“Vietjet đã tỏ ra thái quá trong chiến dịch truyền thông tiếp thị của mình”
(Dân trí) - Liên quan đến câu chuyện cho người mẫu biểu diễn bikini trên khoang máy bay đón tuyển thủ U23 Việt Nam đang gây phản ứng gay gắt trong cộng đồng, ông Nguyễn Cao Cường – Chủ tịch Hội đồng Giảng viên Học viện Truyền thông Libra đã có những phân tích khá cặn kẽ.
Dưới góc độ chuyên gia phân tích truyền thông, anh nhìn nhận như thế nào về sự việc Vietjet đưa người mẫu biểu diễn trên khoang máy bay đón U23 Việt Nam mới đây?
Trong câu chuyện đang ồn ào, nếu xem xét ở gốc độ văn hoá thì chúng ta thấy công chúng đang dấy lên một làn sóng phẫn nộ rất mạnh mẽ. Với cách marketing dựa trên chiến thuật sử dụng các cô gái diện bikini đón các cầu thủ U23 Việt Nam trên khoang máy bay với những hình ảnh tương đối phản cảm thì việc bị cộng đồng chia sẻ rất lớn theo hướng chê bai và lên án là điều dễ hiểu. Ở góc này chúng ta cũng nhận thấy thương hiệu của Vietjet đang bị ảnh hưởng khá nhiều bởi những chia sẻ không có lợi.
Tuy nhiên, dưới góc độ tiêu dùng hàng hoá thì không biết đây có phải là một kịch bản của Vietjet hay không. Bản thân tôi không cho rằng đây là một kịch bản mà đây có thể là sự mất kiểm soát. Tức là họ có một kế hoạch marketing rất tốt, đưa máy bay chuyên cơ sang đón các cầu thủ và đưa các tiếp viên với ý tưởng những đàn tuần lộc chào đón khi họ lên máy bay.
Ý tưởng rất tốt nhưng họ đã không quản trị được thông tin hình ảnh. Hình ảnh phát tán ra mang nội dung của những cô người mẫu đang ngồi chụp với các cầu thủ trong khi đó các cầu thủ lại mang gương mặt rất gượng gạo. Thậm chí có người còn cảm thấy xấu hổ. Những hình ảnh như thế bị đẩy ra ngoài cộng đồng khiến họ bị mất kiểm soát thông tin.
Từ góc độ quản trị khủng hoảng thì đây có vẻ như là một pha đi quá đà. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, theo khảo sát trên trang cá nhân của tôi và khảo sát của một tác giả khác trong cộng đồng độc giả thì lại cho ra hai kết quả khác nhau. Kết quả khảo sát cộng đồng độc giả có đến hơn 500 người nói việc này không có gì mà đáng phản ứng mạnh mẽ, 300 người nói đây là chiêu không nên làm và hơn 100 người nói là phản đối.
Còn theo khảo sát trên trang cá nhân của tôi với hai ý kiến “Bạn đồng tình” hay “Bạn phản đối” thì số người đồng tình chỉ chiếm 1/3, số lượng người phản đối chiếm 2/3.
Tuy nhiên, xét về góc độ tiêu dùng thì cũng giống như các chiến dịch tiếp thị của Vietjet trước đây từng gây nhiều sự ồn ào thì bây giờ cũng gây sự ồn ào không có gì khó hiểu. Người ta thống kê rằng, sau một thời gian ồn ào dư luận lại lắng xuống và chỉ còn cái tên của Vietjet gắn với từ giá rẻ. Và như vậy, nếu ở góc độ định vị chiến dịch PR thì họ lại thành công. Còn những người hôm nay phản đối họ có thể không phải là khách hàng tiềm năng mà hãng này hướng tới. Chính vì thế, xem xét câu chuyện này thì phải nhìn nhận ở nhiều góc độ.
Quay trở lại với góc độ văn hoá, có thể nói, giống như các độc giả thông thường tiêu thụ các sản phẩm tin tức, tôi cũng cảm thấy Vietjet đã tỏ ra thái quá trong chiến dịch truyền thông tiếp thị của mình.
Sau khi câu chuyện xảy ra, lãnh đạo Vietjet đã có thư nhận lỗi nhưng nhiều người cho là chưa có sự thành khẩn, không có sự nhận lỗi… Vì thế dư luận lại càng bùng lên mạnh mẽ hơn. Anh nghĩ sao về điều này?
Về thư xin lỗi của Vietjet thì dư luận đã phân tích rất kỹ về câu chữ rồi nên không phân tích lại. Tôi cho rằng, trong hoàn cảnh khá là nhanh, khoảng 18h xuất hiện phản ứng về “sự kiện” trên máy bay, ngay lập tức Vietjet đã có thư xin lỗi thì đây là hành động rất nhanh trong quản trị thông tin. Và vì trong hoàn cảnh nhanh như thế nên chúng ta cũng có thể chia sẻ được nếu lãnh đạo Vietjet không được tư vấn để câu chữ tốt hơn. Trong hoàn cảnh gấp rút, tôi cũng chia sẻ với tai nạn này của lãnh đạo Vietjet khi gửi thư xin lỗi công chúng.
Thực ra trước đây Vietjet đã từng có những chiến dịch PR gây ồn ào nhưng vẫn không tạo nên sự phản ứng mạnh mẽ trong dư luận như sự việc vừa qua. Phải chăng vì sự việc này gắn với các cầu thủ U23 Việt Nam – những người đang là “người hùng” trong mắt số đông nên mới dẫn đến sự gay gắt đó?
Tôi nghĩ đúng là thế. Nếu chúng ta nhìn nhận sự việc này trong bối cảnh là các tuyển thủ U23 Việt Nam vừa chiến thắng trở về thì phân tích dưới gốc độ tâm lý xã hội sẽ thấy tâm lý của số đông lúc này đang xem những chàng trai này là những người hùng. Và thậm chí báo chí Việt Nam và báo chí nước ngoài cũng gọi họ là những người hùng của thời điểm này. Khi họ có những sự nỗ lực như thế thì họ xứng đáng được tôn vinh, ngưỡng mộ…
Và khi một ai đó đã được xem là người hùng của toàn dân tộc thì hình tượng ấy đã bao hàm cả sự sở hữu cá nhân, bao hàm sự sở hữu của cả cộng đồng. Do vậy mà hình tượng đó rất khó để được chia sẻ với ý tưởng độc chiếm cho mình. Những ý tưởng muốn lợi dụng họ, những ý tưởng muốn sử dụng họ cho mục đích thương mại… Chính vì thế, khi những người hùng này được sử dụng cho mục đích thương mại một cách rõ ràng mà lại có phần hơi phản cảm đương nhiên sẽ nhận phải những phản hồi rất dữ dội.
Tôi không biết trong tương lai câu chuyện này sẽ đi đến đâu dưới góc độ của một người phân tích truyền thông. Và tôi cũng không đủ dữ kiện để khẳng định đây có phải là một chiến dịch có chủ ý hay không với những hình ảnh gắn với các cô kia người mẫu kia. Vì thế, chúng ta chờ đợi xem sự việc sẽ đi đến đâu bởi không ai đo lường được sức phá huỷ của dư luận tiềm tàng ở mức độ nào.
Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long