Vụ bồi thường ông Nén 10 tỷ: Đề nghị cán bộ gây oan sai hoàn trả

(Dân trí) - Sau khi ngân sách nhà nước phải chi trên 10 tỷ đồng bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Bộ Tài chính đề nghị TAND Tối cao chỉ đạo cơ quan có liên quan xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ.

Ông Huỳnh Văn Nén (Ảnh: Trung Kiên)
Ông Huỳnh Văn Nén (Ảnh: Trung Kiên)

Trong văn bản gửi tới TAND Tối cao mới đây, ngoài việc thống nhất bổ sung dự toán năm 2017 của TAND Tối cao trên 10 tỷ đồng từ nguồn chi quản lý hành chính ngân sách Trung ương năm 2017 đã được Quốc hội phê duyệt để TAND tỉnh Bình Thuận bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén, Bộ Tài chính còn cho rằng TAND Tối cao có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan có trách nhiệm bồi thường xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 04/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn thực hiện trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ. TAND Tối cao có trách nhiệm đôn đốc thực hiện việc này và gửi báo cáo kết quả về Bộ Tài chính.

Tại buổi gặp gỡ gia đình ông Nén ngày 24/4 vừa qua, đại diện TAND tỉnh Bình Thuận khẳng định khi có tiền trong tài khoản của TAND tỉnh Bình Thuận, sẽ chuyển ngay vào tài khoản của người bị thiệt hại theo như quyết định bồi thường.

Theo Điều 6 Thông tư liên tịch số 04, ngay sau khi thực hiện xong việc chi trả tiền bồi thường, thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải ra Quyết định thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả để xác định trách nhiệm hoàn trả, mức hoàn trả đối với người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước và Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP.

Trường hợp để đánh giá, xác định mức độ lỗi của người có trách nhiệm hoàn trả làm căn cứ xác định mức hoàn trả, thì thành phần Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả phải có thành viên là chuyên gia pháp lý chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực công tác liên quan đến hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại.

Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả sẽ xác định lỗi của người thi hành công vụ trên cơ sở nội dung văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hoặc văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường theo quy định tại Điều 26 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước.

Trong trường hợp các văn bản chưa xác định lỗi của người thi hành công vụ thì Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ do đương sự cung cấp và các tình tiết của vụ việc để xác định lỗi của người có trách nhiệm hoàn trả trên cơ sở áp dụng quy định của pháp luật dân sự.

Về việc xác định lỗi của người có trách nhiệm hoàn trả được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín và theo nguyên tắc đa số trên tổng số thành viên Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả có mặt.

Trường hợp số phiếu biểu quyết là ngang nhau thì việc xác định lỗi của người thi hành công vụ sẽ do Chủ tịch Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả quyết định.

Điều 8 Thông tư liên tịch số 04 quy định chi tiết về mức hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, trường hợp số tiền bồi thường thực tế đã chi trả là dưới 100 triệu đồng thì mức hoàn trả được xác định tối thiểu là 3 tháng lương và tối đa không quá 12 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả.

Trường hợp số tiền bồi thường thực tế đã chi trả là từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì mức hoàn trả được xác định tối thiểu là 12 tháng lương và tối đa không quá 24 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả.

Trường hợp số tiền bồi thường thực tế đã chi trả là trên 500 triệu đồng thì mức hoàn trả được xác định tối thiểu là 24 tháng lương và tối đa không quá 36 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả.

Như Dân trí đã phản ánh, quyết định bồi thường của TAND tỉnh Bình Thuận là hơn 10 tỷ đồng, trong đó có 5,3 tỷ cho thiệt hại do tổn thất về tinh thần, 2,3 tỷ đồng tổn hại về sức khỏe, 1,2 tỷ đồng thu nhập thực tế bị mất và 1,2 tỷ đồng cho các thiệt hại khác.

“Người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén được biết đến là người mang hai án oan giết người - duy nhất trong ngành tố tụng Việt Nam. Vụ án oan chấn động xảy ra vào năm 1993, khi bà Dương Thị Mỹ (ngụ xã Tân Minh, Bình Thuận) được phát hiện bị giết tại một vườn điều thuộc xã Tân Minh. Sau đó, do không tìm ra thủ phạm nên vụ án đã được đình chỉ. Năm 1998 nơi này tiếp tục xảy ra vụ án bà Lê Thị Bông bị giết. Qua xác minh, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã bắt giam ông Huỳnh Văn Nén. Sau đó, ông Nén đã khai nhận mình và 9 người khác trong gia đình bên vợ đã giết bà Dương Thị Mỹ.

Vụ án Vườn điều được phục hồi điều tra sau đó. Tuy nhiên, sau nhiều năm không tìm được chứng cứ buộc tội, cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã phải đình chỉ vụ án và tiến hành xin lỗi công khai, bồi thường hơn 1,3 tỷ đồng cho 9 người. Riêng ông Nén vẫn bị giam và không được bồi thường vì bị kết án trong vụ giết bà Bông. Đến thời điểm được trả lại quyền công dân, ông Nén đã ngồi tù oan hơn 17 năm.

Thế Kha