Kiểm tra việc khắc phục sai phạm của EVN
(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ vừa công bố Quyết định kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo thực hiện Kết luận thanh tra của Thủ tướng Chính phủ tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Thông tin từ Thanh tra Chính phủ cho biết, Tổ kiểm tra sẽ kiểm tra EVN trong việc thực hiện Kết luận thanh tra số 2181/KL-TTCP ngày 30/9/2013 của Tổng Thanh tra Chính phủ về chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn EVN và ý kiến chỉ đạo thực hiện Kết luận thanh tra của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản 442/TB-VPCP ngày 9/12/2013 của Văn phòng Chính phủ. Tổ kiểm tra của Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm tra Tập đoàn EVN và các đơn vị có liên quan trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định.
Theo ông Ngô Văn Khánh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, đây là cuộc kiểm tra theo quy định, nhằm đánh giá việc thực hiện các nội dung của kết luận thanh tra cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời chỉ ra những việc đã làm được, chưa làm được của EVN trong thời gian qua.
Ông Khánh yêu cầu trong thời gian làm việc, Tổ kiểm tra cùng EVN cần có sự phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt nhiệm vụ; kết thúc kiểm tra có nhiệm vụ báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ những việc đã làm được, chưa làm được và những vấn đề còn vướng mắc của EVN để Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, kết luận thanh tra số 2181/KL-TTCP cho biết tính đến hết năm 2011, công ty mẹ EVN đã đầu tư vốn ra ngoài lên đến trên 121.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ gần 77.000 tỷ đồng. Việc EVN đầu tư ra ngoài vượt vốn điều lệ khoảng 45.000 tỷ đã vi phạm quy định của Bộ Tài chính. EVN cũng dành gần 2.000 tỷ đồng đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro như bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng nhưng vượt tỷ lệ góp vốn theo quy định.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ EVN đầu tư vào EVN Telecom gây mất vốn nhà nước hơn 2.400 tỷ đồng; sử dụng hơn 1,6 triệu USD và hơn 467 tỷ đồng để ký kết hợp đồng đào tạo thạc sĩ kinh doanh cho 164 cán bộ công nhân viên, nhưng đến nay bằng cấp đối tác cấp cho cán bộ của EVN chưa được cơ quan nhà nước của Việt Nam công nhận. Tại các đơn vị thành viên của EVN cũng phát hiện nhiều khoản thua lỗ nghiêm trọng. Trong đó, tính đến năm 2011, Tổng công ty truyền tải điện quốc gia (NPT) lỗ 3.145 tỷ đồng, Tổng công ty điện lực miền Nam lỗ hơn 1.200 tỷ đồng.
Kết thúc thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý tài chính gần 1.100 tỷ đồng và 1,648 triệu USD vi phạm…
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 10/2013, trả lời câu hỏi của báo chí về việc EVN không thừa nhận việc tính chi phí xây dựng biệt thự, bể bơi, sân golf, sân tennis… vào giá điện, ông Ngô Văn Khánh cho rằng đã “có sự khác nhau về quan điểm trong vấn đề này”.
Theo ông Khánh, EVN gọi những công trình chung cư, sân tennis, biệt thự… là các hạng mục của khu điều hành. Theo EVN, đây là những công trình không thể thiếu, để phục vụ cho quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh điện của ngành. “Trong khi đó quan điểm của Thanh tra Chính phủ cho rằng những công trình này phải dùng nguồn vốn phúc lợi. Nếu dùng nguồn vốn khác về mặt nguyên tắc thì được khấu hao dần vào giá điện”- ông Khánh nói.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc “vì sao kết luận thanh tra loại ra gần 6.500 tỷ đồng sai phạm của EVN so với báo cáo của cơ quan này với Thủ tướng Chính phủ?", ông Ngô Văn Khánh lý giải: Chênh lệch số tiền giữa dự thảo và kết luận, quá trình từ dự thảo ra kết luận thanh tra, hay từ báo cáo của đoàn đến dự thảo, có thể khác nhau và điều này là chuyện bình thường. Khoản tiền này không liên quan đến việc tăng giá điện trong thời gian trước đó.
Thế Kha