Xem 5.000 năm trang điểm của phụ nữ trong... 4 phút
(Dân trí) - Những phương pháp trang điểm của phụ nữ trên khắp thế giới trong suốt hơn 5.000 năm được tóm tắt lại chỉ trong… 4 phút.
Trang điểm đã xuất hiện trong lịch sử nhân loại từ khi xã hội mới bắt đầu hình thành. Phụ nữ ở bất cứ giai đoạn nào cũng luôn tìm cách nâng tầm vẻ đẹp của mình, làm nên sự đa dạng trong nghệ thuật trang điểm qua các thời kỳ.
Ai Cập cổ đại (từ năm 3150 đến năm 31 trước Công nguyên): Phụ nữ sử dụng phấn côn màu đen để nhấn mạnh đường viền mí mắt, tạo nên vẻ huyền bí, thẳm sâu cho đôi mắt, ngoài ra họ sử dụng phấn mắt xanh lá hoặc xanh lam để tạo nên vẻ tươi tắn, sinh động.
Đôi môi ngay từ thời này đã được coi là biểu tượng của sự gợi cảm với những gam màu tươi thắm như đỏ, cam, đôi khi phụ nữ cũng sử dụng màu xanh đen cho môi để tạo vẻ huyền hoặc. Tóc luôn được tết thành từng lọn nhỏ, ôm quanh khuôn mặt.
Phụ nữ Ai Cập cổ đại sử dụng các nguyên liệu tự nhiên để làm mỹ phẩm, đặc biệt là từ các loại khoáng thiên nhiên. Son môi thời này là một biểu hiện cho địa vị xã hội, vì vậy không chỉ phụ nữ mà ngay cả nam giới thượng lưu cũng sử dụng son.
Hy Lạp cổ đại (từ năm 800 đến năm 500 trước Công nguyên): Phụ nữ Hy Lạp cổ đại đặc biệt yêu thích mốt lông mày dày, rậm, gặp nhau ở bên trên sống mũi. Họ dùng phấn mắt với những tông màu tự nhiên. Làn da trắng xanh rất được ưa chuộng, thể hiện người phụ nữ không phải làm việc dưới ánh nắng mặt trời, vì vậy, chắc chắn là phụ nữ quý tộc.
Mỹ phẩm của phụ nữ Ai Cập cổ đại luôn hướng tới vẻ đẹp tự nhiên, chỉ riêng có đôi lông mày thì không người phụ nữ nào có thể “nuôi” được, vì vậy, họ thường phải dán thêm lông thú và khéo léo tô đậm thêm bằng phấn côn đen.
Điểm “đáng sợ” nhất trong cách trang điểm của phụ nữ Hy Lạp cổ đại, đó là họ thường sử dụng kem trộn chì để làm trắng da, đây là một cách làm đẹp rất độc hại.
Vương triều Gupta ở Ấn Độ (từ năm 320 đến năm 550): Phụ nữ Ấn Độ thời này cũng sử dụng phấn côn đen để nhấn viền mắt. Với tóc, họ thường búi hoặc tết, sau đó cài thêm hoa tươi. Đối với những phụ nữ đã lập gia đình, họ thường bôi một nốt tròn đỏ trên trán, nằm giữa hai lông mày. Đôi môi luôn được tô son đỏ.
Triều đại Nữ hoàng Anh Elizabeth (từ năm 1558 đến năm 1603): Phụ nữ quý tộc thời này cũng rất chuộng làn da trắng xanh, họ thường bôi kem trộn chì. Khuôn mặt được coi là đẹp lý tưởng khi… không có một sợi tóc tơ hay một sợi lông mày nào. Tất cả phải được cạo sạch, nhổ sạch. Mục tiêu là để có được một vầng trán rộng nhất có thể.
Trên khuôn mặt trắng nhợt nhạt có phần thiếu tự nhiên này, nổi bật lên đôi môi đỏ, làn tóc nâu đỏ. Vì tóc của Nữ hoàng Elizabeth vốn là màu đỏ, nên các phụ nữ thượng lưu khác cũng muốn có được màu tóc như của nữ hoàng, họ sẽ nhuộm tóc hoặc đội tóc giả.
Các geisha của Nhật (khoảng giữa thế kỷ 18): Điểm dễ nhận ra nhất trong cách trang điểm của các geisha người Nhật, đó là một làn da trắng đến mức thiếu tự nhiên, được tạo thành từ một lớp bột gạo. Trên nền trắng đó là đôi môi đỏ đậm “chúm chím”, đôi mắt được kẻ viền với hai màu đen - đỏ. Mái tóc được búi phồng cầu kỳ, trang trí bằng những chiếc lược và trâm cài.
Geisha là một phần quan trọng của đời sống xã hội Nhật Bản hồi giữa thế kỷ 18. Mỗi geisha cần ít nhất 3 năm huấn luyện các kỹ năng như ca hát, chơi đàn, nhảy múa và làm thơ. Geisha ở những thứ bậc khác nhau sẽ được trang điểm với những mức độ cầu kỳ khác nhau.
Lớp bột gạo trắng được bôi lên khắp mặt ngoại trừ vùng gáy được hé lộ qua cổ áo trễ một cách duyên dáng. Những geisha mới học việc trong năm đầu chỉ được tô son đỏ trên làn môi dưới, trong khi đó những geisha đã trải qua tất cả những bài huấn luyện sẽ được phép tô son đỏ trên môi để tạo thành hình nụ hoa “chúm chím”.
Nước Pháp thời kỳ trước Cách mạng (từ năm 1775-1789): Phụ nữ Pháp thời này vẫn ưa chuộng làn da trắng xanh nhưng họ thích điểm thêm những nốt ruồi duyên trên mặt. Gò má được nhấn bằng phấn hồng đậm. Đôi môi được bôi mỡ để luôn tạo độ bóng. Mái tóc vấn cao, phồng to, phủ đẫm bột trắng.
Phong cách trang điểm này được lấy cảm hứng từ Hoàng hậu Marie Antoinette. Phụ nữ thời này thường đánh phấn khắp mặt, cổ và vai để trông trắng nhất có thể, thậm chí để tạo cảm giác về một làn da trắng mỏng xanh xao, họ còn vẽ thêm những mạch máu trên da.
Đối với mái tóc vấn cao, búi phồng, thường phụ nữ không có đủ tóc để thực hiện được một kiểu tóc “đồ sộ” như vậy, nên nhiều người phải đội tóc giả.
Triều đại Nữ hoàng Victoria (từ năm 1837 đến năm 1901): Thời này, người ta đã không còn chuộng làn da trắng xanh xao, thay vào đó là một làn da sáng vừa phải, đôi má hồng phớt nhẹ tự nhiên và mái tóc nuôi dài búi gọn.
Nữ hoàng Anh Victoria chính là người đã hình thành nên phong cách làm đẹp mới cho phụ nữ phương Tây ở thế kỷ 19 khi bà thẳng thừng tuyên bố rằng trang điểm quá đậm là không lịch sự. Ngay lập tức, xu hướng làm đẹp biến đổi theo thị hiếu của tân Nữ hoàng.
Thời này, phụ nữ vẫn trang điểm, nhưng cái gì cũng làm thật nhẹ nhàng. Những phụ nữ đánh phấn má và tô son đậm bị coi là thiếu đứng đắn.
Thập niên 1960: Đôi môi phớt hồng, phấn mắt ấn tượng, dán mi giả, phấn má tạo gương mặt góc cạnh, tóc ngắn bới phồng là những nét đặc trưng của phong cách trang điểm thời kỳ này.
Phong trào đòi bình đẳng nam nữ hồi thập niên 1960 tạo nên một phong cách làm đẹp táo bạo mới cho phái đẹp, họ có thể sử dụng bất cứ màu phấn mắt nào mà không cần đắn đo, suy nghĩ, họ có thể kẻ viền mắt rất đậm và thậm chí dán mi giả thật dày, nhiều khi người ta còn chuốt những màu sắc ấn tượng lên làn mi giả.
Cũng ở thời này, vẻ đẹp khỏe khoắn của phụ nữ Phi Châu bắt đầu được công nhận. Trước đó, những sản phẩm trang điểm dành cho phụ nữ da màu vẫn còn rất hạn chế.
Bích Ngọc
Theo Buzzfeed