Mỗi bức tranh nổi tiếng đều mang một mật mã?
(Dân trí) - Trong đôi mắt nàng Mona Lisa có những đoạn mật mã của Da Vinci, trong bức “Bữa tối cuối cùng” dường như xuất hiện một người phụ nữ bồng con đứng cạnh Chúa…
Mật mã ẩn giấu trong đôi mắt nàng Mona Lisa
Tranh luận thường tập trung vào nụ cười bí ẩn của nàng. Tuy vậy, khi các nhà sử học ở Ý quan sát bức tranh dưới kính hiển vi, họ đã phát hiện ra rằng bằng cách phóng to đôi mắt của nàng Mona Lisa, người ta còn có thể nhìn thấy những con số và chữ cái nhỏ xíu.
Các chuyên gia nói rằng đây có thể là “mật mã Da Vinci”. Ở mắt phải, người ta đọc được hai chữ LV, có lẽ là chữ viết tắt tên ông - Leonardo Da Vinci. Mắt trái có những biểu tượng không thể giải nghĩa và hai chữ cãi CE hoặc có thể là CB.
Ở vòm cầu nằm phía hậu cảnh có chữ số 72 hoặc cũng có thể là L2. Ngoài ra còn có con số 149 và chữ số thứ 4 bị tác giả xóa mất, nằm phía sau bức tranh. Điều này cho biết Da Vinci đã vẽ bức tranh này khi ở Milan hồi thập niên 1490.
Bức “Bữa tối cuối cùng”: Câu đố về toán học, thiên văn và nhạc lý
Slavisa Pesci, một kỹ thuật viên chuyên về xử lý thông tin từng tạo ra một hiệu ứng hình ảnh thú vị bằng cách ghép bức tranh ngược lên bức tranh gốc và để hình ảnh hai bức tranh hòa vào nhau.
Kết quả tạo ra là hai môn đồ của Chúa ngồi ở hai đầu bàn bỗng hóa thành hai kỵ sĩ, ngoài ra còn có bóng một người phụ nữ đang bế một đứa trẻ xuất hiện ở phía bên trái Chúa Jesus.
Giovanni Maria Pala, một nhạc công người Ý từng chỉ ra rằng vị trí của các bàn tay và những ổ bánh mì còn có thể dịch ra thành những nốt nhạc trên một khuông nhạc. Nếu đọc từ phải sang trái (giống như cách viết đặc biệt của Leonardo lúc sinh thời), đoạn nhạc đó hoàn toàn là một giai điệu được soạn có chủ ý.
Xung quanh bức tranh này, nhiều nhà nghiên cứu toán học và thiên văn cũng đưa ra những ý kiến bình luận gây sửng sốt. Nhiều người còn “dịch” được ra thông điệp về ngày tận thế, về kiếp luân hồi…
Bức “Tạo ra Adam”: Chuyên môn về giải phẫu học của Michelangelo
Michelangelo là họa sĩ, nhà điêu khắc vĩ đại của thời kỳ Phục hưng nhưng còn một chuyên môn mà nhiều người chưa biết ở Michelangelo, đó chính là nghiên cứu giải phẫu cơ thể người. Kể từ năm 17 tuổi, Michelangelo đã có niềm say mê khảo sát tỉ mỉ những thi hài bị bỏ lại trong nghĩa trang nhà thờ để chờ chôn cất.
Nhiều chuyên gia khẳng định rằng trong bức tranh nổi tiếng này, Michelangelo đã sử dụng tới những kiến thức về giải phẫu học khi những khối kết cấu phức tạp trong bộ não người được phản ánh đầy đủ bằng những chi tiết có biến tấu ít nhiều trong bức tranh. Ngay cả dải khăn xanh được vẽ ra cũng hoàn toàn có mục đích.
Bức “Đức Mẹ và Thánh Giovannino”: Xuất hiện vật thể bay không xác định
Tác phẩm này không chỉ gây chú ý bởi phần cơ bụng săn chắc của Chúa Jesus khi còn là một đứa bé, danh họa Domenico Ghirlandaio còn khắc họa một đốm nhỏ kỳ lạ bay lượn trên bầu trời.
Trên vai trái Đức Mẹ Mary, chúng ta có thể nhìn thấy một vật thể mà ngày nay chúng ta có thể gọi ngay ra rằng đó là một chiếc đĩa bay. Vật thể này khi được xem xét dưới kính hiển vi có thể thấy họa sĩ đã khắc họa rất chi tiết.
Phía bên phải bức tranh còn có một người đàn ông đang đặt cánh tay trái lên trán cho bớt lóa và nhìn rõ hơn vật thể kỳ lạ này. Đây tuyệt đối không thể là mặt trời bởi góc trên bên trái của bức tranh, tác giả đã vẽ mặt trời rồi.
Bức “Nhà tiên tri Zechariah”: Michelangelo không sợ cả Giáo hoàng
Mối bất hòa giữa Giáo hoàng Julius II và Michelangelo đã được lưu lại muôn đời bằng tác phẩm hội họa này. Các nhà sử học nói rằng Michelangelo đã khắc họa Giáo hoàng trong hình hài nhà tiên tri người Do Thái Zechariah. Một trong hai thiên thần đứng đằng sau Zechariah đã có một hành động rất… tục tĩu.
Bàn tay đứa trẻ ra dấu mà đương thời người ta chỉ dùng khi… chửi nhau. Ngón cái đặt vào giữa ngón trỏ và ngón giữa đã lột tả tất cả nỗi bực dọc của Michelangelo đối với Giáo hoàng Julius II.
Bức “David và Goliath”: Những chữ cái của người Do Thái
Nghiên cứu cách sắp xếp tư thế của các nhân vật được khắc họa trên trần nhà nguyện Sistine ở Vatican, người ta nhận ra rằng Michelangelo đã tạo dáng cho các nhân vật lấy ý tưởng từ các chữ cái của người Do Thái. Ví dụ, bức “David và Goliath” này tạo thành chữ “gimel”, biểu tượng cho sức mạnh.
Bức “Tục ngữ Hà Lan”: 112 câu tục ngữ được minh họa trong một bức tranh
Bức “Tục ngữ Hà Lan” được thực hiện năm 1559 bởi họa sĩ Pieter Bruegel. Trong đó, một vùng đất đông dân cư với những hoạt động tưởng như rất đời thường, tự nhiên lại trở thành cuốn từ điển cô đọng bằng hình ảnh những tục ngữ Hà Lan.
Các nhà nghiên cứu đã đếm được 112 câu tục ngữ được thể hiện trong bức tranh này. Một số câu vẫn còn được sử dụng cho tới hôm nay, ví dụ “bơi ngược dòng”, “cá lớn nuốt cá bé”, “đập đầu vào tường”, “vũ trang tới tận răng”…