Những“tai nạn” từng xảy ra với “Nàng Mona Lisa”

(Dân trí) - Phải ở trong phòng tắm ẩm ướt, bị kẻ trộm “bắt cóc”, bị Đức Quốc xã săn lùng, bị những kẻ phá hoại tấn công, bị chẩn đoán mắc nhiều bệnh tật… Trong vòng 5 thế kỷ tồn tại với bao biến động, “Nàng Mona Lisa” đã trải qua biết bao thăng trầm.

“Nàng” đã chứng minh rằng mình không chỉ là một nhan sắc bí ẩn, một họa phẩm tuyệt tác mà còn là một minh chứng của sự tồn tại bền bỉ cùng với thời gian. Ít tác phẩm nghệ thuật nào từng trải qua nhiều cuộc phiêu lưu và những tai nạn, rủi ro như “Nàng Mona Lisa”.

Năm xưa, khi Mona (Madam) Lisa Gherardini del Giocondo ngồi làm mẫu để danh họa Leonardo Da Vinci vẽ chân dung, hẳn bà không bao giờ có thể ngờ rằng hình ảnh của mình rồi đây sẽ được lưu truyền dài lâu và có một đời sống phi thường đến vậy.

“Nàng Mona Lisa” đã trải qua những thăng hoa và cả những trầm luân như thế nào?

10-47b27
“Nàng” từng phải ở vài thập kỷ trong phòng tắm ẩm ướt:

Sau khi Leonardo Da Vinci qua đời năm 1517, những họa phẩm của ông được thừa hưởng lại bởi người học trò có biệt danh Salaì. Vua Pháp Francis I liền chi ra số tiền tương đương 10 triệu đô la để nắm quyền sở hữu bức “Nàng Mona Lisa”. Sau đó, ngài cho đặt bức tranh trong phòng tắm của cung điện Fontainebleau.

Sau hàng thập kỷ chịu đựng độ ẩm cao bên trong phòng tắm, “Nàng Mona Lisa” đã bị ảnh hưởng rất nhiều. Để sửa chữa những tổn hại xảy ra với tranh, một người thợ phục chế tranh đã phủ một lớp sơn mài dày lên tranh giúp những vết rạn nứt trên bề mặt được giải cứu phần nào.

Sau Cách mạng Pháp (1789-1799), bức tranh được đưa tới viện bảo tàng Louvre, nhưng đã có một thời gian ngắn trước đó, tranh nằm trong phòng ngủ của Napoleon ở cung điện Tuileries.

Trong quá trình tồn tại qua 5 thế kỷ của mình, nàng Mona Lisa phải trải qua hai cuộc chiến tranh. Đầu tiên là chiến tranh Pháp - Phổ (1870-1871), sau này là Thế chiến II (1939-1945), người ta đều phải đưa “nàng” rời khỏi viện bảo tàng Louvre đi lánh nạn.

“Nàng” gây ám ảnh đến mức… chết chóc:
“Nàng” gây ám ảnh đến mức… chết chóc:

Khi chủ nghĩa lãng mạn làm bùng lên những ngọn lửa đam mê trong giới nghệ sĩ thế kỷ 19, nàng Mona Lisa đã trở thành nhan sắc khiến hàng ngàn nghệ sĩ bị ám ảnh. “Những kẻ si tình, những nhà thơ, họa sĩ tìm tới chiêm ngưỡng dung nhan nàng và nguyện chết dưới chân nàng” - một tài liệu do một người phụ trách bảo tàng viết năm 1861 đã nhận định như vậy.

Người này có lẽ đã không phóng đại quá nhiều, bởi có một giai thoại được lưu truyền rằng có người họa sĩ tên Luc Maspero đã tự vẫn vì nàng, người này đã để lại lời trăng trối: “Suốt nhiều năm tôi đã vật lộn trong tuyệt vọng vì nụ cười của nàng. Giờ thì tôi thà chết vì nàng còn hơn”.

“Nàng” từng bị bắt cóc:
“Nàng” từng bị bắt cóc:

Ngày 21/8/1911, “Nàng Mona Lisa”… mất tích. Chỉ còn lại 4 mấu sắt trơ trọi trên tường - nơi từng treo bức chân dung tuyệt đẹp. Các tờ báo bắt đầu tung ra hàng loạt tin tức xoay quanh “vụ trộm thế kỷ”, hàng triệu người thương tiếc nàng như thể một nhan sắc tuyệt thế hoàn toàn hiện hữu vừa gặp nạn. “Nàng” bị bắt cóc, “nàng” bị mất tích…

Kẻ trộm là Vincenzo Peruggia - một người đàn ông Ý, Vincenzo đã cất giấu “Nàng Mona Lisa” trong căn hộ lụp xụp của mình ở Paris suốt hơn 2 năm mới bị phát hiện. Năm 1913, khi Vincenzo đem bức chân dung tới Florence để bán thì bị bắt. Vincenzo đã lý giải rằng mình bị mê hoặc bởi nụ cười của nàng và chỉ phải chịu 6 tháng tù giam.

Trước khi xảy ra vụ trộm, “Nàng Mona Lisa” chưa thực sự nổi tiếng, chỉ có những người trong giới nghệ thuật biết đến nàng, nhưng sau khi báo chí đồng loạt đưa tin về nàng, từ đây, họa phẩm “Nàng Mona Lisa” thực sự trở thành tuyệt tác của văn hóa đại chúng.

Các nghệ sĩ “giễu nhại” nàng:
Các nghệ sĩ “giễu nhại” nàng:

Lần đầu tiên “Nàng Mona Lisa” bị một nghệ sĩ “giễu nhại” là vào năm 1883 khi họa sĩ người Pháp - Eugène Bataille - khắc họa nàng hút tẩu thuốc. Bức tranh mang màu sắc châm biếm, trào phúng được đặt tên là “Le Rire” (Tiếng cười). Kể từ đây, nàng Mona Lisa trở thành đối tượng của sự trào phúng mang những màu sắc đương đại.

Người phụ nữ quyến rũ của thành phố Florence, Ý, đã từng trút bỏ bộ trang phục đoan trang, tề chỉnh của mình để… đeo kính râm, uốn tóc xoăn, đội “burka” (khăm trùm của phụ nữ đạo Hồi), mặc kimono, mặc sari (trang phục của phụ nữ Hindu giáo), đeo khuyên mũi, đeo tai chuột Mickey, đội mũ ông già Noel, và cả… khỏa thân.

Nàng còn từng “cưỡi” mô-tô phân khối lớn, đạp xe đạp, lướt ván, trượt tuyết… Năm 2013, Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ - NASA - đã sử dụng tia la-de bắn hình ảnh của nàng Mona Lisa vào không gian vũ trụ để thử nghiệm việc liên lạc xuyên không gian. Nàng Mona Lisa đã hiện diện ở khắp mọi nơi với đủ các sắc thái.

Không ai cảm thấy bất bình khi hình ảnh nàng bị “chế”, bởi chính những sự phóng tác mang màu sắc trào phúng này khiến nàng vẫn luôn được nhắc tới và trở nên mới mẻ cùng với thời gian. Vả chăng nàng quá nổi tiếng, những góc nhìn đa chiều về nàng là không thể tránh khỏi.

“Nàng” từng phải chạy trốn Đức Quốc xã:
“Nàng” từng phải chạy trốn Đức Quốc xã:

Năm 1939, khi Đức Quốc xã chuẩn bị đưa quân tiến vào nước Pháp, người ta đã phải đưa “Nàng Mona Lisa” ra khỏi viện bảo tàng Louvre. Trong Thế chiến II, nàng phải liên tục di chuyển đến những nơi an toàn.

Một trong số những nơi ẩn náu của nàng là lâu đài ở xã Amboise, Pháp. Lâu đài này nằm ngay gần ngôi nhà nơi danh họa Leonardo Da Vinci từng sống những năm tháng cuối đời, nơi bức chân dung “Nàng Mona Lisa” đã ở bên cạnh ông tới những giờ phút cuối cùng.

15-68e70
“Nàng” từng bị tấn công nhiều lần:

Năm 1956, một kẻ phá hoại đã hắt axit vào phần dưới bức tranh. Cuối năm này, lại có một thanh niên người Bolivia ném đá vào tranh, làm rạn nứt và bong tróc một ít sơn ở phần khuỷu tay trái của nàng. Về sau, một lớp kính chống đạn mỏng đã được đặt trước tranh để bảo vệ nàng khỏi những kẻ phá hoại.

Năm 1974, một phụ nữ đã xịt sơn đỏ vào bức tranh khi tác phẩm đang được trưng bày ở Viện bảo tàng Quốc gia Tokyo. Năm 2009, một phụ nữ Nga ném chiếc cốc lưu niệm vừa mua ở viện bảo tàng Louvre về phía bức tranh, chiếc cốc vỡ tan tành khi đập vào lớp kính bảo vệ. Ở hai trường hợp sau này, nàng Mona Lisa hoàn toàn “bình yên vô sự”.

16-2a89f
“Khung cửa” nhà nàng là cả một vấn đề hóc búa:

Ban đầu, khung tranh của bức “Nàng Mona Lisa” được làm bằng gỗ cây dương vốn rất nhạy cảm với sự thay đổi của độ ẩm, khiến khung tranh dần bị cong vênh, phồng rộp. Đến năm 1951, khung tranh được thay thế bằng chất liệu gỗ sồi.

Năm 1977, khung tranh lại được thay thế bằng gỗ thích sau khi người ta phát hiện khung gỗ sồi đã bị côn trùng phá hoại. Năm 2004-2005, khung gỗ thích lại được thay thế bằng gỗ cây sung dâu và có sử dụng thêm một số chi tiết bằng kim loại.

17-83417
Các công ty quảng cáo tận dụng hình ảnh của nàng:

Các hãng bán lẻ đã sử dụng triệt để hình ảnh của nàng Mona Lisa. Họ đã đưa nàng vào đủ loại quảng cáo: thuốc đánh răng, dầu gội đầu, xà bông, sữa tắm, tóc giả… Các hãng này không phải trả một đồng nào để sử dụng hình ảnh của nàng bởi đơn giản, Mona Lisa thuộc về đại chúng.

18-f1f44
Có phải nàng ẩn chứa nhiều bệnh tật?

Sự nổi tiếng của nàng Mona Lisa khiến cả những chuyên gia trong lĩnh vực… y học cũng quan tâm và nảy ra những giả thuyết, như khi thực hiện bức tranh này, nàng đang mang thai; mắt nàng hơi bị… hiếng; có thể nàng đã mắc chứng phình tuyến giáp; máu nàng có thể đã chứa hàm lượng cholesterol cao (khiến quanh đôi mắt có một quầng mỡ mỏng).

Thậm chí, có thể nàng còn bị liệt dây thần kinh vùng mặt khiến cơ mặt bị hạn chế hoạt động dẫn đến một nụ cười kỳ lạ. Các bác sĩ nha khoa thì cho rằng nàng cười mím môi như vậy là bởi… nàng đã bị rụng răng mà thời đó thì chưa có… răng giả.

Bích Ngọc
Tổng hợp

vanhoa-4fc8b