“Người rừng Amazon” quyết từ bỏ văn minh để được về rừng
(Dân trí) - Câu chuyện dưới đây đã khiến các nhà chức trách nhận ra rằng, khi đã ở vào một độ tuổi nhất định, những thổ dân vốn đã sống tách xa đời sống văn minh từ quá lâu sẽ không thể nào hòa nhập vào nền văn minh được nữa, và rừng chính là ngôi nhà cuối cùng của họ.
Hồi tháng 12/2014, 3 thổ dân Amazon đã được tìm thấy, gồm có một người đàn ông trẻ tuổi, mẹ của anh ta và một bà cụ già là họ hàng của hai mẹ con. Họ đã được đưa ra khỏi rừng - nơi họ đã sống kể từ khi sinh ra, để chuyển tới sống trong nền văn minh của loài người đương đại. 3 người đã được đưa vào sống trong một ngôi làng.
Một năm rưỡi sau, trong một diễn biến… bất ngờ, hai người phụ nữ đã âm thầm rời bỏ ngôi làng để trở về với cuộc sống trong rừng, họ chỉ mang theo một chiếc rìu, một chiếc dao rựa, và một vài con gia cầm do họ chăm sóc trước đó. Tất cả… quần áo văn minh bị bỏ lại bên vệ đường, và quyết định ra đi này đã để lại một thông điệp rất rõ ràng.
Hai người phụ nữ thổ dân này không thích nghi được và cũng không muốn sống trong môi trường văn minh của con người đương đại, thay vào đó, họ muốn được trở về với cuộc sống quen thuộc trước đây bên trong rừng rậm Amazon (vùng rừng thuộc lãnh thổ Brazil).
Những chuyên gia thuộc một tổ chức phi lợi nhuận từng giúp đưa 3 “người rừng Amazon” hòa nhập cuộc sống văn minh giờ đây đã hiểu rằng: “Đó là một sự từ chối. Điều quan trọng đối với họ không phải là TV, điện nước… Điều quan trọng đối với họ là được sống trong căn lều của mình, trong khoảnh rừng của mình, được hàng ngày săn bắn, hái lượm, tắm bên sông, thường xuyên nhìn thấy thú rừng…”.
Trước đây, nhóm chuyên gia này đã làm quen với bộ lạc Awá - bộ lạc của hai người phụ nữ - suốt gần 20 năm, đây là một bộ lạc đang có nguy cơ bị đe dọa sự tồn vong với chỉ khoảng 450 người, họ sống trong những ngôi làng nhỏ thuộc phía đông nam của rừng Amazon.
Đa phần bộ lạc Awá hiện đã được sống trong những khu bảo tồn với nhiều điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho lối sống truyền thống của họ. Dù vậy, vẫn có một số thành viên, giống như 3 nhân vật kể trên, họ sống tách biệt bên ngoài khu bảo tồn, một lối sống thực sự nguyên thủy.
Những người này sống hoàn toàn biệt lập trong rừng, và chính nhóm thổ dân này mới gặp phải nhiều nguy hiểm đe dọa bởi nạn phá rừng, buôn gỗ lậu, khai mỏ trái phép, đốt rừng làm đất nông nghiệp…
Tất cả những việc này đều do con người “văn minh” gây ra, khiến cuộc sống của thổ dân trong rừng rậm Amazon bị đe dọa hơn bao giờ hết.
Với sự quan tâm của nhà chức trách, những thổ dân thuộc bộ lạc Awá sống trong khu bảo tồn bắt đầu học được cách làm nông nghiệp, có nông cụ lao động, được hỗ trợ thuốc men, và đôi khi họ cũng thử đi ra ngoài rừng để biết thế nào là thế giới bên ngoài.
Riêng 3 thổ dân Awá đặc biệt kể trên, gồm có hai người phụ nữ lớn tuổi, bà Jakarewãja (50 tuổi), bà Amakaria (60 tuổi), và con trai của bà Jakarewãja's - anh Wirohoa (20 tuổi), đã lựa chọn lối sống hoàn toàn biệt lập, không có sự tiếp xúc nào với con người văn minh.
Họ đã được tìm thấy bởi một nhóm thổ dân Awá khi đang đi săn hồi tháng 12/2014. Trước đó, 3 người này sống trong một căn lều làm từ lá cọ, đi săn bằng cung tên và hái lượm rau củ trong rừng.
Cuộc sống của 3 người họ ngày càng bị đe dọa bởi những người đốn gỗ lậu đang tiến gần tới nơi 3 người sinh sống, vì vậy, những thổ dân Awá đã thuyết phục họ đến sống trong một ngôi làng văn minh, nơi có điện nước, trạm y tế.
Ở thời điểm đó, hai người phụ nữ đã đổ bệnh nặng vì nhiễm lao. Cả 3 người họ được máy bay trực thăng đưa tới một thành phố gần đó để hai người phụ nữ được điều trị khỏi bệnh trong vòng vài tháng. Để giúp họ cảm thấy dễ chịu hơn trong quá trình điều trị, nhà chức trách đã dựng hẳn lều tranh trong sân bệnh viện, ngày ngày bác sĩ đến tận nơi thăm khám.
Sau khi hai người phụ nữ được điều trị khỏi bệnh, họ chuyển tới sống trong ngôi làng Tiracambu, ở đây, cậu thanh niên Wirohoa nhanh chóng làm quen với cuộc sống mới và cảm thấy thích thú, gắn bó với dân làng, cậu cũng tìm được một cô gái ưng thuận lấy mình và có một gia đình nhỏ. Khi hai người phụ nữ rời bỏ ngôi làng Tiracambu, Wirohoa quyết định ở lại.
Vì cuộc sống của hai người phụ nữ trong rừng rậm Amazon đã diễn ra gần suốt cuộc đời họ, nên khi được đưa vào cuộc sống văn minh, hiện đại, họ thấy rất khó hòa nhập và thường xuyên ẩn dật, lẩn tránh những giao tiếp với dân làng.
Sống trong làng, dù được cung cấp thực phẩm, thuốc men, có điện nước, được sưởi ấm, có nhà lợp mái tôn đàng hoàng, nhưng hai người phụ nữ vẫn cảm thấy quá khó hòa nhập và không hề thiết tha gì những thứ “văn minh” này.
Đầu tháng 8 vừa qua, hai người phụ nữ đã âm thầm rời đi, để trở về với khoảnh rừng quen thuộc trước đây. Trở lại với cuộc sống nguyên thủy, hai người họ sẽ phải đối diện với những mối nguy hiểm, đến từ những kẻ phá rừng, sẽ khó săn bắn, hái lượm như trước.
Thực tế, cuộc sống bên trong rừng rậm Amazon đang ngày càng trở nên khó khăn. Nhưng câu chuyện của hai người phụ nữ kể trên đã cho thấy rằng, dù cuộc sống trong rừng vất vả, khổ sở và nguy hiểm, họ vẫn lựa chọn sống ở đó.
Câu chuyện của hai người phụ nữ thổ dân đã khiến nhà chức trách Brazil nhận ra rằng, khi đã ở vào một độ tuổi nhất định, những thổ dân vốn đã sống tách xa đời sống văn minh từ quá lâu sẽ không thể nào hòa nhập được nữa, và rừng chính là ngôi nhà, nơi nương náu đưa lại cho họ cảm giác an toàn nhất.
Nhưng điều đáng buồn là rừng rậm Amazon đang ngày càng bị tấn công bởi những vấn nạn nhức nhối và thổ dân sinh sống trong khu rừng này đang ngày càng bị dồn nén bởi những con người đến từ thế giới “văn minh”.
Bích Ngọc
Theo Independent