ép từ những điểm nóng nhân đạo toàn cầu mỗi lúc một trở nên gắt gao. Thế nhưng, dường như mọi lời giải đều không nằm trong tay WFP.
Lực bất tòng tâm
Theo thông báo chính thức của WFP ngày 13/6, tại Syria đã hiện hữu "một cuộc khủng hoảng tài trợ chưa từng có". Do vậy, WFP bắt buộc phải cắt giảm hỗ trợ cho 2,5 triệu người, trong số 5,5 triệu người đang cần và được hỗ trợ lương thực.
Sau khi cân nhắc các lựa chọn, WFP đã quyết định ưu tiên viện trợ cho 3 triệu người Syria không thể sống qua tuần nếu không có hỗ trợ lương thực. Nếu tiếp tục cung cấp cho toàn bộ 5,5 triệu người, WFP sẽ cạn kiệt hoàn toàn lương thực vào tháng 10 tới. Theo đại diện của WFP tại Syria - ông Kenn Crossley, không thể tiếp tục cắt giảm khẩu phần viện trợ, vì vậy, giải pháp duy nhất là giảm số người nhận viện trợ.
Điều đáng chú ý là thông báo này được đưa ra trước thềm Hội nghị Liên minh châu Âu (EU) về "Hỗ trợ tương lai dành cho Syria và khu vực", như một nỗ lực "kêu cứu" tuyệt vọng, khi thu nhập trung bình hằng tháng hộ gia đình ở Syria hiện chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu lương thực của họ.
Trước đó, ngày 2/6, ở Dải Gaza và Bờ Tây, sự lo ngại về nguy cơ xảy ra khủng hoảng nhân đạo tại đây ngày càng gia tăng, sau khi Liên hợp quốc thông báo hoạt động của WFP ở vùng lãnh thổ này sẽ phải dừng lại.
Lực lượng kiểm soát Dải Gaza là Hamas cũng như chính quyền Palestine (PA) đang quản lý Bờ Tây thống thiết kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ để WFP có thể tiếp tục hoạt động, với khoản kinh phí hằng năm khoảng 200 triệu USD. Cả Hamas lẫn PA đều không có khả năng "cáng đáng" ngân sách ấy, và theo giới chuyên môn, đến cả viện trợ của Qatar, cung cấp 100 USD/tháng cho hàng chục nghìn gia đình ở Gaza, cũng sẽ không thể thay thế chương trình WFP
Một quan chức của Hamas cảnh báo: Khoảng 200.000 người dân tại đây sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, chưa tính hàng chục nghìn người khác bị ảnh hưởng gián tiếp. Còn theo khảo sát do Tổ chức Al-Mezan có trụ sở tại Gaza thực hiện, sau cuộc xung đột vũ trang mới nhất với Israel hồi tháng trước, 64% số hộ gia đình ở Dải Gaza đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực và 40% thiếu lương thực nghiêm trọng.
Tất cả trông đợi vào WFP, bởi câu chuyện không chỉ là tiền tài trợ, mà còn là chuyện "mua lương thực ở đâu để viện trợ?", khi nền an ninh lương thực của toàn thế giới đang chao đảo, bởi hệ lụy của những biến động địa chính trị, đặc biệt là diễn biến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine suốt 16 tháng qua.
Thế nhưng, trong tuyên bố ngày 17/6, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov làm rõ: Nga không có lý do gì để gia hạn thỏa thuận vận chuyển ngũ cốc ở Biển Đen, hay còn có tên chính thức là Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. "Trên thực tế, thỏa thuận này không có triển vọng. Một phần của thỏa thuận đã được thực hiện, trong khi phần liên quan tới cam kết đối với Nga thì chưa bao giờ được thực hiện. Khó có thể dự đoán bất kỳ quyết định cuối cùng nào ở đây. Chúng tôi chỉ có thể nói rằng: Đánh giá thực tế bằng những gì chúng tôi có thì thỏa thuận này không có cơ hội gia hạn" (theo hãng tin Sputnik).
Cùng ngày, trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo châu Phi, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nhấn mạnh: Việc cung cấp ngũ cốc của Ukraine cho thị trường thế giới không giải quyết được vấn đề thiếu hụt lương thực của các nước châu Phi, khi chỉ có 3,1% lô hàng ngũ cốc của Ukraine thông qua thỏa thuận là đến được châu Phi. Mà tại Lục địa Đen, WFP cũng đang có rất nhiều việc phải làm, ở những cuộc khủng hoảng nhân đạo đang hiện hữu ngày một rõ nét và kinh hoàng hơn, tại các quốc gia đang có xung đột, hay bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, như Sudan hay khu vực Đông Phi - nơi hạn hán đang ảnh hưởng đến khoảng 22 triệu người.
Cơ chế nào cho lòng nhân ái?
WFP là một tổ chức quan trọng thuộc Liên hợp quốc, được thành lập bởi Đại hội đồng Tổ chức Nông nghiệp và Liên hợp quốc. Vai trò và ý nghĩa của Chương trình Lương thực thế giới là vô cùng quan trọng đối với các quốc gia trong việc cung cấp và viện trợ lương thực, đặc biệt là những quốc gia kém phát triển và gặp khó khăn do thiên tai và dịch bệnh. Được thành lập vào năm 1961, WFP là tổ chức lớn nhất trong hệ thống Liên hợp quốc về lĩnh vực lương thực và là đại diện chính thức của Liên hợp quốc trong việc cung cấp trợ giúp lương thực.
WFP hợp tác với các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và các nhà tài trợ để đảm bảo việc cung cấp lương thực hiệu quả. Đối tác và tài trợ cung cấp tài phải vật vã chống chọi với cả tình trạng khủng hoảng năng lượng lẫn các thách thức từ chi phí sinh hoạt tăng cao, lạm phát, suy thoái lẫn những tác động đến từ tiến trình biến đổi khí hậu toàn cầu..., mọi nguồn ngân sách đều trở nên eo hẹp, như một lẽ tất yếu.
Trong khi đó, những cuộc cạnh tranh quyền lực trên quỹ đạo tái định hình trật tự địa chính trị thế giới đang diễn ra càng lúc càng tạo thêm nhiều rào cản khó khăn cho các hoạt động cứu trợ.
Điển hình như câu chuyện về Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, không phải ngẫu nhiên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lập tức phải lên tiếng: "Tôi hy vọng rằng cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và các nhà lãnh đạo châu Phi sẽ đem đến kết quả tích cực liên quan đến Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, cũng như những nỗ lực mà chúng tôi đang thực hiện để hỗ trợ xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga (là vấn đề mà phía Nga "phàn nàn" rằng đang bị "gây khó dễ" bởi phương Tây)".
WFP đã vận chuyển hơn 625.000 tấn ngũ cốc cho các hoạt động viện trợ. Tuy nhiên, thực tế, với những điểm nóng khủng hoảng nhân đạo liên tiếp xuất hiện trên bản đồ thế giới, con số ấy vẫn chỉ như "muối bỏ bể".
Cũng có những khía cạnh khó có thể không nhắc tới: Từ ngày 2/3/2023 này, WFP tuyên bố bổ nhiệm bà Cindy McCain, 68 tuổi, đại diện thường trực của Mỹ tại các cơ quan Liên hợp quốc ở Rome, làm Giám đốc điều hành mới của WFP. Năm 2022, WFP nhận được tài trợ tổng cộng là 14 tỷ USD. Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất cho WFP, tiếp theo là Đức, Canada và Thụy Điển.
Bởi vậy, khi chính nước Mỹ cũng mới chỉ "thoát hiểm" trong "đường tơ kẽ tóc" khỏi nguy cơ vỡ nợ nhờ thỏa thuận chính trường chấp thuận nâng trần nợ công tạm thời (hiện tại đã chạm mức kỷ lục 32.000 tỷ USD), e rằng, thời kỳ tiếp theo sẽ còn gian nan gấp bội, đối với những người dân đang chống chọi nạn đói ở Bờ Tây, Dải Gaza hay vùng Sừng châu Phi, trong sự bất lực của WFP...