Vì sao Nhà hát Lớn Hà Nội chỉ mở cửa cho khách tham quan đến hết năm 2017?

(Dân trí) - Theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội thì việc mở cửa cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan cũng như thưởng thức chương trình nghệ thuật mới chỉ mang tính thử nghiệm. Đến hết năm 2017, tuỳ vào lượng khách mà lãnh đạo Nhà hát có những kế hoạch dài hơi hơn.

Mới chỉ mở cửa thử nghiệm đến hết năm 2017

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt chia sẻ, từ trước đến nay, Nhà hát Lớn vẫn tổ chức các chương trình nghệ thuật theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTT&DL. Trong thời gian vừa qua, Nhà hát vẫn tích cực tuyên truyền quảng bá các chương trình nghệ thuật truyền thống tới bạn bè quốc tế.

Riêng chủ trương mở cửa Nhà hát Lớn cho du khách vào tham quan, lúc đầu lãnh đạo Nhà hát cảm thấy khá khó khăn. Lãnh đạo Nhà hát đã nhờ Tổng cục Du lịch hướng dẫn, đào tạo các hướng dẫn viên để có thêm những kinh nghiệm và kiến thức để có thể giới thiệu cho du khách biết về lịch sử của Nhà hát.

Nhà hát Lớn Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Vũ Long.
Nhà hát Lớn Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Vũ Long.

“Hôm nay, chúng tôi chính thức khai trương việc mở cửa Nhà hát Lớn Hà Nội cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan cũng như thưởng thức chương trình nghệ thuật truyền thống. Nhìn vào lượng khách, các công ty lữ hành và truyền thông báo chí đến đông đảo tôi rất phấn khởi và xúc động.

Trước mắt, công việc của Nhà hát là vẫn duy trì các chương trình biểu diễn nghệ thuật buổi tối, còn chương trình thăm quan các khu vực của Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ cho mở một tuần hai buổi, vào thứ 2 và thứ 6. Từ nay cho đến tháng 12, chúng tôi vẫn đang cho thử nghiệm. Hy vọng, với sự hỗ trợ của truyền thông báo chí và các kênh thông tin lữ hành, năm 2018 lượng khách đến tham quan công trình này sẽ ngày một đông hơn.

Trong năm 2018, chúng tôi sẽ phát triển hơn. Hiện giờ lực lượng hướng dẫn viên của nhà hát đang có từ 5 - 7 người vẫn luôn được trau dồi kiến thức và tăng thêm kinh nghiệm để giới thiệu rộng rãi đến du khách biết nhiều hơn về các chương trình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam và tham quan một công trình kiến trúc Pháp hơn 100 năm tuổi”, bà Nguyệt nói.

Bà Nguyệt cũng cho biết, việc mở cửa Nhà hát Lớn mới chỉ mang tính chất thử nghiệm việc nên việc xây dựng được tour tham quan theo hướng lâu dài thì hiện chưa có hoạch cụ thể.

“Có thể, hết năm 2017, tùy vào lượng khách đến tham quan mà chúng tôi sẽ tính tới việc mở riêng tour tham quan Nhà hát Lớn, còn trước mắt thì có cả thăm quan và cả xem nghệ thuật truyền thống. Lịch diễn của 4 tháng cuối năm 2017 cũng đã có và được quảng cáo trước cửa Nhà hát Lớn lẫn đăng tải trên website của Nhà hát.

Tôi mong muốn, đây là một công trình di sản kiến trúc của Pháp hơn 100 năm tuổi không chỉ là “thánh đường nghệ thuật” mà còn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.”, bà Nguyệt nói thêm.

Người dân phấn khởi, công ty lữ hành trăn trở

Ông Nghiêm Văn Hùng - Q. Hà Đông, Hà Nội, một trong những du khách đầu tiên được vào tham quan Nhà hát Lớn trong ngày khai trương phát biểu rằng: “Tối qua, tivi giới thiệu hôm nay mở cửa Nhà hát Lớn Hà Nội cho khách vào tham quan nên với bà nhà tôi đến đây để tham quan ngay. Tôi là người Hà Nội, đi qua Nhà hát Lớn rất nhiều lần rồi nhưng hôm nay mới là lần đầu tiên được bước chân vào đây. Cảm nhận đầu tiên là công trình này có kiến trúc rất hoành tráng và mang vẻ đẹp cổ điển của Pháp. Giá vé có cả tham quan lẫn thưởng thức nghệ thuật mà 400.000 đồng/lần là chấp nhận được”.

Một người dân đến từ quận Nam Từ Liêm - Hà Nội cũng bày tỏ: “Tôi cảm thấy rất vui vì lần đầu tiên được vào Nhà hát Lớn tham quan dù tôi là dân Hà Nội. Trước đây, chỉ những người có đẳng cấp mới được vào nơi này nhưng từ nay mọi thành phần đã có thể vào đây tham quan. Khi bước chân vào đây, tôi ấn tượng bởi kiến trúc ở đây cổ nhưng rất đẹp, không gian thoáng đãng”.

Người dân mua vé vào tham quan Nhà hát Lớn trong ngày khai trương. Ảnh: Toàn Vũ.
Người dân mua vé vào tham quan Nhà hát Lớn trong ngày khai trương. Ảnh: Toàn Vũ.

Đại diện cho phía công ty lữ hành, bà Đặng Bích Thọ - Phó Tổng Giám đốc công ty Hanoi Red Tour cho rằng, trước đây, khi các công ty tha thiết được tổ chức các sự kiện tại Nhà hát Lớn Hà Nội đều gặp rất nhiều khó khăn vì các thủ tục, giấy tờ. Đến nay, lãnh đạo Nhà hát Lớn đã thay đổi tư duy, mở cửa cho du khách đến tham quan, đó là một sự thay đổi đáng ghi nhận.

“Từ tháng 5 đến nay, Nhà hát Lớn đã tổ chức rất nhiều lần khảo sát, thay đổi chương trình một số lần để phù hợp với khách du lịch. Tôi thấy rằng, Nhà hát Lớn Hà Nội là một điểm nhấn rất tốt trong các sản phẩm du lịch vì ở đây tổ chức được rất nhiều sự kiện. Khách đến đây có thể thưởng thức được các chương trình nghệ thuật Việt Nam, được tham quan một công trình kiến trúc rất cổ điển có tuổi đời hàng trăm năm tuổi. Tôi thấy đây là một điều rất thú vị.

Chúng tôi rất mong muốn đưa Nhà hát Lớn vào thành một sản phẩm tham quan của khách du lịch nhưng vẫn cảm thấy chương trình nghệ thuật phục vụ khách du lịch vẫn chưa được phù hợp. Đất nước đổi mới, thị hiếu đổi mới, khách du lịch đến Việt Nam ngày càng đông… thì cách biểu diễn cũng phải thay đổi cho phù hợp. Lần trước, chúng tôi khảo sát thấy dàn nhạc ấy cách đó 5 năm vẫn biểu diễn như thế. Về mặt nghệ thuật, về mặt tác phẩm thì rất đồ sộ nhưng lại quá hàn lâm nên không phù hợp với khách du lịch. Một bài nhạc có thể kéo dài tới 10 phút trong khi chúng tôi chỉ có 40 - 50 phút để phục vụ khách du lịch. Cái này chúng ta cần phải thay đổi tư duy.

Trước mắt chúng tôi sẽ phục vụ khách Việt đã vì khách Việt người ta mong muốn khi về Hà Nội thì thăm Nhà hát Lớn, còn khách nước ngoài thì chúng tôi phải nghĩ theo khía cạnh khác. Chúng tôi sẽ đẩy việc tham quan Nhà hát Lớn nhiều hơn là thưởng thức nghệ thuật”, bà Ngọc nói.

Ông Vũ Văn Tuyên - Giám đốc công ty du lịch Travellogy Việt Nam cũng bày tỏ, ông rất vui mừng khi biết tin Nhà hát Lớn mở cửa chào đón khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu lịch sử, kiến trúc. Đây là một chương trình du lịch rất đặc sắc để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, theo ông Tuyên, nếu chỉ mở cửa hai ngày trong tuần thì hơi hạn chế vì đối với những khách tự do, họ có thể đi tham quan ngày nào cũng được nhưng với những khách đặt tour qua công ty du lịch thì đây quả là một sự khó khăn. Nếu có sự thay đổi, các công ty lữ hành không biết làm thế nào để chọn điểm thay thế.

Khách du lịch nước ngoài cũng hào hứng với chương trình tham quan và thưởng thức nghệ thuật tại Nhà hát Lớn. Ảnh: Toàn Vũ.
Khách du lịch nước ngoài cũng hào hứng với chương trình tham quan và thưởng thức nghệ thuật tại Nhà hát Lớn. Ảnh: Toàn Vũ.

Về giá vé tham quan, bà Đặng Bích Thọ cho rằng, mức giá đó chưa phù hợp với với khách du lịch. “Theo tôi, thời gian đầu chỉ nên thu mức 200.000 đồng, tương đương với 10 USD, sau này có sự đầu tư hơn thì sẽ thay đổi giá vé”, bà Thọ nói.

Ông Vũ Văn Tuyên cũng cho rằng, Nhà hát phải tính đến việc mở cửa 5 ngày/tuần. Và giá vé tham quan như thế là hơi cao so Việt Nam và trong khu vực. Ông Tuyên lấy ví dụ, ở cung điện Hoàng gia Thái Lan, du khách chỉ mất khoảng 300.000 đồng tiền Việt là có thể tham quan được một ngày, còn ở đây chỉ tham quan từ 1 tiếng đến 2 tiếng mà hết 18 USD tương đương 400.000 đồng tiền Việt là hơi cao.

“Tôi nghĩ rằng, sau một thời gian mở cửa cho khách vào tham quan, Nhà hát nên có sự điều chỉnh lại mức giá”, ông Tuyên bày tỏ.

Về công tác bảo tồn di sản, bà Đặng Bích Thọ cho rằng, với bất kỳ di tích lịch sử nào được công chúng công nhận thì phải mở rộng cửa cho du khách đến. Tuy nhiên, khi đã đưa vào khai thác du lịch chúng ta phải có biện pháp bảo tồn rất khoa học. Ví dụ, Angkor Wat của Campuchia hoặc Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc đều có những biện pháp bảo tồn rất tốt.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm