NSND Lê Hùng: “Đừng xúng xính áo quần, lướt qua lướt lại với nghề”
(Dân trí) - Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng NSND Lê Hùng vẫn đam mê sân khấu và có sức làm việc khiến nhiều người phải… kinh sợ. Ông cũng đòi hỏi bản thân cũng như các nghệ sĩ sức làm việc nghiêm túc, cần cù thậm chí “lao tâm khổ tứ” với nghề…
Ngồi nhìn Đạo diễn- NSND Lê Hùng hô, hét diễn viên đến khản cả cổ mới thấm thía cái nghề chỉ riêng tài năng thôi chưa đủ. Diễn viên cần lắm sự cần cù, nghiêm túc trong nghề, ông có nghĩ như vậy không?
Sự khổ luyện và nghiêm túc trong nghề nghiệp là điều vô cùng quan trọng . Tôi có một ước muốn lẩn thẩn thế này: giá như trong một show diễn dở tệ nào đó của nghệ sĩ nào đó, có khán giả yêu sân khấu nào đó… lăn ra chết vì thất vọng, hoặc hàng trăm khán giả đứng dậy bỏ ra về đồng loạt...
Đấy, nếu có cảnh ấy, thì các nghệ sĩ mới thấu hiểu một điều rằng: sự lao động nghiêm túc của họ quan trọng như thế nào. Vì sao lại như vậy, vì nghệ sĩ là những người được giao sứ mệnh đem lại cho khán giả sự nhân văn sau mỗi tác phẩm của mình: con người yêu thương nhau hơn, cuộc sống nhiều hành động tử tế hơn, cộng đồng văn minh hơn, vì nhau hơn, cái ác được đẩy ra xa hơn…
Đấy, những thông điệp giản dị mà nghệ sĩ phải mang đến cho cuộc sống này đâu phải giản đơn, đâu phải cứ hời hợt múa may, hát cười vô cảm trên sân khấu mà được. Là nghệ sĩ, mà không lao tâm khổ tứ với nghề, đừng nói thành công, cũng đừng nói được khán giả, được nhân dân ghi nhận.
Điều thứ hai tôi muốn nói đến, là kinh nghiệm, là những bài học của tiền nhân. Tiền nhân của nghề sân khấu đã để lại biết bao nhiêu bài học, quý giá vô cùng. Nếu không chăm chỉ mà học thì sao hiểu được, sao diễn được như tiền nhân? Chứ đừng mơ đến chuyện “con hơn cha là nhà có phúc”!
Tôi vẫn nói với các nghệ sĩ trẻ, thậm chí là mắng chửi, rằng các bậc tiền nhân trước đâu có nhiều điều kiện làm nghề, mà vẫn có những tác phẩm để đời, bất diệt. Đừng có xúng xính áo quần và lướt qua lướt lại với nghề, cũng đừng có đổ tại điều này điều kia khiến ta không làm tốt nghề. Phải lao vào việc thực sự và đổ mồ hôi ra, mới được.
Với tên tuổi, sự nổi tiếng của mình, ông nghĩ do tài năng hay sự cần cù mang lại?
Tôi luôn nghĩ, may mắn có chút tài năng, cộng với sự lao động nghệ thuật miệt mài đã giúp tôi có ngày hôm nay. Nói thế thôi, chứ nhiều khi áp lực ghê gớm lắm.
Có những giai đoạn tôi bận rộn và mệt mỏi đến kiệt sức. Sáng ngày ra, phải bò dậy từ giường sao mà ngại, tôi bắt đầu chửi đời, chửi sự vất vả của mình, rồi lao lên ô tô, phóng đến nhà hát, vừa đi vừa chửi cho đỡ mệt.
Ấy thế mà vào đến nhà hát, trống khua tùng tùng, diễn viên xúng xính đợi đạo diễn, đèn bật sáng trưng, nhạc nổi lên... thế là tôi lại quên hết sự đời. Lại lao vào ngồi lì từ sáng đến trưa, ra ăn vội cái bánh mỳ, rồi tiếp tục từ trưa tới đêm…
Lăn lộn mấy chục năm trong nghề đạo diễn sân khấu, ông đánh giá cao sự cần cù, lao động nghệ thuật miệt mài của những nghệ sĩ nào?
Có những nghệ sĩ cả đời miệt mài, trong số đó phải kể đến Xuân Hinh, Thanh Thanh Hiền. Tôi đánh giá cao sự lao động miệt mài của họ, đó là những tấm gương lao động hết mình.
Nếu chỉ có đạo diễn đổ mồ hôi mà diễn viên làm quấy quá cho xong thì không bao giờ có vở hay. Những vở rất hay của Xuân Hinh như “Người ngựa, ngựa người”, tôi cùng Xuân Hinh, Thanh Thanh Hiền tập có hai buổi, cứ từ 5 giờ đến 7 giờ. Nhiều hơn thì không thể vì tôi rất bận, và vì tôi thấy thế là đủ.
Họ say mê, họ dồn tất cả tâm trí của mình vào việc tập, và họ đã giúp tôi tiết kiệm rất nhiều thời gian, sức lực. Bởi khi tập, tôi như trở thành người khác. Chị thấy rồi đấy, tôi gào thét, mắng mỏ, la hét… mệt lắm. Sau này, hầu như các vở của Xuân Hinh cũng đều tập rất nhanh, rất chất lượng như thế.
Có phải đó là lý do ông “chuyên trị” dựng vở cho Xuân Hinh và nhận lời làm liveshow đầu tiên của nghệ sĩ sân khấu phía Bắc, “Xuân Hinh kẻ chọc cười dân dã”?
Tất cả các vở của Xuân Hinh đều do tôi dựng. Còn nói về liveshow của Xuân Hinh thì thực ra, tôi cũng có ý định làm một vở diễn có nhân vật “đời” đi theo Xuân Hinh từ bé, rồi đến những đoạn anh ta đi buôn bán thượng vàng hạ cám để lấy tiền theo học bộ môn chèo, rồi thành danh, đến độ có những hôm về diễn ở những vùng quê, khán giả bám theo cả vào… nhà vệ sinh.
Đó sẽ là một vở diễn đặc sắc có lớp lang, có nhân vật, có những triết lý giản dị mà sâu sắc về cuộc đời một nghệ sĩ. Ý định có lâu rồi, nhưng tôi chưa thực hiện được.
Rồi có mạnh thường quân ủng hộ việc Xuân Hinh làm live show 40 năm đi diễn! Mừng quá đi chứ ! Và việc tôi nhận lời là lẽ đương nhiên. Tôi mừng cho Xuân Hinh. Hơn nữa, việc tập trung hết cả chèo, chầu văn, hát xẩm, quan họ vào một liveshow đâu phải chuyện dễ, phải rất khéo léo để show diễn uyển chuyển mượt mà… Tôi thấy mình phải có trách nhiệm làm việc này. Dấu ấn của một cuộc đời nghệ sĩ chứ đâu phải chuyện đùa!
Nghe nói, liveshow của Xuân Hinh có tới… 3 đạo diễn cùng tham gia. Với sự chênh lệch tuổi tác, cá tính, liệu có khó để “ăn khớp” với nhau?
Không hề gì. Tôi nói với Phạm Hoàng Nam và Đỗ Thanh Hải rằng, chúng ta ai làm việc nấy, mỗi người một mảng, miễn sao hết lòng hết sức. Tôi đảm nhiệm việc dựng và chịu trách nhiệm phần “lõi”, nội dung các phần diễn của nghệ sĩ và cũng là phần quan trọng nhất. Có nghĩa, tôi nhận về mình trách nhiệm giữ cái hồn cái cốt của các nghệ sĩ, trong đó Xuân Hinh là người diễn chính.
Trong đêm diễn đó, ông sẽ ngồi hàng ghế đầu với bộ vest thật đẹp để “hưởng thụ” thành quả của mình chứ?
Không! Hôm nay, chị thấy đấy, tôi ngồi đây với một cái micro, hò hét, ra lệnh oang oang. Và trước mặt tôi là ấm trà nóng, các em ấy pha cho thầy uống để thông giọng mà… quát. Chứ còn hôm ấy à? Lê Hùng sẽ ngồi nem nép ở một góc cánh gà, chả ai để ý, chả ai rót nước cho mà uống đâu.
Tôi sẽ ngồi ở đó, để nhìn những nghệ sĩ của tôi diễn, nhìn họ lộng lẫy, toả sáng trên sân khấu và biết chắc có tôi đâu đó dõi theo, để chắt lọc lấy những hay dở cho mình, còn tiếp tục cho những tháng ngày làm nghề phía trước nữa.
Xin cám ơn ông!
Nguyễn Hằng