Phục dựng đền Cẩu Nhi với kinh phí 20 tỷ sau nhiều năm tranh cãi
(Dân trí) - Sở Văn hoá và Thể thao TP. Hà Nội, UBND TP. Hà Nội và UBND Q.Ba Đình phê duyệt dự án phục dựng đền Cẩu Nhi ở phường Trúc Bạch. Nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư 20 tỷ cho một ngôi đền không có tính xác thực trong lịch sử là hơi lãng phí.
Phục dựng đền Thủy Trung Tiên chứ không phải đền Cẩu Nhi
Thời điểm gần đây, rất nhiều người dân Hà Nội tỏ ra khá bất ngờ khi khu vực đền Cẩu Nhi nằm trên Hồ Trúc Bạch (thuộc phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) vốn um tùm nay được phong quang sạch sẽ. Chiếc cầu gỗ dẫn vào đền cũng đã được bắc lại. Phía ngoài mặt đường Thanh Niên, các tấm tôn cũng được quây kín lại.
Theo bà Nguyễn Thanh Nhài (72 tuổi), người được giao trông nom ngôi đền này thì sau nhiều năm gây tranh cãi, dự án phục dựng đền Cẩu Nhi (còn có tên gọi khác là đền Thủy Trung Tiên) đã được Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội, UBND TP. Hà Nội và UBND Q.Ba Đình phê duyệt. Lễ khởi công phục dựng đền cũng đã được tiến hành vào ngày 6/7/2015 với sự chứng kiến của đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Phòng VH, TT&DL quận Ba Đình, đại diện chính quyền và nhân dân sở tại phường Trúc Bạch... Những ngày gần đây, đội thi công công trình đã bắt đầu cho chặt bớt cây, dựng lại cầu gỗ và lắp đặt hệ thống điện nước để chuẩn bị bắt tay vào xây dựng đền chính.
Bà Đỗ Thị Kim Dung - Phó Chủ tịch phường Trúc Bạch cũng cho biết, dự án phục dựng đền Cẩu Nhi do UBND Quận Ba Đình làm chủ đầu tư, bà Dung và cụ Nguyễn Văn Tiến làm Phó trưởng Ban thường trực. Dự án được đầu tư với kinh phí dự kiến 20 tỷ bằng nguồn vốn xã hội hoá. Trong đó, ngân sách ban đầu mới huy động được là hơn 500 triệu.
“Thực ra tiền mặt mới chỉ góp được ngần đó nhưng rất nhiều người dân đã đăng ký công đức bằng vật liệu như: gạch, ngói, xi măng… rồi. Nếu tính chỉ riêng phần xây dựng chỉ hơn 5 tỷ còn tính cả nội thất nữa là 14 tỷ, cộng với phần cầu đá nữa là khoảng 6 tỷ nữa là toàn bộ xấp xỉ 20 tỷ”, bà Dung nói.
Theo bà Dung, đền được phục dựng sẽ theo nguyên mẫu của đền Thủy Trung Tiên (thờ Mẫu Thoải) từng tồn tại trên khu đất này từ những năm 50 của thế kỷ 19. Vì thế, các hạng mục phục dựng trong dự án sẽ bao gồm: hạ giải nhà bia cũ, chuyển bia đá vào trong nền chính; xây dựng đền chính, nghi môn (tứ trụ) và cổng đền; xây am hóa vàng mã, nhà thủ từ, nhà vệ sinh, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy; chặt tỉa dây leo, cây dại và trồng mới một số loại cây lưu niên có giá trị và phù hợp di tích. Ngoài ra, một cây cầu đá nối từ đường Thanh Niên vào đảo nơi vị trí phục dựng đền Thủy Trung Tiên dự kiến được xây mới gồm năm nhịp, mỗi nhịp dài 3,6m, rộng 2,25m, tổng chiều dài cầu 18m.
20 tỷ cho một ngôi đền chưa có tính xác thực lịch sử có quá nhiều?
Thực tế, từ năm 2002, UBND phường Trúc Bạch cùng nhiều hộ dân đã đồng loạt ký đơn kiến nghị lên UBND TP. Hà Nội tha thiết xin phép được dựng lại đền thờ Cẩu Nhi. Tuy nhiên, mong muốn này vấp phải nhiều luồng ý kiến phản đối của các nhà sử học mà đại diện là PGS. TS Đỗ Văn Ninh và nhà sử học Bùi Thiết. Hai nhà sử học này cho rằng, đền Cẩu Nhi không có thật trong lịch sử và việc ngôi đền này được nhắc đến trong cuốn “Tây Hồ chí” (cuốn sách ghi chép tỷ mỉ sự tích đền thờ Chó gắn với việc định đô Thăng Long) không có cơ sở đáng tin cậy vì cuốn sách này không có tác giả.
Tất nhiên, bên cạnh những ý kiến phản đối thì cũng có nhiều nhà sử học có tiếng như: GS. Phan Huy Lê, nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, PGS. Lê Văn Lan, PGS. TS Phan Khanh, PGS. TS Trần Lâm Biền… cũng lên tiếng ủng hộ. Nhưng câu hỏi: “Có hay không sự tồn tại của đền Cẩu Nhi và nếu có thì trong lịch sử đền này thờ thần Cẩu Nhi, thờ Mẫu Thoải hay thờ Cá” thì cho đến nay vẫn đang còn bỏ ngỏ. Và có thể vì chưa thống nhất được quan điểm nên sau đó dự án này đã phải “treo” lại một thời gian.
Theo quan sát của phóng viên, trên khu đất đền Cẩu Nhi xưa nay chính giữa còn tồn tại một ngôi phương đình theo hình bát giác. Trong phương đình có văn bia bằng đá giải thích vì sao có đền thờ Cẩu Nhi và đền thờ này do ai lập nên. Trên văn bia cũng ghi rõ, việc trùng tu tôn tạo phương đình này được Trung tâm Bảo quản và Tu bổ di tích thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin hoàn thành vào 4/6/1988. Ngoài ra, ở mặt sau của văn bia là tượng thờ Ngọc Hoàng và một chú chó đá nho nhỏ. Bên phải phương đình có lầu thờ cô Chín và quan ngũ hổ.
Bà Nguyễn Thanh Nhài cho biết, năm 1970 sau khi đền xưa đổ nát, chính quyền mới cho dựng tạm phương đình này. Có một thời gian khu đền này từng biến thành nơi kinh doanh nhà hàng kiêm quán cà phê. Mái phương đình này đã nhiều lần đổ nát. Trước, người dân đi vào đền bằng cầu dây cáp nhưng sau có quá nhiều tệ nạn xảy ra nên chính quyền quyết định cất cầu đi.
Bà Đỗ Thị Kim Dung cho rằng, việc phục dựng lại đền không chỉ đáp ứng nguyện vọng tha thiết của bà con nhân dân mà còn gầy dựng lại một khu di tích đã bị biến mất. Trước câu hỏi “Liệu đầu tư tới 20 tỷ để phục dựng một ngôi đền chưa có tính xác thực trong lịch sử có quá lãng phí?”, bà Đỗ Thị Kim Dung cho rằng, số tiền này mới chỉ mang tính dự kiến. Tuy nhiên, theo như bà Dung chia sẻ thì tiền xây dựng chỉ khoảng 5 tỷ nhưng tiền nội thất mới đáng kể. Toàn bộ tượng thờ trong đền sau khi xây xong sẽ được đúc bằng đồng. Và vì phục dựng theo kiến trúc của đền Thủy Trung Tiên xưa nên hệ thống tượng sẽ chiếm số lượng lớn. Ngoài ra, cây cầu đá bắc vào đền sẽ được lấy nguyên mẫu từ cầu đá của đền Trần (Nam Định).
Có nhiều ý kiến cho rằng, việc phục dựng lại ngôi đền này là một việc đáng mừng. Tuy nhiên, số tiền đầu tư cho ngôi đền tới gần 20 tỷ là quá lớn. Mặc dù đó là vốn xã hội hóa thì cũng là tiền của dân góp lại. Vì thế, nên cân đối ngân sách và tính toán quy mô ngôi đền để không bị quá lố. Chính các nhà sử học ủng hộ việc phục dựng đền trước đây cũng từng nhấn mạnh việc phục dựng lại đền Cẩu Nhi chỉ nên thực hiện ở quy mô nhỏ. Thậm chí, có người còn đề xuất chỉ nên xây một ngôi miếu nhỏ thờ thần Cẩu Nhi là ổn, không cần phải làm quá hoành tráng.
Hà Tùng Long