Ngô Kinh ở đâu trước khi được biết đến với “Chiến lang 2”?

(Dân trí) - Việc “Chiến lang 2” trở thành phim ăn khách nhất lịch sử điện ảnh Trung Quốc đã khiến Ngô Kinh - đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất kiêm nam chính - trở thành nhân vật gây sốt. Anh là ai và ở đâu suốt những năm qua, trước khi có “Chiến lang 2”?

Trước khi trở thành cái tên gây sốt trong giới điện ảnh Châu Á, Ngô Kinh (43 tuổi) đã âm thầm đi qua các bộ phim hành động - võ thuật và học hỏi được nhiều điều từ những vị đạo diễn hàng đầu của dòng phim võ thuật Hồng Kông.

Ngô Kinh - “ông hoàng phòng vé Trung Quốc”
Ngô Kinh - “ông hoàng phòng vé Trung Quốc”

Mới đây, cái tên Ngô Kinh bỗng được nhắc tới trên các chuyên trang điện ảnh của Châu Á và quốc tế, bởi anh là bàn tay đứng sau dàn dựng, đồng thời là nam chính của bộ phim lập kỷ lục về doanh số mọi thời đại trong nền điện ảnh lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc.

Trong tuần qua, “Chiến lang 2” của Ngô Kinh đã đạt mức doanh số 571 triệu USD sau 14 ngày ra rạp tại Trung Quốc, đẩy “Mỹ nhân ngư” xuống vị trí thứ hai. “Mỹ nhân ngư” ra rạp tại Trung Quốc và một số nước Châu Á hồi năm 2016, từng thu về 527 triệu USD từ phòng vé.

Đối với giới điện ảnh, tới thời điểm này, người ta mới bắt đầu “nháo nhác” hỏi: Ngô Kinh là ai? Ngô Kinh ở đâu trước khi trở thành “ông hoàng phòng vé Trung Quốc”? Câu trả lời là trước khi tạo cú đột phá với “Chiến lang 2”, Ngô Kinh đã mài giũa bản thân trong hàng loạt bộ phim hành động Hồng Kông.

Thời kỳ này, Ngô Kinh chỉ được đóng vai chính trong những phim hạng B, nếu “ngoi lên” được phim hạng A thì anh lại phải đảm nhận vai phụ.

Ngô Kinh ở đâu trước khi được biết đến với “Chiến lang 2”? - 2

Trong một bài báo đăng tải hồi năm 2006, tờ tin tức SCMP (Hồng Kông) đã từng “nhận diện” Ngô Kinh, cho rằng đây là “ứng viên tiềm năng nhất có thể nối bước những đàn anh như Lý Liên Kiệt và Thành Long”.

Nhưng dù được xem là một trong những diễn viên võ thuật được mến mộ nhất của màn ảnh Hoa ngữ hồi đầu thập niên 2000, Ngô Kinh vẫn lặp đi lặp lại trong vòng quay luẩn quẩn: Nếu được vai chính thì đó là phim hạng B, nếu tham gia phim hạng A thì chỉ nhận được vai phụ.

Dù vậy, Ngô Kinh đã tận dụng triệt để quãng thời gian hơn 20 năm đóng phim của mình để âm thầm học hỏi từ nhiều đạo diễn Hồng Kông nổi danh trong dòng phim võ thuật. Dưới đây là 5 vị đạo diễn mà Ngô Kinh đã hợp tác nhiều lần, dù vậy, có lẽ từ nay, những đạo diễn này sẽ khó có dịp hợp tác trở lại với Ngô Kinh bởi mức cát-sê khổng lồ mà họ sẽ phải trả cho anh.

Ngô Kinh trong “Chiến lang 2”
Ngô Kinh trong “Chiến lang 2”

Đạo diễn Viên Hòa Bình

Ngô Kinh từ lâu đã là một cái tên quen thuộc của dòng phim võ thuật Hồng Kông. Bộ phim đầu tiên giúp anh được xếp vào hàng sao điện ảnh là “Tai Chi II” (Thái Cực Quyền 2 - 1996), đây là tập phim tiếp theo sau “Tai Chi Master” (Thái Cực Trương Tam Phong - 1993) do Lý Liên Kiệt diễn xuất chính, cả hai phim đều do Viên Hòa Bình đạo diễn.

Nói đến phim võ thuật Hồng Kông, không thể không nhắc tới đạo diễn Viên Hòa Bình (72 tuổi), ông được xem như một cây đại thụ trong giới làm phim xứ Hương Cảng. Về sau, Ngô Kinh còn hợp tác trở lại với đại diễn Viên trong loạt phim truyền hình “New Shaolin Temple” (Tân Thiếu Lâm Tự - 2000).

Thời kỳ này, đạo diễn Viên rất được chú ý bởi ông chính là chỉ đạo võ thuật cho bộ phim nổi tiếng thế giới “Crouching Tiger, Hidden Dragon” (Ngọa hổ tàng long - 2000) - tác phẩm điện ảnh từng đoạt giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất.

Trailer “Tai Chi II” (Thái Cực Quyền 2 - 1996)

Đạo diễn Diệp Vĩ Tín

Dù rằng Ngô Kinh chỉ được vào vai phụ - một kẻ sát nhân điên loạn trong bộ phim làm về đề tài cảnh sát - “Sát Phá Lang” (2005), nhưng bộ phim đã chứng kiến bước chuyển của anh khi xuất hiện trong những phim võ thuật hiện đại, thay vì chỉ toàn những phim võ thuật cổ trang.

Năm 2015, Ngô Kinh tái xuất trong “SPL2: A Time for Consequences” (Sát Phá Lang 2), đánh dấu bước chuyển quan trọng và dứt khoát của anh sang dòng phim võ thuật hiện đại.

Sự hợp tác của Ngô Kinh với Diệp Vĩ Tín không đưa lại cho anh những vai diễn lớn, thậm chí có cả phim “bom xịt” kiểu như “Magic to Win” (Khai tâm ma pháp - 2011), nhưng vẫn có một ý nghĩa không nhỏ trong bước đường mày mò học làm phim của Ngô Kinh.

Trailer “Sát Phá Lang” (2005)

Đạo diễn La Thủ Diệu

Trong khoảng gần một thập kỷ từ giữa những năm 2000, đạo diễn La Thủ Diệu được xem là một đại diện của dòng phim võ thuật Hồng Kông. Ông miệt mài viết kịch bản, đạo diễn và sản xuất những bộ phim của mình một cách rất đều tay.

Ngô Kinh từng có dịp hợp tác với đạo diễn La trong các bộ phim như “Fatal Contact” (Hắc quyền - 2006) và “Fatal Move” (Huyết chiến - 2008). Các màn võ thuật đầy tính giải trí do Ngô Kinh đảm nhận được xem là những điểm sáng trong phim. Phong cách làm việc “ôm thầu trọn gói” của đạo diễn La đã truyền cảm hứng cho Ngô Kinh trong bước đường học làm đạo diễn.

Trailer “Fatal Contact” (Hắc quyền - 2006)

Đạo diễn Trần Mộc Thắng

Ngô Kinh từng đóng trong 4 phim do Trần Mộc Thắng đạo diễn, đây cũng là vị đạo diễn mà anh hợp tác nhiều lần nhất, mặc dù không bao giờ được đảm nhận vai chính. Đó là các phim “Invisible Target” (Nam nhi bản sắc - 2007), “City Under Siege” (Toàn thành giới bị - 2010), “Shaolin” (Tân Thiếu Lâm Tự - 2011) và “Call of Heroes” (Nguy thành tiêm bá - 2016).

Trong cả 4 phim này, dù chỉ là diễn viên phụ nhưng Ngô Kinh thể hiện rất tròn vai, cho thấy anh là một diễn viên (dù phụ) nhưng rất đáng tin cậy, luôn sẵn sàng để chứng tỏ năng lực bản thân mỗi khi được trao cho cơ hội. Mỗi khi tới phân cảnh của mình, dù ngắn ngủi, nhưng Ngô Kinh đều thực hiện những pha võ thuật bắt mắt, tạo thành điểm sáng cho phim.

Trailer “Shaolin” (Tân Thiếu Lâm Tự - 2011)

Đạo diễn Lưu Trấn Vĩ

Sự hợp tác với đạo diễn Lưu Trấn Vĩ được xem là kỳ lạ nhất trong cách chọn vai của Ngô Kinh. Nam diễn viên “cứng cựa” của dòng phim võ thuật đã có những vai diễn không được đánh giá cao, thậm chí bị cho là kỳ khôi, nhưng cũng khá hài hước.

Ngô Kinh từng xuất hiện trong ba bộ phim bị cho là “hơi nhảm” của đạo diễn Lưu, như “Kungfu Cyborg” (Cơ khí hiệp - 2009), “Just Another Pandora’s Box” (Việt quang bảo hạp - 2010), và “A Chinese Odyssey Part Three” (Đại thoại Tây Du 3 - 2016).

Xuất hiện trong phim của Lưu Trấn Vĩ, Ngô Kinh học được cách diễn hài nhẹ nhàng, có duyên, càng về sau anh càng trở nên hài hước và biết cách diễn khiến khán giả bật cười.

Sự đa dạng trong các dự án phim mà Ngô Kinh đảm nhận đã giúp anh học hỏi được nhiều điều trong suốt hơn 20 năm đóng phim. Để cho tới hôm nay, khi đạo diễn bộ phim thứ 3 trong sự nghiệp - “Chiến lang 2”, Ngô Kinh đã thực sự trở thành một nhân vật xuất chúng trong giới làm phim Hoa ngữ.

Trailer “A Chinese Odyssey Part Three” (Đại thoại Tây Du 3 - 2016)

>> “Chiến lang 2” xác lập kỷ lục phòng vé mọi thời đại của Trung Quốc

Bích Ngọc
Theo SCMP