Ngôi sao nhí: Một khởi đầu sớm hay là sự quá sức của trẻ?
(Dân trí) - Không chỉ ở Việt Nam mà cả những quốc gia phương Tây, với nền công nghiệp giải trí phát triển, câu chuyện xoay quanh những tài năng nhí được phát hiện từ các cuộc thi tìm kiếm tài năng cũng rất gây tranh cãi với nhiều ý kiến trái chiều.
Mới đây, trang BBC (Anh) đã thực hiện một bài viết có tiêu đề “Ngôi sao nhí: Một khởi đầu sớm hay là sự quá sức của trẻ?”. Trước thềm chương trình truyền hình thực tế “The Voice Kids” phiên bản Anh sắp lên sóng màn ảnh nhỏ nước này, BBC đã tìm hiểu những khía cạnh đa chiều của việc sớm phát hiện và phát triển những tài năng nhí để các em trở thành ngôi sao.
Câu hỏi mà rất nhiều người Anh cũng đang đặt ra đối với những chương trình dạng này, đó là: Liệu có phải quá sớm để một đứa trẻ trở thành trung tâm trên sân khấu lớn như vậy? Hay sẽ là tốt hơn khi để những đứa trẻ có tài năng sớm có được sự khởi đầu lý tưởng?
Nữ ca sĩ người Anh Pixie Lott - một trong những giám khảo của “Giọng hát Anh nhí” - chia sẻ rằng cô hạnh phúc với việc danh tiếng sớm tìm đến mình từ khi mới 5 tuổi, bởi việc sớm được phát hiện tài năng khiến Pixie Lott biết dồn sức tập trung vào một mục tiêu - trở thành ca sĩ.
Sự nghiệp ca hát của Pixie Lott sớm bước vào guồng quay từ những năm tháng tuổi teen. Kể từ đó đến nay, đã là một nữ ca sĩ 25 tuổi, Pixie Lott là một cái tên nổi tiếng không chỉ tại Anh mà còn với người yêu nhạc quốc tế, cô đã bán được hơn 4 triệu đĩa đơn và 1,6 triệu album trên toàn thế giới.
Giờ đây, Pixie Lott muốn khuyến khích những tài năng nhí hãy tiếp tục bước đi trên con đường của mình và sớm khởi động sự nghiệp thông qua những chương trình tìm kiếm tài năng ca hát: “Tôi rất háo hức được tham gia vào Giọng hát Anh nhí để giúp phát hiện ra những ngôi sao nhí. Tôi rất thích thú với những tài năng trẻ”.
Sẽ là không công bằng nếu kìm chân các bé?
Thực sự cũng có khá nhiều bậc phụ huynh hứng thú với việc sớm phát hiện và phát triển tài năng cho con. Chương trình “Giọng hát Anh nhí” mùa đầu tiên sẽ lên sóng vào đầu năm 2017, ở vòng sơ loại, ban tổ chức đã nhận được hơn 15.000 hồ sơ xin đăng ký dự thi từ các bé, đương nhiên, đứng sau các bé chính là các bậc phụ huynh.
Chị Hayley Elton, một nghệ sĩ piano chơi trong dàn nhạc giao hưởng, có hai con nhỏ sở hữu những tài năng âm nhạc nhất định, chị đã từng để hai bé tham gia những chương trình tìm kiếm tài năng trên truyền hình và cho rằng cơ hội có được từ các “cuộc chơi ra mắt công chúng” là rất lớn đối với tương lai sự nghiệp của các bé mai sau.
Hiện giờ, cậu con trai Curtis 13 tuổi của chị đã là một nghệ sĩ piano được công nhận về mặt tài năng, là một trong những nghệ sĩ trẻ tuổi nhất nước Anh nhận được những chứng chỉ về nghệ thuật trình diễn piano. Cậu bé từng xuất hiện tại chương trình “Britain’s Got Talent” (Tìm kiếm tài năng Anh) từ năm lên 7.
Cô con gái Sophia 11 tuổi của chị cũng tiếp bước anh trai, hiện tại cô bé đang theo học chuyên ngành opera và đã xuất hiện trong chương trình “Child Genius” (Thiên tài nhí).
Là một bậc phụ huynh am hiểu về con đường nghệ thuật mà các con đang theo đuổi, chị Hayley Elton khẳng định: “Khi bạn nhìn ra tài năng của con mình, bạn phải khuyến khích sự phát triển. Nếu bạn được ban tặng những đứa con có tài năng, bạn phải phát triển tối đa tài năng đó. Hai con của tôi đều yêu ánh đèn sân khấu”.
“Các cháu tự tin khi xuất hiện trên sân khấu và đương nhiên, tôi phải ủng hộ các cháu. Sẽ là bất công nếu tôi cố kìm chân các cháu lại chỉ bởi tôi cho rằng các cháu còn nhỏ tuổi. Tôi có thể khuyên Curtis hãy chờ đợi thêm trước khi tham gia Tìm kiếm Tài năng Anh, nhưng cháu muốn tham gia ngay tại thời điểm lên 7 tuổi”.
“Bất kể kết quả như thế nào, điều đó không quan trọng, Curtis không giành chiến thắng. Điều quan trọng là cháu được xuất hiện trước công chúng, đó là một cuộc chơi, cháu chơi với nó và giờ đây cháu đang được mời đi biểu diễn tại nhiều sự kiện âm nhạc”.
Không chỉ toàn lấp lánh và hào quang
Những người bày tỏ sự lo lắng khi để trẻ nhỏ sớm xuất hiện trước công chúng cũng có lý của họ. Người ta đã thấy quá rõ những hậu quả xảy đến với các ngôi sao khi họ nổi tiếng từ khi còn chưa đủ độ chín chắn, trưởng thành.
Những diễn viên nhí đình đám một thời như Drew Barrymore, Macaulay Culkin, Lindsay Lohan…, những lùm xùm xung quanh lối sống và cách hành xử của những ca sĩ sớm nổi tiếng như Justin Bieber, Miley Cyrus… có thể nói lên nhiều điều.
Nữ ca sĩ - diễn viên người Anh Dani Harmer đã từng được hàng triệu người xem truyền hình Anh biết tới và yêu mến từ khi còn là một cô bé 12 tuổi xuất hiện trong các bộ phim truyền hình. Hiện tại, ở tuổi 27, Dani Harmer sở hữu một sự nghiệp ổn định, nhưng đối với Dani, con đường mà cô từng đi khi còn là một cô bé tuổi teen không dễ dàng gì.
“Bạn phải đối mặt với rất nhiều những bước lùi trong nền công nghiệp giải trí, không thể lúc nào mọi việc cũng thành công, suôn sẻ, thuận lợi. Ngay từ nhỏ, bạn đã phải học cách mặt dày mày dạn đối diện với tất cả mọi chuyện. Tôi muốn mọi người hiểu hơn về nền công nghiệp giải trí, bởi không chỉ toàn lấp lánh và hào quang đâu”, nữ ca sĩ Dani Harmer chia sẻ.
Những tổn hại khôn lường có thể xảy ra
Tiến sĩ Jane O’Connor, chuyên nghiên cứu về tâm lý học trẻ em tại trường Đại học Birmingham City (Anh) hiện đang thực hiện một cuốn sách xoay quanh những đứa trẻ sớm trở thành ngôi sao - một hiện tượng không thể bỏ qua của nền công nghiệp giải trí đương đại.
Bà khẳng định rằng danh tiếng tìm đến khi còn nhỏ tuổi có thể đưa lại những điều tích cực, nhưng cha mẹ phải rất cẩn thận để không đẩy con mình đi quá xa, quá nhanh, bởi hậu quả có thể khôn lường.
Tiến sĩ Jane O’Connor nhận định: “Chúng ta đã chứng kiến quá nhiều câu chuyện buồn về những ngôi sao nhí từng trượt dốc, thậm chí hủy hoại cả tương lai của mình, chỉ vì nổi tiếng từ quá sớm, và còn bởi cha mẹ của họ quá tham vọng”.
“Chúng ta có thể khá bối rối về vai trò của người lớn và trẻ nhỏ khi cha mẹ trở thành người trợ lý cho con trẻ trong khi con trẻ lại kiếm ra tiền. Những quan niệm cơ bản về cha mẹ và con cái, về người lớn và trẻ nhỏ, bỗng nhiên bị đảo lộn và có thể gây ra nhiều vấn đề”.
“Sẽ rất có hại đối với sự phát triển của trẻ khi trẻ được khen ngợi quá nhiều, như thế sự phát triển của trẻ sẽ chóng kết thúc trước khi các bé bước vào lứa tuổi teen, trong khi các bạn bè cùng trang lứa vẫn tiếp tục trưởng thành hơn và có những trải nghiệm phù hợp với độ tuổi”.
Lời khuyên của tiến sĩ Jane O’Connor, đó là hãy để trẻ tiến bước nhưng phải duy trì cho trẻ một cuộc sống bình thường nhất có thể và không được thúc trẻ đi quá nhanh, hãy để tất cả được thực hiện dựa trên nguyện vọng, sở thích, khả năng và mức độ sẵn sàng của trẻ.
Ngoài ra, bất cứ khi nào trẻ tham gia vào một cuộc thi tài năng, cha mẹ đều phải nghĩ đó đã là một sự thành công, bất kể kết quả ra sao. Chính cha mẹ phải là người luôn giữ thái độ tích cực, tuyệt đối không được để “lây” sang trẻ bất cứ nỗi lo lắng, bất an hay nghi ngờ nào. Nếu chính cha mẹ là người đang bối rối, họ cần phải được tư vấn bởi các chuyên gia.
Bích Ngọc
Theo BBC