"Ba đầy học thức mà thốt ra lời thô thiển"
Ba cháu phát hiện hai đứa đi riêng với nhau vào chỗ "đèn mờ" liền lôi cháu về, hằn học đến lạc giọng: "Chúng mày đã ngủ với nhau chưa?"
Lời tâm sự của một nữ sinh lớp 12 ở Bình Dương khiến nhiều bậc phụ huynh bàng hoàng:
"Cháu yêu một bạn cùng trường, chững chạc, học giỏi, chơi thể thao giỏi. Chúng cháu vui lắm và quyết tâm nắm tay nhau vào đại học.
Hai hôm trước, ba cháu phát hiện hai đứa đi riêng với nhau vào chỗ "đèn mờ" liền lôi cháu về, hằn học đến lạc giọng: "Chúng mày đã ngủ với nhau chưa?". Thấy người cha đầy học thức thốt ra những lời thô thiển, cháu quá sốc, chỉ biết khóc. Bao nhiêu điều cần hướng dẫn con về tình yêu nam nữ, vậy mà ba chỉ chốt vào chuyện duy nhất: quan hệ tình dục!
Ba cháu hẹn cuối tuần này sẽ họp gia đình để nghe câu trả lời của cháu".
Nhiều cha mẹ Việt khi nổi giận thường "phang" vào mặt con cái những lời xúc phạm rất nặng nề, bất chấp cảm xúc của người nghe. Họ làm thế để hả cơn giận, để chứng tỏ quyền kiểm soát của mình, để "thuốc đắng dã tật" giúp con hiểu được lỗi lầm, để che giấu nỗi sợ hãi trong lòng…
Đúng là khi "xử án" những vụ con cái yêu đương lúc còn cắp sách đến trường, các bậc phụ huynh thường nói mấy câu khó nghe: "Nó đã làm gì con chưa?", "Hai đứa thường làm gì với nhau?", "Chúng mày đã xxx với nhau chưa?"… Những câu hỏi ấy vốn chẳng giải tỏa được thắc mắc của phụ huynh mà khả năng cao là câu trả lời sẽ không hoàn toàn đúng sự thật.
Nếu con nói "có", cha mẹ sẽ cảm thấy bị tổn thương, bắt đầu mắng mỏ, than vãn, cấm đoán.
Nếu câu trả lời là "không", chắc gì cha mẹ đã thở phào nhẹ nhõm hay vẫn nghi ngờ. Nếu đã dạy con từ nhỏ về những giá trị của tình yêu và hôn nhân thì khi hỏi con mình câu ấy, cha mẹ đã vô tình tự tay phá đổ những gì vun bồi trước đó.
Không phải ba cháu không biết những rung động đẹp đẽ của tình yêu đôi lứa, mà vì quá lo các cháu đang ở độ tuổi teen, chưa đủ khả năng tự lập, nếu có hành động bồng bột thì rất khó "sửa sai" nên đã chỉ chú ý đến chuyện ấy thôi.
Nhìn cái rào chắn trước đoạn đường ray sắp có xe lửa chạy qua mà xem, cháu có biết người nào cố tình "vượt rào" sẽ gặp tai nạn hoặc mất mạng không?
Có hiểu cho nỗi lòng của cha mẹ thì mới gỡ rối được, cháu ạ! Nên dẹp tự ái, bình tĩnh trình bày với cha mẹ cảm nhận của cháu. Đó cũng là cách để cha mẹ nhận ra cháu đã trưởng thành và có trách nhiệm với tình cảm, mục tiêu phấn đấu của mình. Nếu thấy khó quá, cháu có thể viết thư.
"Chúng mày đã ngủ với nhau chưa?" là câu hỏi mang đầy hàm ý buộc tội và quy trách nhiệm, chạm đến lòng tự trọng và phủ nhận mọi cố gắng "gìn vàng giữ ngọc" của con, nó:
* Cho thấy cha mẹ không biết quý trọng con và người con yêu quý. Ai cũng cần có bè bạn và các mối quan hệ khác. Người nào cũng có thế giới riêng. Bạn trai/gái là góc riêng tư của con, có những điều không chia sẻ được, dù có bị ép buộc.
* Câu chuyện tình cảm đã biến thành cuộc thẩm vấn/tra tấn bằng những ngôn từ đầy tính sát thương. Vết xước ngoài da ít hôm là lành nhưng vết cào trong lòng thì nhức buốt rất lâu. Sao lại đặt con vào tình huống khiến con cảm thấy mệt mỏi và khó xử như vậy?
* Cấy vào đầu óc con mình tư tưởng hễ cứ yêu ai là bị nghi ngờ "ngủ" với người ấy, thế là tình yêu trong sáng có nguy cơ chuyển sang… "trong tối". Con có thể sai khi chọn người yêu nhưng cách cha mẹ tra hỏi con chỉ làm cho vấn đề tệ hơn.
Tình yêu cũng như một hạt giống, cần phải ủ trong lòng đất, chăm bón vun trồng mới mong có ngày nảy mầm xanh.
Cháu phải cam kết với cha mẹ, với bạn trai, nhất là với chính mình: Càng yêu thì càng phải học tốt hơn, yêu văn minh không lén lút, trì hoãn việc quan hệ tình dục lần đầu đến khi nào hội đủ các điều kiện. Thường chỉ khi cha mẹ nhận thấy con cái đang bị tình cảm này chi phối, có nguy cơ dẫn đến những hậu quả xấu, dở dang việc học hành, đánh mất tương lai mới quyết liệt phản đối.
Chúc các cháu dần chứng minh được cho cha mẹ thấy mình có một tình yêu đẹp.
Bác sĩ hoa tiêu