Lý giải bầu trời màu đỏ trong siêu phẩm “Tiếng Thét”

(Dân trí)- Từ một thảm họa núi lửa phun trào cùng cơn đại hồng thủy lớn nhất trong lịch sử có thể đã trở thành nguồn cảm hứng cho một trong những bức tranh mang tính biểu tượng nhất của thế kỷ 19.

Một trong 4 phiên bản “Tiếng Thét” của danh dọa Edvard Much với khung cảnh là bầu trời đỏ rực.

Một trong 4 phiên bản “Tiếng Thét” của danh dọa Edvard Much với khung cảnh là bầu trời đỏ rực.

Bức tranh "Tiếng thét" của Edvard Munch là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất thế giới, tới độ những người chỉ biết sơ qua về hội họa cũng có thể nhận ra nó. Đó là bức tranh về những cơn ác mộng, những khuôn mặt nhăn nhúm vì sợ hãi, cùng một bầu trời pha trộn giữa màu đỏ rực và da cam. Người ta thường cho đó là sáng tác nghệ thuật của họa sĩ nhằm làm bức tranh thêm phần sống động. Nhưng sự thực thì đó chính là những gì đã diễn ra trước mắt Munch vào mùa đông năm 1883-1884.

Bầu trời đỏ rực đó chính là một buổi hoàng hôn sau vụ phun trào núi lửa Krakatoa. Ngọn núi lửa này nằm trên lãnh thổ Indonesia. Vụ phun trào lớn tới nỗi tiếng nổ có thể nghe được ở tận Australia và tạo ra đợt sóng thần lan tới tận Eo biển nước Anh. Các khu dân cư khắp Ấn Độ Dương đều bị xóa sổ. Các mảng bọt núi lửa trôi dạt vào bờ biển châu Phi sau đó tới một năm, mang theo thi thể của những nạn nhân trong vụ sóng thần. Bầu trời trở nên tối tăm trong nhiều ngày do tro bụi và mảnh vụn từ núi lửa.

Thảm họa ngọn núi lửa Krakatoa phun trào năm 1883

Thảm họa ngọn núi lửa Krakatoa phun trào năm 1883

Vụ nổ lớn gấp 4 lần quả bom lớn nhất con người từng chế tạo. Nó phá hủy nhiều hòn đảo, thay đổi địa hình đáy biển, và để lại một ngọn núi lửa nhỏ đang phát triển được gọi là "Con của Krakatoa". Người ta cho rằng núi lửa khổng lồ này đã phun trào nhiều lần, và nó đã gây ra nhiều hiện tượng ảnh hưởng đến cả thế giới.

Trong nhiều tháng, bầu trời đêm có màu y hệt màu trong bức tranh của Edvard Munch. Vụ phun trào xảy ra vào tháng 8/1883, tro bụi từ nó lơ lửng trong khí quyển cho tới tháng 2/1884. Ánh sáng phản chiếu vào các hạt tro bụi này tạo ra cảnh hoàng hôn màu đỏ ở khắp nơi, bao gồm cả Oslo, Na Uy, nơi ở của Munch.

Thảm họa ngọn núi lửa Krakatoa phun trào năm 1883

Con đường Valhallveien trên ngọn đồi Ekeberg, Oslo, Na Uy, nơi được cho là đã xuất hiện trong tác phẩm “Tiếng Thét” của Munch.

Các nhà nghiên cứu ở ĐH Bang Texas đã tìm thấy địa điểm chính xác được mô tả trong bức tranh - hướng về phía Nam, nhìn về ngọn đồi Ekeberg (Na Uy). Vị trí người trong tranh đứng là một con đường cũ, nó tạo nên cảnh nền phía trước cho bức tranh. Phần nền phía sau là cầu cảng, phù hợp với khung cảnh trên tranh nếu nhìn từ một ngọn núi đá ở bên đường.

Cảnh tượng trời đêm kì lạ này được lưu giữ rất đầy đủ trong các tài liệu báo chí và khoa học thời đó. Các nhà thiên văn ở Oslo cũng ghi nhận về bầu trời đỏ, vốn không xuất hiện trước tháng 11/1883.

Thực tế danh họa Much có thói quen vẽ lại các sự kiện diễn ra trong đời mình sau đó nhiều năm. Ví như việc vẽ lại cái chết của mẹ và chị ông dù họ đã qua đời từ lâu. Do đó không có gì khó hiểu khi Much sáng tác bức “Tiếng Thét” với bầu trời màu đỏ đầy ám ảnh dù hiện tượng này đã kết thúc từ chục năm trước.

Phan Hạnh
Theo KGN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm