Nhà văn Bích Lan: Tâm hồn văn chương của một người mắc bệnh quái ác

(Dân trí) - Bị mắc căn bệnh quái ác loạn dưỡng cơ từ năm 13 tuổi, những tưởng quãng đời còn lại của Bích Lan sẽ gắn liền với giường bệnh. Nhưng không, cô đã vượt qua bệnh tất và vươn ra thế giới bằng cách viết và dịch sách...

Trong suốt những tháng ngày dài chiến đấu với bệnh tật hiểm nghèo, điều gì khiến chị đủ nghị lực vượt lên tất cả, thậm chí kể cả cái chết?

Niềm khát sống, ý chí của bản thân, tình yêu thương vô bờ bến của gia đình, bạn bè và rất nhiều, rất nhiều người tôi tình cờ biết trong cuộc đời là những yếu tố giúp tôi sống một cuộc sống ý nghĩa cho đến ngày hôm nay mặc dù từng giây từng phút của 24 năm nay tôi phải đấu tranh với bệnh tật.

Tuổi 13 tươi đẹp của chị đã bị cắt ngang bởi bệnh tật đến bất ngờ, cả thế giới chôn vùi trong một chiếc giường bệnh và căn phòng nhỏ, chắc chắn chị không tránh khỏi những giây phút tuyệt vọng?

Đó không phải là nguồn ánh sáng chói lòa bất thình lình xuất hiện và lập tức xua tan đêm đen của tôi. Tôi giống như một người phải mò mẫm đi trong đường hầm tối trong một thời gian dài. Tôi tìm thấy những tia sáng le lói khi tôi bắt đầu tự học tiếng Anh. Nguồn sáng ấy cứ ngày một rõ hơn, mạnh hơn khi tôi học chăm chỉ, nhất là khi tôi có cơ hội sử dụng những gì mình học được vào việc có ích đó là dịch và viết sách.

Nhà văn, dịch giả Bích Lan
Nhà văn, dịch giả Bích Lan

Đọc sách của chị, độc giả thấy được tinh thần thép, ý chí vượt lên nghịch cảnh. Tuy nhiên Y học càng lúc càng phát triển, chị có nghĩ rằng đến một ngày nào đó căn bệnh loạn dưỡng cơ sẽ có thuốc chữa trị hữu hiệu?

Có. Tôi vẫn theo dõi các bước tiến của y học trên con đường tìm một phương thuốc cho căn bệnh loạn dưỡng cơ. Tôi theo dõi những thông tin y học đó không chỉ cho riêng bản thân tôi. Từ khi tôi được nhiều người biết đến qua báo chí, các bà mẹ, những người cha của các em bé mang bệnh loạn dưỡng cơ đã liên lạc với tôi để chia sẻ những cảm xúc, những khó khăn mà họ đang phải đối mặt cũng như những tia hy vọng.

Tôi vô cùng mong mỏi các em nhỏ bị mắc bệnh loạn dưỡng cơ sẽ được chữa khỏi trước nhất. Tôi hy vọng trong 5 hoặc 7 năm nữa loại thuốc đầu tiên dành cho các bệnh nhân mắc bệnh loạn dưỡng cơ sẽ được phổ biến. Với bản thân tôi được chữa khỏi bệnh là một điều tuyệt vời, nhưng dù không được chữa khỏi tôi vẫn hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình.

Tuổi thơ ở vùng quê lúa Thái Bình - đặc trưng nhất cho nông thôn Bắc Bộ, lớn lên trong gia đình có người ông gốc gác nông dân nhưng đầy tư chất trí thức có phải là tiền đề cho một nhà văn – dịch giả Bích Lan sau này?

Nhà tôi ai cũng quý sách và thích đọc sách. Ngay cả bà nội tôi, người không được đi học ngày nào, cũng thích các cháu đọc sách cho mình nghe thường xuyên. Ông tôi, như trong tự truyện tôi đã kể, nâng niu những cuốn sách ông có mặc dù ông là nông dân. Chị em tôi đều ham đọc sách từ bé. Cô tôi là một nhà thơ, mẹ tôi dạy văn, sử. Con đường dịch văn học và sáng tác văn học của tôi bắt đầu từ nền tảng đó. Tất nhiên môi trường và nền tảng gia đình chỉ là một phần thôi. Không phải ai sinh ra trong cái nôi văn chương cũng trở thành nhà văn. Một nhà văn, một dịch giả văn học theo tôi có tố chất bên trong dành cho con đường đó.

Cho đến hiện tại, chị cảm thấy biết ơn nhất về điều gì trong quá khứ?

Tôi biết ơn tất cả những gì đã khiến tôi trở thành con người hôm nay, kể cả những khó khăn, thách thức. Nếu không có những khó khăn, thách thức thì tôi có lẽ không có được ý chí mạnh mẽ, không có được tình yêu cuộc sống không có được một con đường như bây giờ tôi đang có để đi cho đến hết cuộc đời. 

Tự truyện của Bích Lan
Tự truyện của Bích Lan

Bích Lan đã luôn khiến mọi người bất ngờ, từ sự chiến thắng bệnh tật tới quá trình tự học hỏi và hoàn thiện mình. Tương lai của Bích Lan sẽ là: Tiếp tục khẳng định tư chất của một nhà văn – dịch giả? Hay không dừng lại ở đó mà còn tiến tới…?

Bạn hỏi câu hỏi thật thú vị nhưng không dễ trả lời chút nào. Không ai biết tương lai sẽ như thế nào, nhưng tôi hôm nay biết chắc chắn điều này: Chừng nào còn có thể tôi vẫn sẽ miệt mài dịch những trang sách mỗi ngày, viết những trang văn, những bài thơ khi nào cảm hứng cho phép. Tôi thường ví mình là người thợ cày trên cánh đồng chữ. Tôi nghĩ rằng nếu mỗi ngày tôi đều miệt mài lao động như thế, và cố gắng để chất lượng lao động của mình đạt mức tốt nhất có thể thì bạn có thể hình dung ra những mùa vàng tôi sẽ gặt. Những mùa vàng của tôi là giá trị tinh thần của những cuốn sách tôi dịch, tôi viết thấm được vào lòng người đọc, góp phần tạo nên hoa trái cho cuộc sống của họ, và như thế sự thu hoạch của tôi mĩ mãn.

Như lời chị đã viết: “Không gục ngã” là câu chuyện của tôi và tôi thật lòng mong khi bạn khép lại cuốn sách này, bạn cũng sẽ bắt đầu viết lên những câu chuyện không gục ngã trong hành trình sống có một không hai của mỗi người”. Với kinh nghiệm của một người đi trước, chị sẽ chỉ dẫn cho mọi người những bí quyết gì để hoàn thiện “cuốn sách cuộc đời” của mỗi người cho tốt nhất?

Khi tôi mới bị bệnh tôi từng nghĩ về những người như Hellen Keller (một phụ nữ Mỹ bị mù và điếc từ khi mới lên hai đã vượt lên nghịch cảnh trở thành diễn giả nổi tiếng) và thầy Nguyễn Ngọc Ký cũng những tấm gương vượt khó để biết rằng con người có thể vượt lên nghịch cảnh bằng ý chí và lòng quyết tâm.

Tôi nghĩ một bạn trẻ gặp phải nghịch cảnh giống như tôi, có thể áp dụng một phần phương pháp tự học của tôi, cách nhìn của tôi vào cuộc vượt khó của mình. Nhưng tôi nghĩ điều quan trọng nhất mà tôi muốn thôi thúc những người đang phải vượt khó hãy nắm lấy những cơ hội trong chính khó khăn, thách thức của họ để tìm ra một cách sống có ý nghĩa, một con đường đi của riêng họ.

Xin cám ơn chị rất nhiều!

Bình Yên