“Xẩm Đỏ” - tác phẩm chân thực về cố nghệ nhân Hà Thị Cầu

(Dân trí) - “Xẩm Đỏ” đạo diễn Lương Đình Dũng và ê-kíp thực hiện khi “bu Cầu” còn sống (2008) và được hoàn thành vào năm 2012. Tuy nhiên, đến tháng 9/2016, đạo diễn Lương Đình Dũng mới hoàn thiện sản phẩm và giới thiệu.

Đặt tên cho tác phẩm của mình là “Xẩm Đỏ”, nam đạo diễn sinh năm 1973 giải thích rằng: “Tôi gọi là “Xẩm Đỏ” vì trong cảm nhận của tôi xẩm là một loại hình nghệ thuật có gam màu nóng. Ngoài ra, tôi muốn gọi “Xẩm Đỏ” để thể hiện sự báo động cho một loại hình nghệ thuật có thể bị thất truyền”.

Tác phẩm mới hoàn thiện này có 35 phút là phim “Xẩm Đỏ”, sau đó là 68 phút về những bài xẩm do chính cố nghệ nhân Hà Thị Cầu biểu diễn.

Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết, anh vẫn còn lưu hơn 1000 phút về cuộc đời (qua lời kể của cụ Cầu) và những bài xẩm qua giọng hát của cụ. Trong quá trình thực hiện “bộ phim” quý giá này về nghệ nhân Hà Thị Cầu, nam đạo diễn này nhận ra rằng, cụ Cầu là một nghệ nhân hết sức đặc biệt.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu và đạo diễn Lương Đình Dũng khi thực hiện bộ phim.
Nghệ nhân Hà Thị Cầu và đạo diễn Lương Đình Dũng khi thực hiện bộ phim.

“Có những bài hát, bà đã hát rất nhiều lần nhưng lần nào hát bà cũng hát khác nhau. Bà Cầu có sự “khởi động” bài hát rất hay. Bà không bao giờ biết mình sẽ “khởi động” bài hát như thế nào. Khi ai đó muốn bà hát một bài nào đó thì cứ trò chuyện với bà thật nhiều về chủ đề đó và khi cảm hứng dâng trào bảo bà hát bà sẽ cất giọng ngay. Tuỳ tâm trạng của bà ở từng thời điểm mà bài hát sẽ được thể hiện theo âm sắc buồn vui, giận hờn, ai oán…”, đạo diễn Lương Đình Dũng kể.

“Xẩm Đỏ” thực hiện khi nghệ nhân Hà Thị Cầu đã ở vào tuổi 95. Vì thế, lúc cụ hợp tác, lúc từ chối, lúc khóc, lúc cười, nhớ nhớ, quên quên… theo căn bệnh tuổi già. Có hôm đang hát nửa chừng thì cụ mất giọng. Tuy vậy, đạo diễn Lương Đình Dũng vẫn kiên quyết theo đuổi bộ phim bởi lòng đam mê xẩm và tình yêu với văn hóa nghệ thuật truyền thống. Cụ Cầu và những thứ liên quan đến cuộc đời xẩm của cụ vì thế hiện lên một cách đầy tự nhiên và chân thực. Bộ phim cũng không lời bình, giống như một sự độc diễn của nhân vật.

Đạo diễn Lương Đình Dũng nhớ lại, khi cảnh quay cuối cùng kết thúc, cụ Hà Thị Cầu nắm tay anh bảo: “May mà con làm sớm chứ bây giờ bà sắp không hát được nữa rồi con ạ”. Từ hơn 1200 phút quay, chắt đọng lại chỉ còn 35 phút, Lương Đình Dũng và cả ê-kíp đã phải đau đầu cân nhắc. Đây là một trong số ít sản phẩm mà anh thực sự hài lòng.

Bu Cầu hiện lên trong phim là một nghệ nhân tài năng, có cuộc đời nghèo khó và long đong.
"Bu Cầu" hiện lên trong phim là một nghệ nhân tài năng, có cuộc đời nghèo khó và long đong.

Giải thích về việc chậm trễ ra mắt sản phẩm, Lương Đình Dũng cho biết: "Tôi chưa hề có ý định ra mắt nhưng tôi thấy buồn vì cho đến giờ vẫn chưa có cơ quan văn hoá nào hỏi về phim của cụ. Nó không phải là cá nhân mà nó là một môn nghệ thuật tuyệt vời đậm chất Việt, nó có tính giáo dục cao. Và ít ra Xẩm Đỏ cũng là những tư liệu quý về môn nghệ thuật này".

Lương Đình Dũng tâm sự anh sẵn sàng chịu lỗ để gửi một sản phẩm tâm huyết của mình tới mọi người, đặc biệt là những người yêu xẩm: “Tôi quyết định mang “Xẩm Đỏ” đến với công chúng do có một nhóm các nghệ nhân yêu xẩm rất trẻ đến gặp tôi và muốn được tiếp cận tư liệu này về để học. Họ hát cho tôi nghe, tôi thấy cảm động. Đó là lý do tôi hoàn thiện sản phẩm này và ra mắt" - đạo diễn sinh năm 1973 chia sẻ.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu sinh 1928, mất 2003. Cụ được xem là nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ 20 và từng được mệnh danh là “báu vật nhân văn sống”. Cụ được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian vào năm 2014 và năm 2008 cụ lại được trao giải thưởng Đào Tấn dành cho những đóng góp trong việc gìn giữ vốn quý nghệ thuật dân tộc.

Hà Tùng Long