Những bộ phim nổi tiếng bị gánh chịu lời nguyền đen đủi
(Dân trí) - Không ít chuyện đen đủi đã xảy ra với ê-kíp sản xuất những bộ phim kinh dị, khiến những phim này bị gán mác - “chịu lời nguyền đen đủi”.
Poltergeist (Yêu tinh - 1982)
Phim do Steven Spielberg sản xuất và viết kịch bản. “Poltergeist” đã thu về 100 triệu đô la tiền vé và khiến hàng triệu khán giả phải… gào thét trong phòng chiếu. Về sau, sự thành công của phim đã khiến người ta thực hiện thêm 2 phần nữa và năm 2015 này, “Poltergeist” được làm lại để tái hiện một tượng đài phim kinh dị.
Vận rủi xảy ra với ê-kíp làm phim “Poltergeist” trong vòng 6 năm kể từ khi tập phim đầu ra mắt, liên tiếp 4 diễn viên qua đời. Bi kịch đầu tiên xảy ra chỉ vài tuần sau khi bộ phim ra mắt, nữ diễn viên 22 tuổi Dominique Dunne bị bạn trai giết hại.
Năm 1985, nam diễn viên 60 tuổi Julian Beck qua đời vì ung thư dạ dày trước cả khi phần 2 kịp ra rạp. Năm 1987, nam diễn viên Will Sampson qua đời vì bệnh thận ở tuổi 53. Năm 2009, nam diễn viên 67 tuổi Lou Perryman bị giết hại tại nhà riêng.
Tuy vậy, điều khiến khán giả cảm thấy bàng hoàng nhất chính là sự qua đời của nữ diễn viên nhí Heather O'Rourke hồi năm 1988 - nữ diễn viên xuất hiện trong cả 3 phần phim. Heather O’Rourke đột ngột qua đời ở tuổi 12 khi đang trên bàn mổ. Một chi tiết ít người biết về “Poltergeist”, đó là những bộ xương thật đã được sử dụng làm đạo cụ trong phim.
The Exorcist (Quỷ ám - 1973)
Bộ phim từng khiến người xem quá kinh hãi tới mức nhiều rạp chiếu khi đó đã phải chuẩn bị sẵn túi nôn. Trên phim trường “The Exorcist” từng xảy ra một vụ hỏa hoạn lớn khiến người ta phải dựng lại phim trường.
Ngoài ra, 9 thành viên trong đoàn làm phim đã qua đời trong quá trình làm phim hoặc một thời gian ngắn sau khi phim ra rạp, tất cả đều vì lý do bệnh tật tự nhiên, nhưng không khỏi khiến người ta có phần e sợ. Đặc biệt, có hai diễn viên Jack McGowran (54 tuổi) và Vasiliki Maliaros (89 tuổi) đã qua đời trước khi phim kịp ra rạp.
Tại thời điểm “The Exorcist” ra rạp, các bác sĩ tâm lý ở Mỹ bỗng… đông khách hơn hẳn bởi có những khán giả “yếu bóng vía” sau khi đi xem phim về bỗng thấy… “trong người khang khác” và lo sợ những điều vô căn cứ, vì vậy, họ đã phải tìm tới bác sĩ để được trấn an tâm lý.
The Omen (Đứa con của quỷ Satan - 1976)
Trong thời gian quay phim, nam diễn viên chính Gregory Peck và biên kịch David Seltzer đều tình cờ di chuyển trên hai chuyến bay bị sét đánh.
Một chiếc máy bay mà đoàn làm phim ban đầu dự định thuê để thực hiện cảnh quay trên không đã bị hãng bay cho một hành khách khác thuê vào phút cuối. Chiếc máy bay này về sau đã gặp phải tai nạn khiến những người có mặt trên chuyến bay đều thiệt mạng. Khách sạn nơi đạo diễn Richard Donner nghỉ lại trong quá trình làm phim từng bị đánh bom.
Trong phim có sử dụng những động vật hoang dã, một người trông giữ những động vật nguy hiểm này đã bị một con sư tử tấn công. Con trai của nam diễn viên Gregory Peck đã tự tử chỉ vài tuần trước khi phim ra rạp.
Tuy vậy, sự việc gây ám ảnh nhất xảy đến ở thời điểm vài tháng sau khi phim đã ra rạp, lúc này chuyên gia xử lý hiệu ứng hình ảnh John Richardson và trợ lý Liz Moore đang làm việc trên phim trường “A Bridge Too Far” ở Hà Lan thì gặp phải một vụ tai nạn xe hơi.
Richardson sống sót nhưng Moore thì tử nạn. Tại hiện trường vụ tai nạn, người ta thấy một tấm biển chỉ đường đề “Ommen: 66.6km”, ngoài ra, vụ việc xảy ra vào đúng thứ 6 ngày 13 - một ngày vốn bị cho là rất đen đủi trong quan niệm người phương Tây.
Twilight Zone: The Movie (Vùng chạng vạng - 1983)
Lại là một phim kinh dị do Steven Spielberg sản xuất, trên phim trường “Vùng chạng vạng” đã xảy ra một vụ tai nạn trực thăng kinh hoàng cướp đi sinh mạng của nam diễn viên Vic Morrow và hai đứa trẻ.
Có một cảnh, nhân vật do Vic Morrow đảm nhiệm phải giải cứu hai đứa trẻ khi bị một chiếc trực thăng đuổi theo và xả súng. Trong cảnh này, Morrow sẽ phải bế hai đứa trẻ trên tay, chạy trốn khỏi luồng đạn. Tuy vậy, người điều khiển trực thăng đã gây ra tai nạn khủng khiếp, đã đâm thẳng chiếc trực thăng vào Morrow và hai đứa trẻ khiến họ tử vong tại chỗ.
Vụ việc không thể hoàn toàn đổ trách nhiệm cho người lái trực thăng bởi đoàn phim đã quay cảnh nguy hiểm này vào lúc trời tối, thêm vào đó là những quả pháo được sử dụng để tạo hiệu ứng cháy nổ với cự ly rất gần chiếc trực thăng đang bay là là, gây ảnh hưởng tới khả năng điều khiển của phi công.
Rosemary’s Baby (Đứa con của Rosemary - 1968)
Bộ phim được đạo diễn bởi Roman Polanski và luôn xuất hiện trong top những phim kinh dị hay nhất mọi thời đại. Để có được quyền chuyển thể tác phẩm văn học nguyên gốc, nhà sản xuất William Castle đã phải cầm cố nhà riêng.
Khi bộ phim đang trong quá trình thực hiện, Castle đã bị ngất trên phim trường, lúc nằm trên giường bệnh, ông đã bị ám ảnh bởi nhân vật Rosemary, trong cơn mê sảng, ông đã gọi tên nhân vật này đầy kinh sợ. Castle về sau qua đời vì suy thận năm 1977.
Năm 1969 - một năm sau khi phim ra rạp, nhạc sĩ soạn nhạc cho phim - Krzysztof Komeda - qua đời vì u não ở tuổi 37. Cũng trong năm này, một thảm kịch đã xảy ra với gia đình đạo diễn Polanski.
Một vụ giết người hàng loạt đã xảy ra ngay tại nhà riêng của Polanski khi ông đang có công việc ở xa. Vợ ông - nữ diễn viên Sharon Tate, đang mang thai tháng cuối - đã bị một nhóm những kẻ sát nhân giết hại dã man khi cô đang cùng với 4 người bạn khác ngồi chơi ở nhà.
Kẻ chủ mưu vụ sát hại kinh hoàng là Charles Manson, hắn từng khai với cảnh sát rằng bị ám ảnh bởi album “White Album” của ban nhạc The Beatles. John lennon - thành viên của The Beatles - về sau bị sát hại ở cổng vào một tòa chung cư (nơi Lennon sống cùng với gia đình).
Điều trùng hợp là phim “Rosemarry’s Baby” cũng được quay tại chính tòa nhà này. Thêm vào đó, nhạc phẩm “Dear Prudence” trong “White Album” viết về Prudence Farrow - em gái của nữ diễn viên chính trong phim - Mia Farrow, The Beatles đã gặp Prudence ở Ấn Độ và rất quý mến cô.
The Crow (Quạ đen - 1994)
Trên phim trường, một diễn viên phụ đã phải nhập viện sau khi bị bỏng nặng tới 90% cơ thể ngay trong ngày đầu tiên bấm máy. Sau đó, một công nhân xây dựng phục vụ cho đoàn làm phim bị tai nạn đâm xuyên tua-vít qua tay.
Phòng để đạo cụ diễn xuất bị hỏng hoàn toàn sau khi một thành viên trong đoàn bị mất lái lúc điều khiển xe hơi, nên đã tông thẳng xe vào trong kho đạo cụ. Sau nữa, một cơn bão đi qua làm một phần phim trường đổ sụp, buộc người ta phải dựng lại.
Tuy vậy, bi kịch lớn nhất xảy đến khi nam diễn viên Lý Quốc Hào - con trai nam diễn viên Lý Tiểu Long - bị bắn chết ngay trên phim trường trong một cảnh quay đáng lẽ sử dụng súng không đạn. Không hiểu vì lý do gì lại có một khẩu chứa đạn, bắn thẳng vào Lý Quốc Hào.
Rebel Without A Cause (Nổi loạn vô cớ - 1955)
Bộ phim xoay quanh những rắc rối tâm lý của một nhóm thanh niên mới lớn. Dù đây không phải một phim kinh dị nhưng những gì mà dàn diễn viên của phim gặp phải đủ khiến khán giả cảm thấy “lạnh sống lưng”.
Nam diễn viên chính James Dean qua đời ở thời điểm chưa đầy một tháng trước khi phim ra rạp, trong một vụ tai nạn xe hơi, ở tuổi 24. 13 năm sau, nam diễn viên phụ Nick Adams qua đời vì tự sát tại nhà riêng. Ở thời điểm 19 năm sau khi phim ra rạp, nam diễn viên Sal Mineo - một trong những diễn viên chính của phim - bị một người đưa pizza sát hại ở tuổi 37.
Nữ diễn viên chính trong bộ ba nhân vật quan trọng của phim - Natalie Wood - cũng ra đi bí ẩn ở tuổi 43. Người đẹp qua đời vì chết đuối trong một chuyến du ngoạn trên du thuyền cùng với chồng và một người bạn.
Tất cả mọi người có mặt trên tàu đều không hề hay biết việc Wood nhảy xuống nước. Cái chết của Natalie Wood vẫn luôn tồn tại nhiều câu hỏi bí ẩn và đã được lật lại hồi năm 2012 với nghi vấn chính chồng Wood đã sát hại cô.
Atuk
Đây là một bộ phim “chịu lời nguyền” dù chưa được bấm máy. Khác với những bộ phim ở trên, “Atuk” là một phim hài kể về một người Eskimo chuyển từ Alaska đến sống ở New York. Kịch bản bộ phim đã được viết từ đầu thập niên 1980 và các nhà làm phim ở Hollywood khá hứng thú thực hiện.
Nam diễn viên hài đầu tiên nhận vai là John Belushi, hồi đó là năm 1982, nhưng rồi chỉ vài tháng sau, Belushi qua đời. Vài năm sau, nam diễn viên hài Sam Kinison nhận vai, trong quá trình dự án phim đang bị trì hoãn, Kinison lại qua đời vì tai nạn xe hơi hồi năm 1989.
Năm 1994, John Candy nhận vai, một thời gian ngắn sau, Candy qua đời vì lên cơn đau tim. Năm 1997, Chris Farely nhận vai, cũng trong năm đó, Farely qua đời vì sốc ma túy. “Atuk” còn mời được thêm một nam diễn viên hài nữa - Phil Hartman, nhưng chỉ 5 tháng sau, Hartman bị vợ bắn chết. Có lẽ sẽ không có nam diễn viên nào dám nhận kịch bản phim này nữa.
Bích Ngọc
Tổng hợp