“Ông trùm Playboy”: Người đàn ông trong bộ pyjama định hình đàn ông hiện đại
(Dân trí) - Playboy từng đồng nghĩa với phong cách sống mới của nam giới. Biểu tượng linh hồn của nó chính là “người đàn ông trong bộ pyjama”. Một đế chế tạp chí đàn ông, một nhân vật biểu tượng của nam giới đã từng bắt đầu cuộc chơi bằng tâm thế của… “kẻ chiến bại”.
Người đàn ông quyền lực trong bộ pyjama
“Ông trùm Playboy” Hugh Hefner từ lâu đã được nhìn nhận là một “tay chơi huyền thoại”, định hình nên phong cách cho một thế hệ đàn ông mới hiện đại của thế kỷ 20. Và người ta sẽ phải bật cười với ý tưởng rằng chính ông là người đi tiên phong trong phong cách thời trang mang đồ ngủ ra đường phố.
Tờ Us Weekly đã có một lập luận hài hước rằng phong cách thời trang diện đồ ngủ ra đường mà chúng ta đang thấy hôm nay, hẳn phải khởi đầu chính từ Hugh Hefner. Nói đùa như vậy cũng không hẳn… không có lý, bởi trên thế giới này, có lẽ chẳng có người đàn ông nào xuất hiện nhiều trên mặt báo trong bộ pyjama một cách đầy tự tin và phong cách như ông Hefner.
Bộ pyjama giống như một hình ảnh ẩn dụ cho sự ăn chơi, phóng túng của Hugh Hefner. Gương mặt ông đặc trưng với nụ cười mỉm vừa có sự bí ẩn “tay chơi” vừa có sự tự tin, thậm chí là tự mãn của một người đàn ông “làm chủ cuộc chơi”. Hình ảnh ấy, phong cách ấy từng đi vào ký ức và cả sự ngưỡng mộ của nhiều thế hệ đàn ông.
Tất cả bắt đầu từ tháng 12/1953, ấn bản đầu tiên của tờ tạp chí Playboy xuất hiện trên quầy báo mà không hề in ngày tháng xuất bản. Hugh Hefner, người đàn ông sáng lập ra tờ tạp chí này, chẳng chắc liệu rồi “đứa con tinh thần” của mình có… “chết yểu” ngay sau số đầu tiên ra sạp hay không.
Bản thân ông không hề có lòng tin vào tương lai của Playboy - một tờ tạp chí “lạc loài” so với bối cảnh báo chí thời bấy giờ.
Bằng cách không in ngày tháng xuất bản, Hefner hy vọng rằng tờ tạp chí sẽ có thể tiếp tục được bày bán trên quầy, người bán báo sẽ không cảm thấy quá sốt ruột vì báo ế, người mua sẽ “mắc mưu lập lờ” mà tưởng đây là báo mới và cầm lên xem, rồi có thể sẽ mua. Biết đâu, tờ báo ế ẩm sẽ gỡ gạc được ít nhiều bằng chiêu thức láu cá này.
Từ tâm thế của “kẻ chiến bại” gây dựng nên một đế chế tạp chí đàn ông
Về cơ bản, Hugh Hefner cho ra số đầu của Playboy trong tâm thể của kẻ sẵn sàng… chiến bại. Ông chắc mẩm báo sẽ ế, sẽ trầy trật ngoài quầy. Nhưng “ông trùm Playboy”, người vừa qua đời trong tuần này ở tuổi 91, sẽ không cần phải lo lắng, bởi số đầu tiên của Playboy bán chạy ngoài sức tưởng tượng, được hơn 50.000 bản và bắt đầu mở ra một đế chế mới cho tạp chí đàn ông.
Ở thời điểm đỉnh cao hoàng kim, tạp chí Playboy thuộc vào nhóm những ấn bản báo chí bán chạy nhất nước Mỹ, sánh ngang những tờ tạp chí thuộc vào hàng “kinh điển” của làng báo Mỹ, như Life, như Time… Có những thời điểm, Playboy còn vượt qua các tờ này về số lượng người đặt mua báo dài hạn.
Những ngày này, khi ông Hefner vừa qua đời, đàn ông Mỹ nói riêng và đàn ông thế giới nói chung đều rất quan tâm tới cơn bão thông tin xoay quanh sự việc. Đối với họ, Hefner là người đàn ông đáng ngưỡng mộ ở phương diện… “tay chơi”, từ thập niên 1950 cho tới tận những ngày tháng cuối đời, Hefner đã dành cả cuộc đời theo đuổi một phong cách “Playboy”.
Playboy, tờ tạp chí dành cho nam giới, đã tác động và làm thay đổi phong cách đàn ông trong thế kỷ 20. Hiếm có tờ báo dành cho nam giới nào, có thể hấp dẫn một lượng độc giả trung thành lớn đến vậy, bất kể sự khác biệt về xuất thân, nghề nghiệp, thu nhập, trình độ và cả gu thẩm mỹ.
Xung quanh Playboy và Hugh Hefner có khá nhiều ý kiến khen chê trái chiều. Nhưng nếu soi chiếu lại từ điểm khởi phát ban đầu hồi thập niên 1950-1960, Playboy và Hefner là những biểu tượng đầy tính tích cực và cấp tiến, đưa lại một phong cách tự do, phóng túng, giúp đàn ông và cả phụ nữ dám đường hoàng, tự tin thể hiện cái Tôi “chất chơi” của mình.
Playboy còn hơn cả một tờ tạp chí, đó là một phong cách sống
Playboy và Hefner theo đuổi một ý tưởng cốt lõi rằng: ai cũng có quyền được vui vẻ trong cuộc sống và người ta có thể thoải mái bày tỏ mong muốn và bắt tay vào thực hiện mong muốn ấy. Một hình ảnh khuôn mẫu, tề chỉnh, đạo mạo không còn là khắc họa duy nhất về đàn ông trưởng thành qua lăng kính truyền thông. Playboy bắt đầu định nghĩa lại về đàn ông hiện đại.
Đó phải là một người xa cách vừa đủ, cởi mở vừa đủ, có nền tảng tài chính, nam tính, am hiểu văn hóa, biết thưởng thức ẩm thực, đi nhiều hiểu rộng, và đặc biệt, luôn biết tôn thờ cái Đẹp. Trước đó, chàng thanh niên Hefner đã từng cảm thấy nghẹt thở bởi sự đạo mạo trong cách nhìn nhận về đàn ông trong truyền thông và xã hội.
Hefner cho ra đời Playboy để đưa lại một chân dung khác về đàn ông với những câu chuyện thường thức về thời trang, ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, văn học, và phụ nữ…
Playboy không thuần túy là một tờ tạp chí làm nhiệm vụ thông tin. Ngay từ buổi đầu, mục tiêu của nó là đề cập tới mọi đề tài hấp dẫn nam giới, từ tri thức hàn lâm cho tới giải trí đời thường, cả chuyện yêu đương, tình dục. Trong đó, phụ nữ được xem là niềm đam mê hấp dẫn bất tận, bất diệt của đàn ông.
Playboy là một sự kết hợp “thập cẩm” tất cả những gì có thể khiến nam giới quan tâm, từ câu chuyện chính trị, triết học cho tới… yêu đương, phòng the. Playboy hơn cả một tờ tạp chí, đó từng là nơi tạo ra những cuộc đối thoại cho cánh mày râu ở đủ mọi đề tài, lĩnh vực.
Playboy đã từng đồng nghĩa với phong cách sống mới của nam giới. Biểu tượng linh hồn của nó chính là “người đàn ông trong bộ pyjama” và nụ cười mỉm trứ danh. Người đàn ông ấy đã ra đi trong tuần qua, nhưng người ta sẽ còn nhớ đến ông rất lâu nữa trong vai trò định hình phong cách sống mới của một thế hệ đàn ông hiện đại.
>> “Ông trùm Playboy”: Đi qua cuộc đời ngàn phụ nữ, nhưng không có nổi một tri kỷ
Bích Ngọc
Theo New York Times/Us Weekly