Vì sao truyền hình Việt phải “nhập khẩu” kịch bản mới có phim hay?
(Dân trí) - Phim truyền hình Việt sau một thời gian dài bị “lệch đường ray” đã dần lấy lại vị thế. Tuy nhiên, đa phần các phim có lượng rating cao và đạt được hiệu ứng dây chuyền chủ yếu khai thác kịch bản từ nước ngoài. Vậy vì sao cứ phải “nhập khẩu” kịch bản, Việt Nam mới có phim hay?
Phim “đại thắng” đều là phim Việt hóa
Năm 2017 được xem là năm “đại thắng” của những phim truyền hình có kịch bản được Việt hóa từ những bộ phim của nước ngoài. “Người phán xử” – bộ phim có lượng rating “ngất ngưởng” trên sóng truyền hình được Việt hóa từ kịch bản của Israel, “Sống chung với mẹ chồng” cũng là phim khai thác kịch bản từ tiểu thuyết “Phù thủy dưới đáy biển” của Trung Quốc và bộ phim “Cả một đời ân oán” đang phát sóng cũng được chuyển thể từ bộ phim từng “làm mưa làm gió” màn ảnh nhỏ Châu Á “Cô dâu triệu phú” (2006) và “Cô dâu bạc triệu” (2014).
Tính đến nay, Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) vẫn là đơn vị đi đầu trong việc sản xuất các bộ phim truyền hình dài tập. Và đây cũng là đơn vị khai thác kịch bản có bản quyền từ nước ngoài nhiều nhất.
Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải – Giám đốc VFC thì năm 2017, kịch bản phim có bản quyền của nước ngoài chiếm tới 40% các bộ phim do đơn vị này sản xuất trong năm. Và để có thể Việt hóa được kịch bản phim có bối cảnh lẫn cuộc sống của nước ngoài thì đội ngũ biên kịch đã phải mất khá nhiều thời gian để xử lí. Chẳng hạn, “Người phán xử” phải mất 3 năm để Việt hóa kịch bản và “Sống chung với mẹ chồng” cũng kéo dài tới 4 năm mới có thể hoàn thành một kịch bản thuần Việt.
“Bản thân VFC là một đơn vị làm phim nên để có được những câu chuyện hoặc đề tài gắn với đời sống và tâm sinh lý người Việt Nam ngoài việc lựa chọn những kịch bản phù hợp thì còn phải mất nhiều thời gian Việt hoá. Chúng ta có thể làm phim rất chuyên nghiệp nhưng nếu làm một bộ phim về một nhân vật hoặc đời sống của một quốc gia nào đó không tương đồng sẽ rất khó đến gần với khán giả. Chẳng hạn, phim “Người phán xử” phiên bản Việt khác hoàn toàn với phiên bản gốc của Israel. Và phim này dù kịch bản gốc 80 tập nhưng chúng tôi rút ngắn còn lại chỉ 70 tập”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải chia sẻ.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho rằng, với các nước trên thế giới thì việc chia sẻ bản quyền, kịch bản, câu chuyện làm phim rất phổ biến. Cho nên hàng năm mới có các hội chợ phim của các quốc gia có vị thế về làm phim trong khu vực như: Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… Tại các hội chợ này, các nhà làm phim chia sẻ công khai việc làm phim và bán bản quyền kịch bản phim cũng như format các chương trình truyền hình. Thậm chí, bây giờ người ta còn bán format các nội dung số trên internet.
“Vì nước chúng ta mới phát triển nên cảm thấy có gì đó hơi mới mẻ nhưng thực ra việc này đã rất phổ biến trên thế giới. Tại các hội chợ phim, các nhà làm phim châu Âu, châu Á… thậm chí Hollywood cũng đều đến các hội chợ để tìm kịch bản mang về. Đây là chuyện rất bình thường trong hoạt động trao đổi bản quyền. Vấn đề là nhà sản xuất lựa chọn kịch bản như thế nào để phù hợp với tiêu chí sản xuất của mình. Rất nhiều nhà sản xuất phim Việt như: BHD, Cát Tiên Sa… đều tham gia các hội chợ phim để tìm kịch bản cho mình”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói thêm.
Xuất khẩu phim truyền hình vẫn chỉ là “giấc mộng”
Thực tế, trong lịch sử phim truyền hình Việt đã có nhiều bộ phim Việt hóa kịch bản được xem là “thảm hoạ”. “Ngôi nhà hạnh phúc” do Vũ Ngọc Đãng đạo diễn bị xem là bản "copy" bị lỗi của “Full house” xứ Hàn; “Váy hồng tầng 24” Việt hóa từ phim truyền hình “Unbeatable 1” xứ Đài cũng bị chê tả tơi; “Những người độc thân vui vẻ” được Việt hóa từ nguyên tác gốc của Trung Quốc cũng đã buộc phải ngừng sản xuất ở tập 171 (dự kiến ban đầu 500 tập) do không đạt được thành công như mong đợi… Vậy phải chăng việc Việt hóa kịch bản từ bản quyền nước ngoài là một việc làm mạo hiểm.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho rằng, việc Việt hóa kịch bản đôi khi sẽ đội giá thành sản xuất mà cũng có khi tiết kiệm được rất nhiều chi phi,. Cái đó tùy thuộc vào từng bộ phim và cách thức sản xuất mỗi phim. Tuy nhiên, nam đạo diễn cũng thừa nhận, việc lựa Việt hóa đôi khi như chơi trò mạo hiểm vì không phải phim nào cũng thành công.
“Cá nhân tôi thấy rằng, ngoài việc may mắn lựa chọn được kịch bản hay thì tiêu chí của nhà sản xuất mong muốn lựa chọn cho mình một bộ phim như thế nào cũng rất quan trọng. Đơn vị chúng tôi ngoài kịch bản tìm được ở hội chợ phim thì cũng tham gia các hội thảo truyền hình để nghiên cứu cách thức như thế nào để chuyển hóa kịch bản nước ngoài thành Việt Nam”, đạo diễn họ Đỗ cho biết.
Nam đạo diễn khẳng định rằng, sở dĩ VFC nhiều năm qua phải Việt hóa kịch bản từ phim nước ngoài vì luôn thiếu kịch bản hay.
“Chúng ta cũng phải thẳng thắn rằng, việc đào tạo viết kịch bản phim truyền hình ở nước ta chưa có nhiều. Trong trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh, chúng ta mới đào tạo biên kịch điện ảnh, nghĩa là phim ít tập. Còn viết kịch bản phim truyền hình là phim dài tập để kéo khán giả ngồi xem phim khoảng vài tháng sẽ đòi hỏi rất nhiều về thực tế và kinh nghiệm của người làm phim. Điều sợ nhất là khi mình Việt hóa mà người ta không nhìn thấy câu chuyện của đời sống xã hội Việt Nam.
Chính lí do đó mà giữa tháng tới chúng tôi sẽ phát động một cuộc thi viết kịch bản phim Việt. Cuộc thi này ngoài mong muốn tìm kiếm được những kịch bản chất lượng thì còn là một cú hích tạo ra những cơ hội cho những người tham gia cộng hưởng viết kịch bản chuyên nghiệp và không chuyên. Để làm sao góp phần tạo nên nguồn nội dung hấp dẫn.Và thậm chí, chúng tôi còn nghĩ đến việc phát hành kịch bản ấy bởi khi phát hành bản thân các nhà biên kịch cũng được hưởng quyền lợi”.
Về lí do phim Việt bao năm qua vẫn “ôm” giấc “mộng” xuất khẩu phim, đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho rằng, một trong những lí do khiến Việt Nam chưa thể xuất khẩu phim truyền hình, đầu tiên là câu chuyện kỹ thuật. Kỹ thuật là của chúng ta mới từ SDsang HD trong khi ở các nước đã phổ biến công nghệ q 4K. Ở Việt Nam, một năm trở lại đây mới đưa công nghệ 4K quy trình làm phim.
“Khi truyền hình nước ngoài phát triển thì một trong những tiêu chí đầu tiên họ lựa chọn là vấn đề kỹ thuật. Chúng ta phải nâng cao hạ tầng kỹ thuật mới đáp ứng được yếu tố của họ. Bây giờ mình mới bắt đầu tiếp cận việc đó là quá chậm”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải nhấn mạnh.
Lí do thứ hai khiến phim truyền hình Việt chưa thể xuất khẩu được là do các đơn vị giữ bản quyền chia sẻ bản quyền với nhiều nước khác. Vì thế, khi Việt Nam có phim này thì đồng thời một số nước cũng có phim tương tự theo phiên bản của họ. Do đó, vấn đề xuất khẩu phim cho đến nay vẫn chỉ đang nằm trong dự định của các nhà làm phim.
Hà Tùng Long