Lòng tham của người Việt khiến đền, chùa quá tải vào đầu năm?
(Dân trí) - Đầu năm đi lễ chùa, đền, phủ, miếu… để cầu bình an là nét đẹp bao đời của người Việt. Nét đẹp này từng là sự kiêu hãnh, là nét văn hoá đặc trưng của cả một dân tộc được trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tuy vậy, theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu thì nét văn hóa ấy đang bị lòng tham gây kém đẹp.
Quá tải là do lòng tham?
Có thể nói, chưa bao giờ tình trạng đi lễ chùa lại bát nháo và quá tải như nhiều năm gần đây. Chỉ tính riêng năm nay, ngay trong những ngày mồng mồng 2, mồng 3 Tết đã có hàng vạn người đổ về các điểm di tích như: chùa Phúc Khánh, Phủ Tây Hồ, đền Bia Bà, chùa Quán Sứ, chùa Trấn Quốc, chùa Hương (Hà Nội), chùa Yên Tử, đền Cửa Ông (Quảng Ninh), đền Trần, phủ Dầy (Nam Định), đền Bà Chúa Kho, chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chùa Hương Tích (Hà Tĩnh), quần thể danh thắng Tây Thiên (Vĩnh Phúc)… để lễ bái.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng Ban quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn cho biết, từ ngày mùng 1 Tết đến nay, mỗi ngày di tích này đón hàng vạn du khách về thắp hương và vãn cảnh chùa. Riêng ngày mùng 3 Tết, lượng du khách về trẩy hội chùa Hương là 3,9 vạn, ngày mùng 4 Tết là 5 vạn. Do lượng người quá đông nên không ít khách thập phương phải ở ngoài vái vọng và ra về vì không vào được bên trong động Hương Tích để thắp hương.
Khu di tích và danh thắng Yên Tử cũng không thua kém. Ngày mồng 4 Tết, di tích này đã có hơn 2 vạn du khách đổ về hành lễ, ngày mồng 6 Tết chạm mốc 4 van. Trong 6 ngày Tết, khu di tích này có tới 11,5 vạn người đổ về hành lễ. Cáp treo bị quá tải, bãi trông giữ xe chật cứng như nêm, hiện tiện ùn tắc cục bộ trên QL18 diễn ra trong thời gian dài...
GS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho rằng, việc người dân đổ xô về các đền, chùa, phủ, miếu… để lễ bái dịp đầu năm hoặc đổ xô về các lễ hội chứng tỏ các điểm thờ tự, lễ hội còn đáp ứng những nhu cầu xã hội. Đặc biệt, trong xã hội thị trường hiện nay, chuyện người người, nhà nhà kéo nhau đi đến các điểm thờ tự, tâm linh để cầu xin cũng là điều dễ hiểu. Cái đó phù hợp với xu hướng xã hội.
Tuy nhiên, thực tế là việc đổ xô đến các điểm thờ tự đang mang tính phong trào và bị “thực dụng hoá” khiến cho các điểm tâm linh bị quá tải. Và hệ quả là hàng loạt các vấn nạn xảy ra làm cho nét văn hoá đáng tự hào bỗng trở nên đáng sợ. Cụ thể, đó là chuyện chen lấn xô đẩy để được vào nội cung lễ bái, chuyện mất cắp do đội quân đạo chích lợi dụng đông người trà trộn, chuyện hương khói nghi ngút cửa đền dẫn đến nguy cơ hoả hoạn luôn rình rập, nạn chặt chém ở các quán hàng, nạn khấn thuê kêu mướn lấy giá cắt cổ, đốt hàng tấn vàng mã gây lãng phí, nạn vứt rác bừa bãi khắp khu di tích… chỉ mới kể ra ngần đó thôi đã đủ thấy được “bức tranh” lễ chùa đầu năm không sáng sủa chút nào.
Điều đáng nói hơn là việc đổ xô đi lễ chùa bây giờ không đơn thuần là vừa đi cầu bình an, vừa du xuân vãn cảnh nữa mà đã bị biến tướng thành “trào lưu” đi giải hạn, đi cầu thăng quan tiến chức, đi “mua chuộc” thần Phật… Vì mang tâm lý này nên người ta không “lòng thành thắp một nén nhang” nữa mà lúc nào cũng mâm cao lễ lớn, vàng mã đốt cả xe ô tô, cứ phải vào được hậu cung mới gọi là lễ… Và chẳng ai chịu nhường ai, cứ thế chen chúc, mạnh ai người nấy được, phải làm sao khấn to nhất dài nhất, đặt lễ vị trí đẹp nhất, đồ lễ xịn nhất thì mới chịu. Cứ thế, tình trạng quá tải ở các điểm di tích, tâm linh năm nào cũng xảy ra.
Trả lại cho truyền thống nét đẹp vốn có
“Đi lễ chùa đền để cầu bình an là nét đẹp nhưng cũng phải ở mức độ vừa phải. Các cụ ngày xưa cũng cầu xin nhưng người ta vẫn lao động cật lực chứ không phải như bây giờ, nhiều người đi cầu xin rồi ngồi đó chờ của đến. Âm phù là phù cho sự bình an, cho sức khoẻ để làm việc chứ không phải phù cho của rơi vào đầu, cho lấy hết nợ, cho lên làm ông nọ bà kia…. Thế nên, cứ đổ xô đi sắm hàng mâm cỗ tiền triệu để lễ chùa, để cầu hết điều này qua điều khác là một sự mê muội. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật đó là sự tham sân si.
Quan điểm đó, tư tưởng đó, xu hướng đó cần phải phê phán. Chúng ta phải khắc phục tư tưởng cứ lễ to là được, cứ đến gần với tay Phật là được, cứ xin là được… Điều này hoàn toàn sai văn hoá, sai truyền thống. Tín ngưỡng là lòng thành chứ không phải do mâm cao lễ lớn. Các cụ ngày xưa nói câu rất hay đó là “lòng thành thắp một nén nhang”, một nén nhang là thần Phật đã chứng cho rồi. Bây giờ anh thắp cả nắm, vàng mã đốt cả xe, lễ thì không có chỗ mà để… cái đó trái với tín ngưỡng truyền thống của cha ông xưa”, GS Ngô Đức Thịnh nhấn mạnh.
GS Nguyễn Lân Dũng cũng cho rằng, cứ sống với một tâm thiện, hành thiện và nỗ lực trong cuộc sống thì mọi việc sẽ đến chứ lễ lạt, xin xỏ… chẳng có ý nghĩa gì cả.
“Tâm không sáng thì có đi xin cũng chẳng thánh thần nào cho lợi lộc ấy cả. Đến đền chùa phủ với tâm thức của mình để mong một năm được nhiều điều tốt đẹp thì chớ, còn cứ bạ đâu xin đó lại trở thành vô duyên. Tôi tin thần thánh không bao giờ cho những người hay xin xỏ mà không chịu làm hoặc sống bất thiện cả. Cứ tin vào câu “Ở hiền gặp lành” đi, ông bà xưa nói không có sai đâu. Nỗ lực lao động, cố gắng phấn đấu, sống sao cho tốt, tu nhân tích đức… thì chẳng cần đến đền chùa phủ lễ thần thánh cũng sẽ độ trì… đó là cách giảm tải cho đền chùa phủ đấy và trả cho truyền thống nét đẹp vốn có”, GS Nguyễn Lân Dũng nói.
Theo GS Nguyễn Lân Dũng, việc đốt vàng mã thì từ thời cụ Nguyễn Công Tiễu (người Việt đầu tiên trong Hội đồng Nghiên cứu khoa học ở Đông Dương) cũng đã phản đối rất kịch liệt.
“Trước Cách mạng Tháng Tám cụ Tiễu đã từng có bài báo đả kích chuyện đốt hàng bao nhiêu tấn vàng mã gây lãng phí. Ngày nay, có doanh nghiệp còn chở cả xe tải vàng mã đi đốt để cầu xin đủ chuyện trên trời dưới đất. Tôi cho rằng, việc lễ bái là bằng tâm thành nên ở mức độ vừa phải thì được, còn quá đà thì không thể chấp nhận được”, GS Dũng chia sẻ thêm. Theo GS Nguyễn Lân Dũng, các tình trạng kể trên ngày càng diễn ra với mức độ nghiêm trọng hơn là do tuyên truyền chưa quyết liệt lắm.
Một số nhà văn hoá cũng đồng tình với GS Nguyễn Lân Dũng khi cho rằng việc tuyên truyền chưa thực sự quyết liệt nên nhiều người dân vẫn còn mơ hồ trong niềm tin mang tính tâm linh của mình. Cụ thể, đến tận bây giờ nhiều người dân vẫn tin phải đến chùa nổi tiếng lễ mới thiêng, cầu gì được nấy chứ chùa quê không thiêng. Cho nên mới xảy ra tình trạng chùa nhỏ thì vắng, chùa lớn lại đông. Bên cạnh đó, người Việt đôi khi vì tham lam mà bỏ qua cả “văn hoá xếp hàng”, quên cả sự nhường nhịn, quên cả sỹ diện bản thân…
Một số nhà nghiên cứu văn hoá tỏ ra thất vọng khi xã hội càng phát triển con người lại càng mê muội và tham lam. Chính lòng tham đang huỷ hoại dần những nét văn hoá mà cha ông đã mất bao công sức gầy dựng. Cứ đà này, kể cả các cơ quan quản lý văn hoá có nỗ lực đến mấy thì cũng không thể quản lý nổi nếu mỗi người dân không chịu nâng cao ý thức của bản thân mình.
Hà Tùng Long