“Xẩm tàu điện” kể chuyện Hà thành xưa
(Dân Trí) - Nhắc nhớ lại một thời kì lịch sử thông qua loại hình nghệ thuật đường phố chỉ đất Kinh kỳ mới có, chương trình “Xẩm tàu điện – Văn hóa đường phố Hà thành” đã thu hút rất đông khán giả đến xem tại Bảo tàng phụ nữ Việt Nam tối 26/10.
Trước giờ chương trình bắt đầu khá sớm, dưới hàng ghế đã đông khán giả. Chủ yếu là những người đã cao tuổi, họ đến xem chương trình để cùng nhau ôn lại những kí ức tuổi thơ gắn liền với tàu điện – một phương tiện giao thông quen thuộc của Hà Nội xưa. “Từ lâu rồi tôi mong mỏi được một lần nghe lại xẩm tàu điện để nhớ tuổi thơ đã từng xin mẹ hai xu mua vé tàu đi từ Ô Chợ Dừa lên Bờ Hồ để nghe hát xẩm”, bà Phạm Thị Nhài (Ngọc Hà, Hà Nội) chia sẻ trước buổi diễn.
Xẩm tàu điện là tên riêng trong hệ thống làn điệu hát xẩm, tất cả các chiếu xẩm đều có thể hát những làn điệu này. Đặt tên như vậy để nhắc nhớ một sân khấu gắn liền với đời sống người dân thủ đô từ thế kỉ trước. Khi tàu điện không còn cũng là lúc xẩm tàu điện dần dần biến mất. Đây là lần đầu tiên loại hình nghệ thuật này được tái hiện lại song được đặt trong một không gian khác, sân khấu trang trọng với tranh 3D vẽ đường phố Hà Nội có tàu điện chạy qua. Thay bằng tiếng tàu điện người ta nghe tiếng leng keng, tiếng còi qua dàn âm thanh điện tử. “Mặc dù không có môi trường diễn xướng hợp cảnh, hợp người với câu hát nhưng nếu cứ đòi hỏi quá cao như vậy thì không thể phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Dù không có tàu điện chúng ta vẫn có thể hát xẩm tàu điện”, NSƯT Thanh Ngoan nhận định trước buổi biểu diễn.
Ra đời vào đầu thế kỷ XX khi Hà Nội bắt đầu có tàu điện, xẩm tàu điện được cho là một nhánh sau của xẩm cố. Khác với xẩm chợ, xẩm tàu điện chỉ có hai nhạc cụ tối giản là nhị hồ và song loan. Nghệ sĩ biểu diễn mặc quần áo đơn giản, nam mặc áo nâu, đầu đội mũ cát, đeo kính đen, nữ luôn mặc áo tối màu có yếm sáng màu và váy đến lưng đầu gối.